Mô hình kinh tế Ngư Dân Vào Vụ Khai Thác Cá Nam

Ngư Dân Vào Vụ Khai Thác Cá Nam

Ngày đăng 08/05/2014

Vào vụ cá Nam năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, các đàn cá nổi liên tục xuất hiện với trữ lượng rất lớn nên đã có 65% tàu cá ra khơi khai thác trên các ngư trường từ tỉnh Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. 35% thuyền nghề ngừng sản xuất chủ yếu là các tàu nghề pha xúc đang tu bổ, sửa chữa chuẩn bị cho chuyến đi xa đến vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang. Nhìn chung bước khởi động đánh bắt vụ cá nam đang có những tín hiệu mới tích cực.

Nếu năm trước, trong những tháng cuối vụ bấc, tức 3 tháng đầu năm do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc làm biển động mạnh nên phần lớn tàu cá của ngư dân tỉnh Ninh Thuận không thể vươn khơi khai thác hải sản, thì năm nay tình hình trái ngược hẳn. Chỉ tính từ đầu năm đến cuối tháng 3, ngư dân toàn tỉnh khai thác đạt sản lượng 40.700 tấn hải sản các loại, đạt gần 60% kế hoạch năm và vượt 892% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên tạo đà cho ngư dân đẩy mạnh hoạt động khai thác ngay từ tháng 4 đầu vụ cá Nam với sự phân bổ như sau: Các tàu nghề lưới rê nylon khai thác trên vùng biển xa; các tàu nghề câu, lưới vây khai thác trên vùng lộng và khơi; các tàu nghề lưới kéo và các tàu cá có công suất nhỏ khai thác trên vùng biển của tỉnh.

Sau gần một tháng, ngư dân đánh bắt được gần 3.000 tấn hải sản, nâng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh tính từ đầu năm đến cuối tháng 4 đạt khoảng 43.672 tấn (đạt 62,71% kế hoạch năm), trong đó chiếm đa số là cá ngừ, cá nục các loại, cá thóc, cá chuồn, cá cơm, cá liệt và mực các loại.

Riêng ngư dân phường Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) và thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) chỉ trong tuần lễ (từ 19 đến 25-4) khai thác được 1.250 con tôm hùm con, nâng sản lượng khai thác từ đầu năm đến nay lên 31.750 con, có giá bán từ 105.000 đồng- 230.000 đồng/con tùy loại.

Trao đổi với các chủ tàu cá ở các địa phương ven biển, chúng tôi được biết phần lớn hải sản tiêu thụ tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh với giá bán bình quân đã tăng lên, chẳng hạn cá ngừ có giá 55.000-110.000 đồng/kg, cá thóc có giá 35.000-60.000 đồng/kg, cá liệt giá 20.000-25.000 đồng/kg và mực (tùy loại) từ 40.000-120.000 đồng/kg.

Anh Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (KT&BVNLTS) tỉnh cho biết: “Nghề cá được mùa, được giá đã kích thích ngư dân đóng mới, mua sắm tàu thuyền công suất lớn, nét mới là nếu trước đây thường chỉ tập trung tăng ở Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) thì nay tàu lớn trên 400 CV tăng cả ở Ninh Hải và Phan Rang-Tháp Chàm”.

Tính trong 4 tháng đầu năm, đã có 24 tàu cá (9.968 CV) đóng mới với công suất bình quân 415,4 CV/chiếc, trong đó có 1 chiếc có công suất 673 CV vừa được đóng mới tuần qua; ngoài ra còn có 54 tàu cải hoán tăng công suất lớn và 14 tàu cá mua ngoài tỉnh có công suất trung bình trên 165 CV/chiếc. T

ính đến cuối tháng 4, năng lực tàu cá tỉnh Ninh Thuận có 2.702 chiếc với tổng công suất 262.135 CV, bình quân mỗi chiếc có công suất trên 97 CV; nếu tính chi tiết, riêng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên có khoảng gần 900 chiếc, trong đó từ 250 CV trở lên có khoảng 250 chiếc. Như vậy so với cùng kỳ năm ngoái, năng lực tàu cá toàn tỉnh đã tăng thêm 65 chiếc (35.653 CV), đặc biệt không chỉ nâng công suất bình quân tàu cá mà còn có sự chuyển dịch mạnh cơ cấu tàu công suất lớn.

Trước xu hướng phát triển tàu thuyền công suất lớn, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh đang chuẩn bị mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên để giúp hoạt động đánh bắt của các tàu cá được thuận tiện.

Có thể thấy ngay từ tháng đầu của vụ cá Nam, hoạt động khai thác hải sản của tỉnh ta đã có những tín hiệu lạc quan, mở ra triển vọng mới theo hướng vươn ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển. Tín hiệu này còn minh chứng sự chuyển biến tiến bộ về nhận thức, tư duy hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân.

Để sản lượng hải sản khai thác vụ cá Nam tiếp tục tăng cao, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh động viên ngư dân tăng cường bám biển, mở rộng ngư trường tuyến khơi, áp dụng một số công nghệ khai thác tiên tiến, tiếp cận và tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại nghề. Đặc biệt là tổ chức liên kết khai thác trên biển để tăng năng suất đánh bắt, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo chúng tôi, cùng với việc tăng thêm năng lực tàu cá, nếu sớm triển khai thực hiện dự án thí điểm hỗ trợ đóng mới tàu dịch vụ hậu cần trên biển, sẽ có thêm nhân tố thúc đẩy nghề cá tỉnh nhà phát triển theo như định hướng của Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh.

Hiện tại, là vụ mùa khai thác chính, vụ cá nam có ý nghĩa quyết định đến sự hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cả năm. Tin rằng với động lực mới, ngư dân tỉnh ta sẽ giành nhiều thắng lợi trong khai thác hải sản vụ Nam, góp phần từng bước hiện đại hóa nghề cá.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-tom-nuoc-lo-tai-dong-bang-song-cuu-long-khong-nen-chay-theo-so-luong Nuôi Tôm Nước Lợ Tại… mo-hinh-nuoi-ca-loc-giam-ngheo-o-xa-thanh-thoi-thuan-huyen-tran-de-soc-trang Mô Hình Nuôi Cá Lóc…