Mô hình kinh tế Người Coi Hội Là Nhà

Người Coi Hội Là Nhà

Ngày đăng 24/06/2012

Được chứng kiến những việc làm ý nghĩa của ông Hoàng Văn Lân - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), chúng tôi mới hiểu vì sao ông được ND nơi đây quý mến.

Tham gia công tác đoàn thể từ năm 1995, ông Lân giữ chức Trưởng thôn rồi làm Bí thư Đoàn xã. Năm 1997, xã Thiệu Trung thành lập Hợp tác xã, ông được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát. Năm 1999, tại Đại hội Hội ND xã, ông được bầu làm Chủ tịch Hội ND.

Vì lợi ích của nông dân

Gắn bó với ND, ông Lân luôn trăn trở là hơn 80% người dân Thiệu Trung quê ông sống bằng nghề trồng lúa với thu nhập bấp bênh. Bà con chỉ cần cù chịu khó thôi thì chưa thể làm giàu được mà điều quan trọng là phải thay đổi cách thức sản xuất. "Diện tích trồng lúa ở đây chiếm tỷ lệ lớn mà khâu gặt, đập của ND hoàn toàn thủ công nên năng suất rất thấp, tổn thất lớn. Lúc bấy giờ, số máy tuốt lúa trong xã chỉ có vài cái, không đủ phục vụ sản xuất" - ông Lân nhớ lại.

Ông lên xã đề nghị cho mượn tiền mua máy lồng, máy tuốt lúa về giao cho một số ND quản lý để làm dịch vụ cho bà con lúc ngày mùa. Tiền thu được sẽ hoàn trả dần cho xã.

Cách làm của ông nhanh chóng được bà con ủng hộ. Năng suất lúa theo đó cũng cao hơn hẳn những năm trước, bà con rất phấn khởi và tin ông, tin Hội ND. Nhiều người tâm sự: “Hội ND như ngôi nhà của bà con ND trong xã”.

Khôi phục nghề truyền thống

Theo ông Lân, Thiệu Trung có 6 chi hội ND với 826 hội viên. Bình quân thu nhập đầu người là 18 triệu đồng/năm. Ngoài trồng lúa, Thiệu Trung còn có nghề truyền thống đúc đồng, nên cần phải có một chiến lược để phát triển nghề này, tạo việc làm cho ND.


Nghĩ là làm, trước tiên ông Lân tập hợp những gia đình vẫn đang sống bằng nghề đúc đồng truyền thống thành những tổ, nhóm sản xuất tập trung, đưa con em lao động địa phương, nhất là thanh niên đi học nghề. Hội mời các nghệ nhân đứng lớp, hướng dẫn học viên kỹ thuật đúc đồng, vẽ họa tiết hoa văn sao cho có một sản phẩm hoàn thiện, bắt mắt.

Nói về ông Chủ tịch Hội, anh Nguyễn Văn Bảy (thôn 4) bày tỏ: “Ông Lân hết lòng với công việc chung. Nhờ có ông Lân, chúng tôi có việc làm ổn định từ nghề đúc đồng truyền thống".

“Ông Lân hết lòng với công việc chung. Nhờ có ông Lân, chúng tôi có việc làm ổn định từ nghề đúc đồng truyền thống”.

Cùng với mở lớp dạy nghề đúc đồng, năm 2011 vừa qua, ông Lân còn cùng với Hội ND xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở 4 lớp dạy nghề trồng lúa, chăn nuôi, thú y, may công nghiệp cho ND trong xã. Cùng với giúp hội viên ND nâng cao thu nhập, ông Lân còn cùng các ủy viên Ban Chấp hành Hội ND xã thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội... để tăng tình đoàn kết và giao lưu giữa các hội viên ND.

Từ khi ông Lân trở thành Chủ tịch Hội, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống đáng kể, nếu như trước đây là 20-30% thì nay chỉ còn 8%. Đời sống của ND thay đổi nhanh chóng, nhà cao tầng mọc lên san sát. Công tác hội phát triển, số hội viên ngày một tăng lên. ND hết lòng tín nhiệm và nghe theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổ chức hội do ông làm chủ tịch được đánh giá là một trong những tổ chức vững mạnh của huyện Thiệu Hóa.

Có thể bạn quan tâm

xa-diem-dang-gap-kho Xã Điểm Đang Gặp Khó bao-quang-nam-20-06-2012 Báo Quảng Nam, 20/06/2012