Mô hình kinh tế Ngư Dân Vùng Ven Biển Trà Vinh Phát Triển Nghề Nuôi Cá Chẽm

Ngư Dân Vùng Ven Biển Trà Vinh Phát Triển Nghề Nuôi Cá Chẽm

Ngày đăng 26/05/2012

Hiện nay, nhiều ngư dân ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh đã tận dụng diện tích ao, hồ nuôi tôm sú không đạt để phát triển nghề nuôi cá chẽm. Tại huyện Duyên Hải, 3 năm trước đã có khoảng 5 hộ nuôi thử nghiệm cá chẽm bằng giống sinh sản nhân tạo. Nhận thấy có hiệu quả, bà con truyền nhau kinh nghiệm nuôi cá và từ đó phong trào nuôi cá chẽm ngày càng lan rộng trên địa bàn huyện. Đến đầu năm 2012, toàn huyện đã có trên 100 hộ nuôi, tập trung nhiều ở các xã Hiệp Thạnh, Long Khánh và Long Vĩnh.

Năm 2011, anh Nguyễn Thanh Xuân, ở ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, thất bại vụ nuôi tôm sú nên chuyển sang nuôi 2.000 con cá chẽm nguồn giống nhân tạo trên 1 ha. Sau 7 tháng thả nuôi, bằng hình thức thu tỉa, anh thu được hơn 1 tấn cá thương phẩm, bán với giá 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh lãi trên 20 triệu đồng. Anh Xuân cho biết, cá chẽm có tính rất dữ, không nên nuôi chung với các loại cá khác sẽ dễ gây thất thoát. Nuôi cá chẽm ít xảy ra dịch bệnh, thời điểm nuôi thường vào đầu mùa mưa sẽ cho hiệu quả cao.

Tương tự, hộ anh Trần Văn Beo ở ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải thả nuôi hơn 5.000 con cá chẽm trên diện tích 2,5 ha. Đến nay đã hơn 6 tháng thả nuôi, trọng lượng bình quân đạt hơn 0,7 kg/con, gia đình anh Beo thu được hơn 40 triệu đồng. Theo kinh nghiệm nuôi cá của anh, thì ao nuôi cá phải có độ sâu khoảng 1,5 m đổ lại và đặc biệt là có thể luôn luôn thay nước được để nước trong ao lúc nào cũng sạch sẽ, một chú ý nữa là trước khi nuôi cần làm vệ sinh ao nuôi sạch sẽ và độ pH trong môi trường cá sống trung bình từ 7,5 đến 8,5. Do cá chẽm là loài cá dữ ăn thịt nên chúng có thể ăn lẫn nhau, nhất là khi còn nhỏ. Vì vậy người nuôi cá thường xuyên phải san bớt cá vào các lồng hay ao để nuôi với các chế độ khác nhau. Thông thường mật độ nuôi cá vào khoảng 4 đến 5 ngàn con/ha.

Phong trào nuôi cá chẽm ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh ngày càng mở rộng và có hiệu quả. Tuy nhiên do giá cá giống quá đắt (từ 1.000 - 1.500 đồng/con, thậm chí vào mùa vụ thả, lên đến 2.500 đồng/con mà vẫn thiếu cá giống) nên người nuôi phải sang các tỉnh lân cận để mua giống, do đó làm tăng giá thành sản xuất. Thiết nghĩ, ngành chức năng trong tỉnh cần tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh công tác nghiên cứu sản xuất nhân tạo cá giống tại địa phương, đảm bảo về số lượng và chất lượng để cung cấp cho ngư dân, góp phần phát triển ổn định, bền vững nghề nuôi cá chẽm thương phẩm ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh.


Có thể bạn quan tâm

ca-mu-vao-bo-niem-vui-lang-bien-o-binh-thuan Cá Mú Vào Bờ, Niềm… thu-lai-cao-nho-nuoi-ga-j-dabaco Thu Lãi Cao Nhờ Nuôi…