Người “Khùng” Và Thương Hiệu “Cá Hồi Sa Pa”
Giờ đây, Sa Pa đã trở thành vùng nuôi cá hồi nhiều nhất Việt Nam. Nhắc đến Sa Pa, người ta không chỉ nghĩ đến khu nghỉ dưỡng nổi tiếng mà còn nhắc đến một thương hiệu mới cho vùng du lịch xứ sở sương mù này - “cá hồi Sa Pa”.
Ở Sa Pa hiện nay, số người làm nghề nuôi cá hồi đã lên đến con số vài chục, nhưng người biết nuôi cá và làm cho du khách đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác thì chỉ có Nguyễn Trung Hưng.
Không chỉ nuôi cá hồi giỏi, Hưng còn biết làm những món cá hồi cực khéo và là người đầu tiên làm cá hồi hun khói kiểu Anh, ruốc cá hồi siêu sạch và trứng cá hồi muối để bán ra thị trường. Nhưng ít ai biết được, khi Hưng bắt đầu đề xuất ý tưởng và xây dựng dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cá hồi, nhiều người đã cho anh là “khùng”.
Từ Sa Pa ngược Quốc lộ 4D (hướng đi Lai Châu) khoảng 12 km lên Thác Bạc, nhà hàng Cá hồi Song Nhi của Nguyễn Trung Hưng nằm ngay dưới chân thác, nhiều du khách đến đây đều muốn ghé thăm. Qua quan sát, chúng tôi thấy có cả du khách trong nước và nước ngoài đến xem các sản phẩm chế biến từ cá hồi, rất thích thú với sản phẩm cá hồi hun khói hút chân không và ruốc cá hồi, họ có thể mua các sản phẩm này mang về làm quà cho người thân, bạn bè…
Khi chúng tôi đề nghị được tìm hiểu về cách nuôi cá hồi, Hưng vui vẻ đồng ý và dẫn chúng tôi vượt hơn 2km đường rừng lên phía thượng nguồn suối Bạc. Khu nuôi cá hồi của Hưng có gần chục chiếc ao được xây liên hoàn, mỗi bể nuôi một loại cá có kích cỡ khác nhau. Thú vị nhất là nhìn ao nuôi cá thương phẩm, bởi cá hồi trưởng thành thường “nghịch” hơn, bơi lội, vùng vẫy làm nước bắn tung tóe.
Hưng kể: “Nuôi cá hồi rất khó, đòi hỏi phải tuân thủ kỹ thuật khắt khe; đặc biệt, nguồn nước nuôi cá phải rất sạch, phải có dòng chảy và luôn ở nhiệt độ dưới 20 độ C với nồng độ ôxy hòa tan cao”. Đây cũng là lý do Hưng chọn đầu nguồn suối Bạc để xây dựng ao nuôi, bởi nguồn nước sạch, nhiều khoáng chất và mát lạnh.
Còn thức ăn phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Mặc dù có đủ điều kiện về khí hậu, nguồn nước, nhưng không phải thế là đã nuôi được cá hồi. Nuôi cá hồi còn cần sự hiểu biết về tập tính, cách phòng bệnh cho cá, cách tắm cho cá... “Nói tóm lại, nuôi cá hồi vất vả như chăm con mọn ấy. Nghề này cũng có nhiều sự may rủi, nhiều khi mình đã cố gắng nhưng ông trời không ủng hộ thì cũng không thành công”, Hưng nói.
Qua những chuyện Hưng kể, chúng tôi hiểu rằng để có được “ngày thái lai” hôm nay thì Hưng đã phải trải qua rất nhiều “cơn bĩ cực” và đã có lúc Hưng phát khóc vì cá hồi. Nhớ lại câu chuyện những ngày đầu nuôi cá hồi đầy gian nan, vất vả, Hưng kể: Trước khi bắt tay vào nuôi cá hồi, mình đã phải bỏ ra mấy tháng trời ăn ở tại Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa để học kỹ thuật nuôi, sau đó mới đầu tư xây ao nuôi. Lứa cá giống đầu tiên nhập về, nuôi rất suôn sẻ. Nhìn đàn cá lớn lên trông thấy, vợ chồng mình phấn khởi lắm.
Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, khi đến đầu hè năm ấy, thời tiết đột ngột thay đổi; mưa nhiều nên nước suối chuyển đục, nhiệt độ môi trường tăng cao. Do chỉ biết kỹ thuật nuôi và chăm sóc, chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống nước đục, nhiệt độ tăng, nên khi đó Hưng rất lúng túng. Chỉ sau 4 ngày, đàn cá sắp đến kỳ xuất bán lác đác chết và đến ngày thứ 6 thì cá chết nhiều hơn.
Có ngày phải vớt bỏ hàng tạ cá chết. Cũng may, lúc đó Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải ở Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa đã kịp thời đến giúp cứu đàn cá. “Năm đó, mình bị lỗ gần 50 triệu đồng, nhưng quan trọng là mình đã học được những kinh nghiệm rất quý báu” - anh Hưng chia sẻ.
Một chuyện nữa mà giờ Hưng vẫn nhớ mãi. Đó là năm 2010, dạo ấy giá cá hồi xuống thấp, sức tiêu thụ chậm, nên nhiều trang trại nuôi cá phải giữ cá trong tình trạng nuôi cầm cự. Thấy cá đã vượt trọng lượng xuất bán mà vẫn phải nuôi, Hưng nghĩ cần chế biến những sản phẩm mới từ cá hồi để có thể giải phóng được lượng cá tồn và có sản phẩm bán cho du khách làm quà.
Vậy là anh tự mày mò, tìm tài liệu và thậm chí hỏi những du khách người Anh về công thức, cách làm cá hồi hun khói, ruốc cá hồi và trứng cá hồi muối. Những mẻ đầu tiên làm thủ công do chưa có kinh nghiệm nên màu sắc và mùi vị chưa chuẩn.
Một lần, có người ở Bộ Khoa học và Công nghệ, biết Hưng đang làm thủ công các sản phẩm cá hồi đã “mách nước” cho chỗ có thể chế tạo dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Hưng lại khăn gói về Hà Nội đặt mua dây chuyền mới, hiện đại và năng suất cao, nên chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, anh liên tục nhận được những đơn hàng của các siêu thị ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội. Hàng bán nhiều, anh phải mua cá thương phẩm của các trang trại cá hồi khác về làm nguyên liệu, đồng thời anh cũng mở rộng các ao nuôi.
Sau mấy năm làm ăn khấm khá, giờ Hưng đã có vốn để mở rộng sản xuất. Hiện nay, trại cá nước lạnh của Công ty Song Nhi do anh làm giám đốc mỗi năm thu trên 10 tấn cá hồi, vừa để phục vụ nhà hàng vừa đưa vào xưởng chế biến cá hồi hun khói, ruốc cá hồi, trứng cá hồi muối hay lẩu đóng gói…
Bên cạnh đó, Công ty Song Nhi còn có 2 nhà hàng chuyên về cá hồi: Nhà hàng Song Nhi Sa Pa số I chuyên phục vụ các món ăn từ cá hồi và cá tầm đặt tại khu du lịch Thác Bạc; Nhà hàng Song Nhi Sa Pa số II tại Ô Quý Hồ phục vụ khách những món trứng cá hồi muối, lẩu cá hồi, thăn cá hồi nướng sốt mù tạt, cá hồi gỏi… Hai nhà hàng của Hưng lúc nào cũng thu hút được lượng lớn khách du lịch tới tham quan và thưởng thức đặc sản cá nước lạnh.
Đặc biệt, những sản phẩm mang thương hiệu Song Nhi như ruốc cá hồi, trứng cá hồi, cá hồi hun khói... đã được nhiều người biết đến. Các siêu thị lớn ở Lào Cai đều trưng bày, bán sản phẩm cá hồi hun khói và ruốc cá hồi do cơ sở của Hưng làm. Trước nhu cầu của thị trường, Hưng dự định mua xe lạnh để vận chuyển cá hồi đến các thị trường xa khi cần thiết. Cùng với đó, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu bằng cách lập trang web để giới thiệu sản phẩm cá hồi.
Hiện, Sa Pa vẫn đứng đầu cả nước cả về sản lượng và chất lượng cá hồi thương phẩm. Song, vấn đề chế biến, xây dựng và quảng bá thương hiệu “Cá hồi Sa Pa” gần như vẫn còn bỏ ngỏ. Thành công của Công ty Song Nhi trong chế biến, quảng bá sản phẩm cá hồi Sa Pa mới chỉ là bước đầu.
Để phát triển nghề nuôi cá hồi bền vững, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, công nghệ chế biến và tiêu thụ sau thu hoạch cần được quan tâm, làm sao để những sản phẩm cá hồi đến được với nhiều người tiêu dùng và thương hiệu “Cá hồi Sa Pa” sẽ không còn xa lạ với người Việt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ