Tin nông nghiệp Người trồng cà phê tiếp tục “nuốt đắng”

Người trồng cà phê tiếp tục “nuốt đắng”

Tác giả Thuận Hải, ngày đăng 15/12/2016

Ông Lương Văn Tự - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định, sản lượng cà phê Việt Nam đã giảm trong vụ 2015-2016 và dự báo sẽ còn giảm đến 20% trong niên vụ 2016 - 2017 sắp tới, chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn.

Trong ảnh: Nhiều diện tích cà phê ở Đăk Lăk cháy rụi do khô hạn. Ảnh:  T.L

Nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino khốc liệt nhất trong 2 thập niên qua ở vùng Tây Nguyên.

“Tứ bề” thua cuộc

“Khô hạn, thiếu nước tưới trầm trọng khiến năng suất cà phê các tỉnh vùng trồng trọng điểm của Việt Nam đã bị giảm năng suất từ 30 – 70%, thậm chí có hàng nghìn ha cà phê đã mất trắng vì chết khô như củi, buộc người dân phải chặt bỏ” - ông Tự nhận định.

Theo thống kê chưa đầy đủ, khu vực Tây Nguyên đã có hơn 115.000ha bị thiếu nước tưới dẫn tới mất trắng. Trong số này, Đăk Lăk bị thiệt hại nặng nhất với hơn 56.100ha cà phê khô hạn, gần 4.400ha bị mất trắng; Đăk Nông có hơn 22.000ha bị thiếu nước tưới, gần 5.000ha mất trắng... Ở nhiều nơi, người trồng cà phê đã chuyển dần diện tích sang trồng tiêu, sầu riêng, chanh leo… Đặc biệt, giá hồ tiêu tăng cao và tình trạng trồng xen cây ăn quả như bơ, sầu riêng vào vườn cà phê đang lan rộng và trở thành các loại cây trồng “VIP”, được nông dân lựa chọn để thay thế cà phê. VICOFA cho rằng, việc ồ ạt chặt phá cây cà phê ở Tây Nguyên đang là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững cây trồng này tại đây.

Với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc  cho biết, doanh nghiệp này có 33 nông trường quốc doanh nhưng đây là năm đầu tiên nhiều nông trường đồng loạt đề xuất xin cắt giảm chỉ tiêu sản lượng sản xuất do ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu. Trên phần diện tích của các nông trường trồng cà phê này có tới 162 hồ đập chứa nước mà sản lượng vẫn sụt giảm dự kiến lên đến 20%. Do vậy, diện tích sản xuất của các hộ nông dân ở xa nguồn nước còn sụt giảm nhiều hơn nữa.

6 năm, việc tái canh cà phê vẫn nhiều vướng mắc

Mấy tháng qua, các nhà xuất khẩu cà phê bán dồn dập cà phê nguyên liệu với số lượng lớn nên tồn kho của vụ 2015-2016 chuyển sang vụ mới chỉ còn khoảng 50.000 – 60.000 tấn, cũng là mức tồn kho thấp nhất trong vòng 10 năm qua

Trong khi ngành cà phê đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, lợi nhuận người trồng ở mức thấp khiến nông dân phải chặt bỏ vườn ồ ạt... thì nhiều ý kiến cho rằng, những tồn tại của ngành này đã nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua nhưng không được giải quyết triệt để.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết niên vụ 2015-2016 tổ chức cuối tuần qua ở TP.HCM, ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) phàn nàn rằng, ngay trong khâu báo cáo, các số liệu thống kê của VICOFA cũng không rõ ràng, đôi khi không chính xác với tình hình thực tế. Một khi không có các thông tin chính xác về mùa vụ, nhiều doanh nghiệp có muốn đầu tư thu mua, chế biến cũng không thể thực hiện bài bản với quy mô lớn được.

Hay như vấn đề tái canh, đây được xem là vấn đề sống còn của ngành cà phê hiện nay. Tuy nhiên, việc giải quyết vốn vay cho nhà vườn thực hiện tái canh thì bàn hết hội nghị này đến hội nghị khác nhưng vẫn không giải quyết được những vướng mắc mà bà con nông dân đang gặp phải. Theo ông Minh, trong tái canh cà phê, nên cho nông dân vay không tính lãi suất trong 3 năm kiến thiết cơ bản. Hiện tại, dù gói cho vay ưu đãi thực hiện tái canh cà phê có được kéo dài đến 6 – 7 năm nhưng khi vay, nông dân vẫn phải trả lãi cho cả 3 năm kiến thiết cơ bản, là thời gian bà con không có thu nhập.

Ông Lương Văn Tự thừa nhận, vấn đề tái canh cà phê không phải là kiến nghị trong các hội nghị 3 năm gần đây mà đã “nhai đi nhai lại” đến 6 năm nay, tuy nhiên các vướng mắc, tồn tại vẫn chưa được giải quyết, chưa thay đổi được nhiều trong chính sách.

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, ngoài việc diện tích cà phê bị thay thế bằng cây trồng khác, cà phê Việt Nam dù đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới nhưng chủ yếu vẫn ở dạng thô. Việt Nam cũng chưa xây dựng được thương hiệu và chưa chú trọng hướng tới các sản phẩm chế biến sâu. Ngoài ra, ngành nông nghiệp nhiều lần nhắc tới việc quảng bá sản phẩm cà phê Việt Nam nhưng có bao giờ cơ quan chức năng chi tiền quảng cáo sản phẩm được một phần như các doanh nghiệp nước ngoài?

Việc này đã dẫn tới tình trạng rất nhiều sản phẩm cà phê Việt Nam dù đã được cấp chỉ dẫn địa lý vẫn bị các nước “đánh cắp thương hiệu” hoặc người tiêu dùng không biết tới. Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2016, tỉnh Lâm Đồng đã chi 1 triệu USD để quảng bá 3 thương hiệu cà phê của tỉnh này, gồm cà phê Di Linh, cà phê Lang Biang và cà phê Cầu Đất. Ngoài ra, sang năm 2017, tỉnh này sẽ đăng cai tổ chức Ngày hội Cà phê Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

binh-dinh-de-song-sat-lo-nong-dan-ngung-gieo-sa-den-het-ngay-20-12 Bình Định: Đê sông sạt… day-nghe-chuan-tao-ra-nong-san-an-toan Dạy nghề chuẩn tạo ra…