Tin nông nghiệp Người Mường ở Bá Thước thoát nghèo nhờ gấc, gừng

Người Mường ở Bá Thước thoát nghèo nhờ gấc, gừng

Tác giả Minh Nguyệt, ngày đăng 07/12/2016

Từ một sáng kiến tận dụng những nguồn lực, vườn tạp, giống gừng của địa phương mà hơn 50 hộ dân tộc Mường huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã thành công với mô hình gấc - gừng. Nhờ vậy, 30 hộ trong nhóm này đã từng bước vươn lên thoát nghèo.

Trong ảnh: Mô hình trên gấc, dưới gừng ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) mang lại hiệu quả gấp 4 lần so với trồng lúa. Ảnh:M.N

Hiệu quả gấp 3-4 lần cây lúa

Chị Trương Thị Thủy (ở làng Mĩ, xã Ái Thượng, Bá Thước) - một trong những thành viên của tổ trồng gấc, gừng cho biết, từ 3 năm nay được sự hướng dẫn của Hội Làm vườn, chị đã mạnh dạn trồng gấc ở trên và trồng gừng ở dưới. Mô hình trên gấc, dưới gừng không tốn công đầu tư, giống, phân bón, việc chăm sóc đơn giản mà cho giá trị, hiệu quả lớn gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Khi áp dụng mô hình này, một số hộ đã thoát nghèo và có thể làm giàu. Mặt khác, đây cũng là mô hình phù hợp với nhiều đối tượng lao động, nhất là lao động nữ. “Khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, lại sẵn đất vườn, không tốn tiền mua giống nên nhiều hộ dân rất thích mô hình trồng gấc, gừng”- chị Thủy phân tích.

Chỉ sau một thời gian ngắn được làm điểm tại làng Mĩ, nhiều hộ nông dân huyện Bá Thước đã học tập và làm theo. Nhờ vậy hiện nay, tổ nhóm trồng gấc, gừng có tới 50 hộ gia đình, trong đó có 30 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, chỉ có 10 hộ trung bình.

Chị Trương Thị Huấn - thành viên khác trong nhóm cho biết, quy trình trồng gấc, gừng rất đơn giản, ít chăm sóc, không tốn giống, bón phân nhiều. Như cây gấc trồng 1 năm mà có thể thu hoạch trong 5-6 năm. Nhiều hộ gia đình được hướng dẫn làm phân vi sinh từ chất thải gia súc, rác thải nông nghiệp để bón cho gấc, gừng. Đồng thời, các hộ dân đã biết sơ chế gấc để bán. Riêng phần hạt được sơ chế để làm thuốc xoa bóp, còn vỏ quả để làm phân vi sinh. Hiện nay sản phẩm gấc của bà con được cung ứng cho Công ty Vinaga, còn gừng thì được Công ty Trí Đức nhận tiêu thụ.

Sáng kiến giảm nghèo

Nhờ được sự tư vấn hỗ trợ của Hội Làm vườn huyện Bá Thước mà tổ trồng gấc, gừng xã Ái Thượng đã mạnh dạn tham gia cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo”. Mô hình này đã được ban tổ chức đánh giá rất cao về hiệu quả, cũng như sáng kiến phù hợp, xuất phát từ nội lực của người dân.

Ông Ngô Trường Thi - Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho rằng đây là mô hình tốt, sáng kiến độc đáo. Cùng 1 diện tích mà có thể thâm canh được cả 2 giống cây trồng trên 1 khu vườn tạp. Nhóm cũng đã tận dụng được nguồn lực của địa phương và phát huy được nguồn nội lực này để tạo việc làm, giúp bà con dân tộc vươn lên thoát nghèo. “Có thể nói, mong muốn của nhóm rất thiết thực, không chỉ có ý chí vươn lên thoát nghèo mà còn có tinh thần tương thân tương ái, muốn giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn. Điều này càng có ý nghĩa khi chính các chị đã nhận thức được, chỉ có tự tin, có kiến thức thì mới thoát nghèo…”-ông Ngô Trường Thi nhận định.

Nhờ sáng kiến gần gũi, dễ áp dụng trong thực tiễn mà nhóm trồng gấc, gừng xã Ái Thượng đã được lựa chọn vào vòng chung kết cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo” sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 này.

Chúng tôi mong muốn tất cả chị em phụ nữ, nhất là hộ nghèo và cận nghèo huyện Bá Thước có thể tham gia nhóm để khẳng định năng lực bản thân, sự tự tin, có thêm kiến thức, nâng cao năng lực, vượt lên làm chủ gia đình…". Chị Trương Thị Huấn


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-che-khoi-sac-o-nhieu-thi-truong Xuất khẩu chè khởi sắc… binh-lieu-lam-thuong-hieu-nong-san-gan-voi-du-lich Bình Liêu làm thương hiệu…