Mô hình kinh tế Người Chăn Nuôi Chật Vật Tái Đàn

Người Chăn Nuôi Chật Vật Tái Đàn

Ngày đăng 17/04/2014

Hiện giờ, giá bán gia súc gia cầm (GSGC) đang tăng mạnh, nhưng người chăn nuôi trong tỉnh Quảng Ngãi lại khó tái đàn vì thiếu vốn lẫn con giống...

Sau thời gian trượt thảm vì dịch bệnh thì hiện giờ, giá các loại GSGC tăng mạnh. Cụ thể, heo hơi dao động từ 45.000 - 48.000 đồng/kg, gà 75.000 - 90.000 đồng/kg, vịt 70.000 - 80.000 đồng/con. Cao nhất là heo giống với giá 500.000 -700.000 đồng/con từ 30 - 35 ngày tuổi.

Đầu ra tăng, đầu vào cũng tăng!

Chưa kịp mừng vì đàn heo thịt 5 con vừa mang về cho gia đình hơn 12 triệu đồng thì bà Nguyễn Thị Thư ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân (Mộ Đức) lại thấp thỏm lo âu. Lo là bởi hiện giờ chuồng heo nhà bà “trắng” nái lẫn con giống. Thế nên muốn có heo thịt bán đợt sau, bà phải bỏ ra 5 - 7 triệu đồng để mua 10 con heo con. Với nông dân, số tiền trên quá lớn nên muốn tái đàn, họ phải chấp nhận mạo hiểm.

Vì theo bà Thư, tiền mua con giống hiện giờ đã chiếm 1/3 giá trị đàn heo thịt tương lai, rồi còn chi phí thức ăn, công chăm sóc. Nếu 4 tháng sau, giá heo thịt vẫn đạt mức cao như hiện nay thì người chăn nuôi còn có chút lợi nhuận. Ngược lại, họ phải ôm lỗ kép là mất cả vốn lẫn công!

Không may mắn như bà Thư là có đàn heo thịt vừa xuất chuồng “chia khó”, chị Nguyễn Thị Hợi ngụ xã Hành Minh (Nghĩa Hành) mải loay hoay, chẳng biết kiếm đâu ra tiền để mua con giống tái đàn. Nếu đi vay, chị sợ đến giai đoạn xuất bán mà giá heo thịt suy giảm thì lại vướng nợ.

Bàn đi tính lại, vợ chồng chị Hợi quyết định bán lúa và đậu phụng, lấy tiền mua 3 con heo giống lai với giá 2 triệu đồng để... thử vận may!. Bởi, “heo thịt đang cao giá mà mình không nuôi thì tiếc. Thôi thử liều xem sao”, chị Hợi cho hay.

Cùng cảnh “nuôi lo lỗ, không nuôi thì tiếc” với người nuôi heo là những hộ muốn tái đàn gia cầm sau khi bị dịch cúm A/H5N1 càn quét. Nguyên nhân một phần là hiện giờ, giá gia cầm đã tăng trở lại; phần vì chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5) nên chủ hộ nôn nóng tái đàn để kịp phục vụ nhu cầu người dân.

Tính toán thế nhưng ông Nguyễn Hữu Thi ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) lại chùng lòng khi nghĩ đến số tiền ban đầu phải bỏ ra. Nguyên do, “vịt thịt phải nuôi bầy từ 300 con trở lên mới có lãi. Mà con giống tốt bây giờ giá cao lắm, những 20.000 - 25.000 đồng/con nên muốn có đàn vịt mới, tôi phải ứng trước 6 - 7.5 triệu đồng. Đó là chưa kể thức ăn đã tăng 40.000 đồng/bao”, ông Thi nhẩm tính.

Người chăn nuôi còn đơn độc

Nguyên nhân giá con giống tăng cao được người chăn nuôi dự đoán là do trận lũ lịch sử hồi giữa tháng 11.2013 cuốn trôi hơn 280 nghìn con GSGC. Rồi dịch bệnh tấn công khiến đàn GSGC trong tỉnh càng teo tóp. Trong khi đó, việc tái đàn dường như chỉ phụ thuộc vào nội lực của người chăn nuôi, mà chưa có sự trợ sức nào từ bên ngoài, nhất là ngành chức năng.

Chính vì đơn độc như thế nên dù muốn khôi phục đàn GSGC về trạng thái cũ, người chăn nuôi cũng chẳng biết xoay xở đâu ra vốn để đầu tư con giống, thức ăn. Vì nói như chị Hợi thì: “Lũ qua dịch đến, người còn chật vật kiếm miếng ăn, lấy đâu tiền mà gầy heo, gà”.

Chật vật thế mà đã gần nửa năm sau ngày trận lũ tàn phá nhưng những hộ dân có GSGC bị chết, cuốn trôi vẫn chưa nhận được bất kỳ chế độ hỗ trợ nào để có điều kiện tái đàn. Sự chậm trễ này không chỉ khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, mà còn đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo kiểu “giã gạo”, được chăng hay chớ.

Bởi, “người dân cạn sức thì lấy gì tăng đàn, mở rộng quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng vật nuôi”, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Mai Duy Tuấn trăn trở.

Ông Tuấn cũng cho rằng lúc này, thứ mà người chăn nuôi vùng lũ Hành Thiện cần không chỉ vốn, mà còn là con giống. Vì với chi phí đầu vào như con giống, thức ăn quá cao như hiện giờ thì người sẵn vốn muốn tái đàn cũng ngại, huống chi những hộ phải đi vay mượn.

Như vậy, không chỉ người dân mà cả ngành chăn nuôi trong tỉnh cũng đang đối mặt với bộn bề gian khó. Muốn vượt qua, họ cần sự trợ lực từ nhiều phía, nhất là cơ chế ưu đãi, khuyến khích của tỉnh.

Thế nên hiện giờ, dù Sở NN&PTNT đã dự trù kinh phí, trình UBND tỉnh khẩn trương xem xét, hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do lũ lụt nhưng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô thì: “Về lâu dài, ngành chăn nuôi cần được “nuôi” bằng lộ trình phát triển theo hướng chuyên canh hàng hóa, phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân”.


Có thể bạn quan tâm

lam-giau-tu-trang-trai-nuoi-lon Làm Giàu Từ Trang Trại… bo-thieu-thuc-an-nguoi-nuoi-lo-lang Bò Thiếu Thức Ăn, Người…