Tin thủy sản Nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng suy giảm

Nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng suy giảm

Tác giả M.V, ngày đăng 28/07/2016

Nhiều loài đặc trưng bị tận diệt

Có rất nhiều nguyên nhân khiến ngư dân thường chỉ đánh bắt ven bờ thay vì vươn khơi xa, nơi có trữ lượng thủy sản lớn cùng ngư trường dồi dào phong phú hơn. Nguyên nhân được nhiều ngư dân đề cập đến là chi phí dịch vụ, cũng như vốn đầu tư sắm tàu công suất lớn khá cao, rủi ro lớn. Hầu hết các ngư dân đang hành nghề được kế thừa theo kiểu cha truyền con nối.

Hơn nữa, kiến thức về khai thác thủy sản ở ngư trường xa còn hạn chế, không có nhiều vốn để làm ăn nên cứ loay hoay ở ngư trường gần bờ. Chính vì làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ nên thời gian qua số lượng thuyền công suất nhỏ không ngừng tăng, dẫn đến việc khai thác quá mức và làm cho nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt.

Theo ngư dân Dương Nuôi ở thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong, Bình Thuận), có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề biển chia sẻ: “Nếu trước kia, vào mùa cá cơm, cá nục, cá trích… vùng ven biển Nam Trung bộ luôn có những đàn cá với trữ lượng “khổng lồ” xuất hiện với mật độ dày đặc, thì nay có thả lưới hàng trăm hải lý đều rất hiếm cá tôm, đặc biệt là những đàn cá xuất hiện dày như thế.

Nguyên nhân tình trạng khan hiếm này là do việc khai thác quá mức, sử dụng loại lưới có kích cỡ mắt nhỏ và thường dùng phương pháp cào bằng ghe đôi kết hợp khiến nhiều loài thủy sản dường như bị tận diệt”.

Không chỉ làm suy giảm, cạn kiệt mà những ngư dân vùng biển Phan Rí Cửa còn chia sẻ rằng, nhiều loài thủy sản đặc trưng của vùng ven biển nơi đây đã biến mất. Hàng năm vào khoảng tháng 8, 9 tôm hùm giống xuất hiện rất nhiều. Thế nhưng, những năm gần đây do khai thác quá mức nên tôm hùm con ít dần.

“Đến mùa sinh sản, lẽ ra lượng lớm tôm hùm có thể sinh sôi, phát triển nhưng khu vực ven biển giờ đã không còn nhiều như trước. Bên cạnh đó, mực ống hay cá cơm than cũng dần khan hiếm vì môi trường sống không còn phù hợp với chúng”, ông Bằng – ngư dân lâu năm tại vùng biển này cho hay. Ngành nông nghiệp cũng từng đánh giá rằng, dù tổng sản lượng khai thác thủy sản hằng năm tăng, nhưng chất lượng không tăng.

Điều đáng ngại là, tỷ lệ cá tạp trong một mẻ cá tăng mạnh. Trong khi đó, những loài cá có giá trị kinh tế cao ven bờ như cá trích, tôm hùm, mực... thì lại giảm đến mức báo động.

Cần những giải pháp cụ thể

Việc gia tăng tốc độ khai thác như hiện nay, đặc biệt là sự mất cân đối giữa 2 lực lượng khai thác ven bờ và xa bờ, chính là mối lo trong tương lai nguồn lợi thủy sản ven bờ của tỉnh, nhất là các nhóm cá nổi, cá tầng đáy sẽ vĩnh viễn biến mất.

Ngoài ra, quá trình phát triển, đô thị hóa xây dựng các công trình ven biển, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các ngành khác: công nghiệp, du lịch, san lấp mặt bằng, quai đê, lấn biển, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản... cũng góp phần làm ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống các loài thủy sản.

Cùng với những bất cập nói trên, hiện nay cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trong tỉnh có quy mô lại quá nhỏ, manh mún chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của ngành. Các dự án đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá tiến độ đầu tư chậm, chưa phát huy được hiệu quả trong sản xuất.

Trong khi đó, ngư dân hoạt động thủy sản đa số trình độ dân trí còn thấp, hạn chế trong việc tiếp thu và thực hiện pháp luật, nhất là những quy định trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều đáng nói, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhưng do lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu... nên không đủ để “bao sân”, việc xử lý vi phạm chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”…

Trước tình trạng này, để hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, thực sự là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách về vốn nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ.

Hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dựng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thủy sản, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến các tầng lớp nhân dân…


Có thể bạn quan tâm

nganh-ca-tra-chua-thoat-khoi-kho-khan-ngu-dan-tiep-tuc-chiu-lo Ngành cá tra chưa thoát… bo-gioi-nuoi-ca-long-con-xong-xenh-du-hoc Bố giỏi nuôi cá lồng,…