Tin thủy sản Ngư dân Việt Nam tự tin sau phán quyết về Biển Đông

Ngư dân Việt Nam tự tin sau phán quyết về Biển Đông

Tác giả Kim Oanh - An Sơn, ngày đăng 14/07/2016

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho biết, việc ra phán quyết của PCA ủng hộ lập trường của Philippines, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến nhiều ngư dân vui mừng. Đây là phán quyết phù hợp với Luật pháp quốc tế phủ quyết một tham vọng không đúng Luật pháp quốc tế về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đồng thời lên án Trung Quốc trong vây bắt, xua đuổi những người đánh cá trong vùng Bãi cạn Scarborough – Philippines.

Việc phán quyết cho Philippines nhưng sẽ có lợi cho ngư dân Việt Nam, bởi vùng biển Việt Nam cũng nằm trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đặt ra và ngư dân Việt Nam cũng bị xua đuổi như vậy.

Theo ông, với phán quyết của PCA, chắc chắn Trung Quốc sẽ không dễ dàng chấp nhận, họ vẫn tiếp tục có những tham vọng về “đường lưỡi bò”. Có thể trước mắt họ có những hành động càn quấy, nhưng về lâu dài, với tư cách là nước lớn, muốn khẳng định mình là một nước lớn, chắc chắn Trung Quốc vẫn phải ngại dư luận thế giới, quốc tế lên án việc này.

"Dẫu rằng không công nhận phán quyết, tôi tin rằng về lâu dài Trung Quốc sẽ “chùn tay” trong hoạt động yêu sách về “đường lưỡi bò”, cũng như trong việc truy bắt, cướp lưới, phá ngư lưới cụ, tông tàu của ngư dân Việt Nam đã xảy ra trong thời gian qua" - ông Lĩnh cho biết.

Ông cũng mong rằng phán quyết được thực hiện để ngư dân ra khơi tránh được những mất mát do chính sách bành trướng trên biển Đông về đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang thực hiện.

Còn ngư dân Đinh Văn Lợi (51 tuổi, chủ tàu cá ĐNa 90272TS) cho biết, khi hay tin PCA bác bỏ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đặt ra, nhiều ngư dân thấy hài lòng. Lâu nay, ngư dân đi đánh bắt luôn bị phía Trung Quốc phá ngư lưới cụ, xua đuổi không cho đánh bắt ở vùng biển Đông và quần đảo Hoàng Sa nhưng ngư dân vẫn kiên quyết bám biển, giữ ngư trường.

“Vừa qua ngư dân đi đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu chiến Trung Quốc xua đuổi không cho đánh bắt tại khu vực đó. Ngư dân chúng tôi mong muốn Chính phủ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc yêu sách, bành trướng đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam” - ngư dân Lợi nói.

Còn ngư dân Hồ Văn Hoang (48 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90555 TS bày tỏ: "Ngư dân chúng tôi đều mong rằng, sau phán quyết này, Trung Quốc sẽ điều chỉnh các hành vi trong việc xua đuổi, phá ngư lưới cụ của ngư dân thời gian qua. Về lâu dài, tôi nghĩ Chính phủ cần làm như Philippines”.

Ngư dân Ngô Đức Tâm, chủ tàu cá xa bờ ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) ông nghe thông tin này qua đài phát thanh vào tối 12.7, khi đang trên đường chở hải sản từ vùng biển Hoàng Sa về đất liền.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, ông lập tức liên lạc với ngư dân trên các tàu cá khác để thông báo. Tất cả đều hết sức vui mừng khi biết PCA bác bỏ "đường lưỡi bò" phi lý do Trung Quốc tự vẽ ra.

Theo ông Tâm, việc “đường lưỡi bò” bị bác bỏ giúp ngư dân trên tàu cá của ông cũng như các tàu cá đánh bắt xa bờ khác ở tỉnh yên tâm khi đánh bắt tại những ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lấn lâu nay.

“Trước đây, khi chúng tôi đánh bắt tại vùng biển Việt Nam vẫn thường xuyên bị Trung Quốc quấy phá, tấn công. Nay với phán quyết nói trên của tòa quốc tế, chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh để đối phó với tàu Trung Quốc nhằm bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tôi tin rằng sau phán quyết này ngư dân ở tỉnh sẽ đóng thêm nhiều tàu xa bờ để bám biển xa làm giàu” - ông Tâm phấn khởi nói.

Còn theo ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên- Huế, phán quyết của PCA sẽ là cơ sở pháp lý để chúng ta tiếp tục đấu tranh bảo vệ những vùng biển của ta bị Trung Quốc vi phạm chủ quyền bằng việc vẽ ra “đường lưỡi bò” phi lý.

“Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần phải lường trước những vấn đề có thể xảy ra sau phán quyết trên để sẵn sàng đối phó. Bởi lẽ phía Trung Quốc đã lập tức không công nhận phán quyết và sẽ có phản ứng để thể hiện sự không công nhận ấy, dẫn đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông” - ông Hiền nói.                                     

Phán quyết của PCA ngày 12.7 chính thức ủng hộ lập trường của Philippines, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông thông qua tuyên bố, Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nào để đòi "quyền lịch sử" đối với các nguồn tài nguyên tại vùng biển nằm trong đường 9 đoạn (Đường lưỡi bò) phi lý nước này đơn phương công bố.

Phán quyết cũng nhấn mạnh Đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển; Trung Quốc đã can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough; Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo và các hành động của nước này làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột trong khu vực.


Có thể bạn quan tâm

phat-len-nho-nuoi-ca-ngua-tren-bien Phất lên nhờ nuôi cá… ngheu-chet-o-can-gio-moi-mon-cho-cau-tra-loi-thoa-dang Nghêu chết ở Cần Giờ…