Tin thủy sản Ngư dân Quảng Ngãi trúng mùa ruốc

Ngư dân Quảng Ngãi trúng mùa ruốc

Tác giả Ái Kiều, ngày đăng 16/03/2016

Con ruốc là một loài nhuyễn thể, ở mỗi vùng nó mang tên gọi khác nhau. Ở tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân hay gọi là con tép nhỏ. Biển năm nay được mùa ruốc nên khắp các làng biển đều rộn ràng.

Rạng sáng, khi trời còn chưa tỏ mặt người, bãi biển đông nghịt người lỉnh khỉnh mang đồ nghề bắt đầu một ngày đi đánh ruốc. Mùa ruốc chỉ kéo dài trong vài tháng nên ai cũng tranh thủ đạp sóng “săn” lộc biển từ cái nghề ăn theo mùa vụ này.

Một ngày hành nghề với ngư dân đi đánh ruốc xuất phát từ lúc 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Những chiếc tàu có công suất nhỏ mang theo 8 - 10 ngư dân ra khơi cách bờ chừng vài hải lý là có thể kéo mành vớt ruốc.

Để đánh được ruốc, 3 người ở mũi thuyền cầm làm nhiệm vụ dây đòi, những người còn lại sẽ vung mành xuống nơi những đàn ruốc đỏ hau, nhảy búng tanh tách theo những con sóng uốn lượn cho ruốc lọt vào mành rồi kéo lên.

Cũng theo lão ngư phủ Nguyễn Hạnh thì con ruốc rất nhỏ nhưng lại theo đi đàn dày đặc rất hùng mạnh nên ngư dân phải làm việc cật lực. Thông thường, một lần kéo mành được 50 - 70kg ruốc, cũng có khi là cả tạ. Mành ruốc càng nặng đồng nghĩa với việc ngư dân phải cật lực kéo mành. Thanh niên trai tráng to khỏe mới kéo nổi, còn già cả đi mấy bữa phải nghỉ vài bữa dưỡng sức.

Xòe đôi bày tay sưng vù, chi chít vết nứt, lão ngư này bộc bạch: “Làm nghề này nặng nhọc, không dễ chút nào, người lúc nào cũng lom khom kéo mành, một ngày trở về lại thêm vài vết nứt trên tay”. Bù lại, từ Tết đến nay, lão Hạnh khai thác hơn 5 tấn ruốc tươi thu về gần 60 triệu đồng, chia cho bạn thuyền lão còn được 30 triệu đồng.


Ruốc mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, mùa ruốc thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch kéo dài đến hết tháng 3 năm sau. Năm nào biển hay động, năm đó được mùa ruốc, ruốc bị những cơn sóng đánh dạt vào ven bờ.

So với những năm trước, năm nay ruốc xuất hiện muộn (sau Tết âm lịch) nhưng gần bờ, vì thế việc khai thác thuận lợi hơn. Một ngày ra khơi của ngư dân vừa đi vừa về chưa đến 20 hải lý, chỉ tốn một canh rưỡi dầu, vị chi có 45 lít, nhưng kiếm được tiền triệu.

Ghe ít nhất khai thác được 1 tấn, không ít ghe có ngày đến vài tấn, không chỉ được mùa còn được giá. Ruốc trúng mùa, các đầu nậu tổ chức thu mua ngay trên biển để mang ruốc vào bờ kịp phơi khô hay bán lại cho các thương lái về các chợ bán lẻ.

“Với giá bán ruốc tươi 10.000 - 12.000 đồng/kg, 80.000 - 10.000 đồng/kg ruốc khô, mỗi ghe trung bình thu được 10 triệu/ngày, cá biệt có ghe đạt 50 triệu/ngày, bình quân thu nhập mỗi ngư dân 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người/ngày”- ngư dân Nguyễn Tấn Luông cho biết.


Ruốc được thu mua ngay ngoài biển.

Biển dữ dội nhưng cũng thật hào phóng. Một tháng đánh ruốc thu nhập có khi còn hơn cả mấy tháng vụ chính vụ, ai nấy đều phấn khởi. Điều làm ngư dân càng phấn khơi hơn, theo kinh nghiệm của họ, năm nào được mùa ruốc là năm đó sẽ được mùa cá nục, cá cơm… bởi ruốc là thức ăn ưa thích của chúng, ruốc đi chuyển đến đâu là cá nục, cá cơm theo ruốc kiếm ăn đến đó.

Kinh nghiệm đúc kết bao đời của người vùng biển quả thật không sai khi những ngày qua, những tàu đánh bắt gần bờ cập bến cá nục đầy khoang. “Ghe lớn về trúng mùa cá nục ghê lắm, như ghe ông Phát hôm kia đi có một bữa vô mà được tới 3 tấn cá nục và gần 10 tấn cá nẻo, bán được hơn 100 triệu đồng”- lão ngư Hạnh cho hay.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-muc-bach-tuoc-tang-tro-lai Xuất khẩu mực, bạch tuộc… san-luong-ca-tra-giam-manh Sản lượng cá tra giảm…