Mô hình kinh tế Người Cor Thay Đổi Tập Quán Chăn Nuôi

Người Cor Thay Đổi Tập Quán Chăn Nuôi

Ngày đăng 16/01/2015

Những năm trở lại đây, thay vì thả rông trâu bò ngoài núi, người Cor ở xã Trà Giang (Trà Bồng - Quảng Ngãi) đã mạnh dạn chăn nuôi theo hình thức chuồng trại, trồng cỏ VA06 làm thức ăn cho bò. “Cũ người, mới ta”, mô hình này, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực tại địa phương.

“Mặc áo” cho bò

Trong căn chuồng rộng khoảng 18m2, mùa đông này đàn bò nhà anh Hồ Văn Sâm (26 tuổi) như ấm áp hơn vì có “áo mới”. Chuồng trại sạch sẽ, nền lát xi măng, có máng ăn riêng và có chỗ để thải “chất thải”. Trời lạnh, anh Sâm dùng bạc phủ xung quanh chuồng để tránh gió lùa.
Vừa đốt than sưởi ấm cho đàn bò, anh Sâm vừa tiếp chuyện: “Mùa này gió lạnh, mình mặc áo ấm mà môi, tay và chân còn nứt nẻ. Con trâu, con bò nếu không có nơi kín gió cũng chết rét thôi”.
Nói rồi anh Sâm lụi cụi ra vườn ôm mấy bó cỏ VA06 mà vợ cắt sẵn cho bò ăn, rồi khuấy nồi nước ấm, pha muối cho bò uống. Anh bật mí: “Những cách chăm sóc này là cán bộ xã truyền đạt hết cho tôi đấy. Ban đầu thấy khó, nhưng giờ thấy dễ hơn rồi”.
Gia đình anh Sâm thuộc hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương, sống dựa vào mấy mảnh nương rẫy. Vợ tật nguyền, anh trở thành lao động chính trong gia đình. Khi lập gia đình, vừa tách hộ, cán bộ xã đã đến tuyên truyền về việc trồng cỏ, chăn nuôi bò nhốt. Anh hăng hái tiên phong thực hiện để cải thiện kinh tế gia đình.
Được hỗ trợ gần 13 triệu đồng từ Chương trình 30a, anh gom góp, vay thêm để mua được hai con bò cái vàng, cải tạo chuồng trại kiên cố, trồng 2 sào cỏ VA06, thay thế cách chăn nuôi từ chăn thả truyền thống sang hình thức nhốt tập trung. Chỉ mới nuôi có hơn một năm, anh đã thấy hiệu quả rõ rệt.
“Mới nuôi mà bò nhà tôi đã đẻ hai con rồi đấy. Tôi sẽ không bán mà nuôi lớn để nhân rộng đàn bò đến khi đủ tiền xây nhà, ổn định sinh con. Nuôi chừng 6 con bò là tôi đã có nhà rồi”, anh Sâm phấn khởi.
Hơn 6 lần cán bộ xã đến nhà tuyên truyền về mô hình này nhưng bà Hồ Thị Nghĩa (55 tuổi), mẹ vợ anh Sâm vẫn phân vân và không dám thay đổi cách chăn nuôi truyền thống. Thấy vợ chồng anh Sâm nuôi bò hiệu quả, bà mới bắt đầu tin tưởng.
Tháng 8 vừa qua, cùng với tiền hỗ trợ, bà vay thêm ngân hàng để trồng hai sào cỏ, cải thiện chuồng trại, nuôi hai con bò. Bà nhận thấy: “Chăn thả tự do ngoài núi mất nhiều công sức, thời gian, bò chậm phát triển và hay bị chết vì rét. Nuôi nhốt, đàn bò lớn khá nhanh, lại chủ động được việc chăm sóc nên ít xảy ra dịch bệnh”.
Trong thời gian đến, bà sẽ bán 2 ha keo trên núi, từng bước mở rộng chuồng trại theo hướng bền vững. Trước mắt là tăng thêm số lượng đàn bò thêm vài con, trồng thêm giống cỏ VA06 để xoay vòng nguồn thức ăn.
“Cũ người, mới ta”
Trà Giang là một xã miền núi vùng 3 đặc biệt khó khăn ở Trà Bồng. Kinh tế nông, lâm nghiệp còn khá lạc hậu, nhất là trong sản xuất chăn nuôi. Chất lượng và số lượng đàn gia súc ngày càng giảm sút.
Xác định chăn nuôi gia súc là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, từ nguồn vốn 30a của Chính phủ, địa phương đã điển khai thành công mô hình “Trồng cỏ VA06, nuôi bò nhốt chuồng” cho các hộ nghèo, khó khăn, biết làm kinh tế.
Theo đó mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ gần 13 triệu đồng. Trong đó, 10 triệu được hỗ trợ để mua giống bò cái vàng, 2 triệu xây dựng chuồng trại, số còn lại được dùng để mua 150kg giống cỏ VA06. Tùy theo điều kiện kinh tế, các hộ có thể đối ứng thêm để mở rộng chuồng trại, nâng số lượng đàn bò và diện tích cỏ.
Ngoài hỗ trợ vốn và giống cỏ, những người tham gia mô hình còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thời gian đầu khi triển khai, chỉ có vài hộ trồng cỏ, nuôi bò nhốt. Chưa đầy hai năm, nhận thấy được hiệu quả của mô hình, đã có gần 50 hộ tham gia, số lượng đàn bò lên gần 250 con.
Điều đặc biệt, không chỉ các hộ được hỗ trợ từ 30a mà nhiều hộ khác trong xã đã chủ động liên hệ với Hội nông dân để nhân rộng giống cỏ, phát triển chăn nuôi. Nhiều diện tích đất bỏ hoang đều được tận dụng để trồng cỏ, nâng diện tích lên gần 2 ha.
Chị Đặng Thị Quý, Phó Chủ tịch UBND xã nhận định: “Mô hình này quá quen thuộc với nhiều xã miền núi ở Quảng Ngãi. Nhưng với Trà Giang đây là một hướng đi mới cho sự phát triển kinh tế địa phương, đưa ngành chăn nuôi gia súc trở thành ngành kinh tế trọng tâm. Đây còn là cơ sở quan trọng để người dân có thể so sánh lợi ích với phương thức chăn nuôi truyền thống. Từ đó, thay đổi tập quán, chăn nuôi theo phương thức an toàn, đúng kỹ thuật, có hiệu quả kinh tế cao hơn”.


Có thể bạn quan tâm

tao-dieu-kien-thu-mua-het-sua-tuoi-cho-nong-dan Tạo Điều Kiện Thu Mua… da-lat-xu-so-dong-trung-ha-thao Đà Lạt "Xứ Sở" Đông…