Mô hình kinh tế Người Chăn Nuôi Như Ngồi Chảo Lửa

Người Chăn Nuôi Như Ngồi Chảo Lửa

Ngày đăng 11/05/2012

Tỉnh Đồng Nai, nơi được coi là “vương quốc heo” đang điêu đứng vì giá heo liên tục tụt dốc, từ 52.000 đ/kg nay chỉ còn 42.000 đ/kg. Điều đáng nói, trong khi nhiều mặt hàng như lúa gạo, cá ba sa, cá tra khi giá rớt “đáy” Chính phủ đều có gói giải pháp để cứu, nhưng con heo thì chẳng thấy ai quan tâm.

LỖ THÊ THẢM !

Hàng ngàn hộ chăn nuôi tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Tân Phú đang hết sức buồn bã do heo rớt giá, không bán được mà nợ ngân hàng lại “bủa vây” đến kỳ đáo hạn không có tiền trả, buộc phải vay nóng bên ngoài với lãi suất 0,5%/ngày (tức 15%/tháng) để trả lãi. Nếu không thì ngân hàng phạt 150% lãi suất.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Minh ở ấp Xây Dựng (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) buồn rầu cho biết, gia đình anh nuôi gần 200 con heo thịt, trong đó 80% đến tuổi xuất chuồng. Hiện mỗi con đạt trên 1 tạ, thương lái đến chỉ trả có 42.000 đ/kg, trong khi giá thành nuôi đã 45.000 đ/kg. “Tôi vay ngân hàng hết 100 triệu từ tháng 11 năm ngoái với lãi suất 19%/năm, cứ 6 tháng đáo hạn 1 lần. Nhưng khi số heo vừa bán xong thì ông đại lý cám đã đến tận nhà xiết nợ lấy 40 triệu từ tay thương lái. Đến kỳ đáo hạn vào ngày 5/5 vừa rồi, tôi phải vay nóng 70 triệu để trả nợ, sau này còn có cơ hội vay tiếp, chứ ở đây không chăn nuôi heo thì không biết làm gì để sống” – anh Minh nói. Còn ông Ngô Văn Vân (ấp Đoàn Kết) nuôi 80 con heo, cũng là 1 trong 4 hộ dân bị huyện Trảng Bom ra quyết định xử phạt vừa qua vì đã sử dụng chất cấm trong thức ăn. Điều đáng nói, ông Vân là “trưởng ấp” nên ông này đang “đau kép”, vừa nuôi heo chịu lỗ mà còn bị người dân trong ấp lời ra, tiếng vào nói ông không gương mẫu.

Đàn heo thịt của một hộ chăn nuôi ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền đến tuổi
xuất chuồng (1 tạ/con) đang chờ thương lái đến mua với giá 42.000 đ/kg

Theo ông Phạm Văn Trọng, Chủ tịch xã Giang Điền, ở địa phương có khoảng 300 hộ chăn nuôi với trên 20 ngàn con heo. Trong đó, phần lớn là vay quỹ tín dụng và gần 10 ngân hàng thương mại khác nhau nằm trên địa bàn huyện với mức lãi suất phổ biến từ 19-24%/năm để mua thức ăn chăn nuôi. “Ngay từ đầu năm đã lỗ, sau khi có thông tin chất cấm thì nuôi càng lỗ nặng hơn. Mong mỏi của người dân là ngân hàng giãn nợ, nhà nước xem xét có chính sách hỗ trợ vốn, tiêu thụ thịt heo thông qua các DN lớn trong nước nhằm ổn định tư tưởng cho người chăn nuôi...” - ông Trọng bức xúc nói.

Ông Lê Văn Mẽ, GĐ Cty CP Chăn nuôi heo Phú Sơn (Bắc Sơn, Trảng Bom), là một DN có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh với trên 30 ngàn con, trong đó 11 ngàn con heo thịt, còn lại là heo con theo mẹ, nái hậu bị... than vãn: “Mấy hôm rày tôi nhức đầu lắm, SX 1 kg heo hơi giá thành đã là 50 ngàn, nay bán có 42 ngàn. Mỗi tháng DN lỗ vài tỷ đồng. Bây giờ không “chữa” nổi rồi, giá heo tụt, giá nguyên liệu cứ nhảy vọt. Một kg bã đậu nành nhập khẩu từ 10 ngàn/kg, nay nhảy lên 14 ngàn, trong khi bã đậu nành chiếm tới 20% trong thành phần thức ăn tự trộn. Điều lạ là, khi heo tăng giá thì mấy ổng đòi bình ổn giá, còn heo “ngắc ngư” mấy tháng nay thì chẳng thấy ai quan tâm, ít nhất cũng nên có một gói giải pháp “hỗ trợ” nào đó để cứu người chăn nuôi như Nhà nước đã từng “giải cứu” con cá tra, cá ba sa hồi năm 2008”.

CHẬM GIẢI CỨU SẼ GÂY HẬU QUẢ LỚN

“5 ngày nay, giá 1 quả trứng thương lái mua có 900 đồng, trong khi giá thành sản xuất trên 1.200 đồng. Người nuôi gà đang kêu xiết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ có chuyện này là do “ông” CP bán phá giá thị trường để “chơi” mấy ông DN nước ngoài, nhưng cuối cùng thì hộ chăn nuôi trong nước lãnh đủ!” - ông Bưởi tiết lộ.

Chị Lệ Thí Ái Quyên (cán bộ tài nguyên - môi trường) giải thích thêm: Đa số các hộ chăn nuôi ở đây đều sử dụng cám heo tự trộn, họ mua bắp, bã đậu nành, bột cá, cám gạo… về trộn với thức ăn đậm đặc (còn gọi là premix - thức ăn bổ sung) để giảm bớt chi phí nên chi phí giá thành sản xuất khoảng 45.000 đ/kg, chứ cho ăn cám tổng hợp (cám viên) mua từ các nhà máy chế biến TĂGS thì còn lỗ hơn nữa. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi hiện nay tăng thêm 10% so với thời điểm 4 tháng trước đây. Còn theo ông Phạm Đức Bình (Phó CT Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi), đây là lần thức ăn đội giá mạnh nhất trong vòng nhiều tháng qua. Nguyên nhân do giá điện, than tăng và ảnh hưởng của tỷ giá ngoại tệ. Trong khi đó 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi của các DN thành viên của hiệp hội đều phải nhập khẩu nên tỷ giá tăng đẩy chi phí lên cao.

Hôm qua (11/5), chúng tôi tiếp tục đến huyện Thống Nhất, nơi được coi là “thủ phủ” chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai với 419 trang trại và trên 500 hộ nuôi nhỏ lẻ với 200 ngàn con heo, 1,2 triệu con gà. Tại đây, cũng đang được Cục Chăn nuôi chọn làm điểm thí điểm mô hình chăn nuôi sạch trong cả nước, tuy nhiên theo ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, địa phương mới chỉ nghe nói trên báo chí, còn văn bản chính thức thì chưa nhận được. Ông Bưởi cho biết, nhiều trang trại heo, gà chăn nuôi theo mô hình công nghiệp với số vốn đầu tư khá lớn, nhưng khâu tiêu thụ hàng hóa lại đang phụ thuộc chính vào các thương lái. Nên nhiều trại heo, gà không thể tồn tại vì khi đầu tư vốn lớn nhưng đến khi thu hoạch dù giá thấp cũng phải bán đổ, bán tháo vì càng giữ lại thì càng tốn thêm tiền cám.

“Chúng tôi e rằng, cứ để người chăn nuôi tự “bơi” trong khi giá heo xuống thấp như vậy thì có tiếp tục vận động người chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm cũng bằng thừa. Cái chính bây giờ là phải có sự can thiệp của nhà nước, là sự trợ giúp từ các tổ chức, DN. Khi giá cả xuống thấp thì nhà nước có thể ứng vốn cho DN để mua vào với mức giá hỗ trợ nhằm giúp nông dân bớt lỗ phần nào” - ông Bưởi đề nghị.


Có thể bạn quan tâm

giong-cay-an-trai-ngoai-hut-hang Giống Cây Ăn Trái Ngoại… hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-dong-vat-co-nguon-goc-hoang-da-o-binh-thuan Hiệu Quả Từ Mô Hình…