Tin nông nghiệp Người Xê đăng hết gửi trâu bò cho... núi rừng

Người Xê đăng hết gửi trâu bò cho... núi rừng

Tác giả Ngọc Tấn, ngày đăng 22/07/2016

Vượt lên tập quán lạc hậu

Cứ đinh ninh với cái nắng chát chúa giữa trưa, anh A Ku sẽ có nhà. Vậy mà không. Tới nhà, vợ anh bảo chúng tôi ngồi chờ để đi gọi anh về. A Ku đang cải tạo miếng ruộng hoang gần lũng suối để trồng cỏ nuôi bò. Đây là chuyện lạ trước giờ mới có ở làng Tê Ben...

Người Xê Đăng từ bao đời nay, trâu bò vẫn gửi núi rừng, mặc chúng tự kiếm ăn, mặc chúng tự sinh sôi nảy nở. Những năm gần đây, rừng lùi xa, nhưng việc nuôi nấng trâu, bò ở xã Văn Lem bà con vẫn “nhờ trời” là chính… Trồng cỏ cho trâu, bò ăn đã là sự lạ, lập nhóm nuôi trâu bò lại càng lạ hơn.

Tầm 10 phút thì A Ku đã có mặt ở nhà. A Ku kể, chuyện bắt đầu từ tháng 9.2015, Huyện đoàn Đăk Tô muốn chọn một số đoàn viên ưu tú để lập các mô hình sản xuất điểm. 7 đoàn viên làng Tê Ben và 3 đoàn viên làng Đăk Xin cùng được chọn. Họ bàn bạc và thấy phù hợp nhất là mô hình trồng cỏ nuôi bò. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là vốn đầu tư. Tất cả họ đều vừa lập gia đình, ngoài vài sào đất rẫy của cha mẹ cho, chưa ai có tài sản gì đáng giá… Đang lúc cả nhóm tưởng đã hết cách thì Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô đứng ra cho vay vốn.

"Với những ưu điểm của nhóm nuôi bò của A Ku, sắp tới xã sẽ vận dụng lồng ghép các nguồn vốn chính sách - đặc biệt là nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để nhân rộng mô hình”.

Ông Lê Thành Thọ -  Chủ tịch UBND xã Văn Lem

“Mỗi hộ chúng tôi được vay 20 triệu đồng, đủ mua 1 con bò sinh sản tốt – nhóm trưởng A Ku kể. Thời hạn cho vay là 3 năm. Nếu khó khăn ngân hàng sẽ gia hạn thêm nửa chu kỳ, trong khi lãi suất thấp. Nói để mừng, chưa hết một phần ba thời hạn cho vay, bò của nhóm hộ chúng tôi đã đẻ được cả thảy 6 con bê. Dự tính hết chu kỳ vay, mỗi bò mẹ sẽ có 3 con. Với giá bò như hiện nay, chỉ cần bán một bò con, chúng tôi cũng đủ trả vốn ngân hàng…”.

Sẽ nhân rộng mô hình

Cứ như A Ku kể thì anh đích thực là “tổng chỉ huy” của nhóm – từ việc theo dõi, đốc thúc các thành viên tạo nguồn thức ăn, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại đến tiêm phòng dịch bệnh… Dưới A Ku có 1 nhóm phó giúp sức. Định kỳ, các thành viên trong nhóm lại gặp nhau để báo cáo tình hình, trao đổi các biện pháp kỹ thuật, giải đáp thắc mắc…

Do mối liên kết giữa các thành viên được thiết lập chặt chẽ, có người điều hành nên nếu dịch bệnh xảy ra, báo kịp thời là cán bộ thú y nắm ngay được thông tin để xử lý. “Hồi đầu, anh em trong nhóm chưa hiểu nên còn dè dặt. Giờ thì ai cũng thấy nhóm là điểm tựa vững chắc”  -  A Ku phấn khởi nói.

Ông Lê Thành Thọ - Chủ tịch UBND xã Văn Lem, người đã ủng hộ và theo dõi chặt chẽ việc triển khai mô hình ngay từ đầu cũng rất tâm đắc. Theo ông Thọ, Văn Lem là một xã rất có thế mạnh về chăn nuôi nhưng trình độ sản xuất, tổ chức phát triển kinh tế của đồng bào còn rất hạn chế. Áp dụng khoa học kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc”, tương trợ lẫn nhau như mô hình nhóm hộ rất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào. Tổ chức chăn nuôi theo nhóm hộ chính là tiền đề để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo mối liên kết để từ sản xuất nhỏ lẻ tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô; nâng dần trình độ, tổ chức sản xuất cho đồng bào…


Có thể bạn quan tâm

quyt-ngot-sai-nho-bon-phan-dap-lao-cai Quýt ngọt, sai nhờ bón… phan-bon-gia-gay-thiet-hai-2-6-ty-usd-moi-nam Phân bón giả gây thiệt…