Mô hình kinh tế Nguy cơ mất thị trường thủy sản

Nguy cơ mất thị trường thủy sản

Ngày đăng 03/11/2015

Tôm là mặt hàng bị cảnh báo nhiều nhất.

Ngày 29/10, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị “Kiểm soát ATTP thủy sản XK”.

Những thông tin công bố tại hội nghị cho thấy thủy sản Việt Nam vẫn bị cảnh báo nhiều tại các thị trường NK.

Cảnh báo đã gần bằng năm ngoái

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), kết quả kiểm tra chứng nhận ATTP thủy sản XK trong 9 tháng đầu năm nay cho thấy, đã có 165 lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định đảm bảo ATTP, trong đó có 78 lô phát hiện vi phạm quy định hóa chất kháng sinh (HCKS).

Như vậy tổng số lô vi phạm ATTP trong 9 tháng qua đã cao hơn cả năm ngoái (159 lô) và số lô vi phạm HCKS cũng cao hơn cả năm 2014 (68 lô).

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường đã gần bằng cả năm ngoái (181 lô so với 187 lô).

Tôm là mặt hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 82 lô (cả năm 2014 có 86 lô tôm bị cảnh báo), tiếp đó là cá biển 57 lô (năm 2014 có 36 lô), cá nước ngọt 42 lô (năm 2014 có 33 lô), nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có 10 lô (năm 2014 có 32 lô).

Mỹ là thị trường mà thủy sản Việt Nam có nhiều lô hàng bị cảnh báo nhất với 95 lô (cả năm ngoái là 66 lô).

Đáng chú ý là số lượng lô hàng bị cảnh báo vi phạm chỉ tiêu HCKS ở Mỹ là 35 lô, tăng gần 6 lần so với cả năm 2014.

So với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Trung Quốc, số lô hàng Việt Nam bị cảnh báo ATTP tại Mỹ cũng cao hơn nhiều (2 nước kia có số lô hàng bị cảnh báo lần lượt là 23 và 22 lô).

Tại thị trường EU, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo ATTP trong 9 tháng qua là 37 lô, có giảm so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với Thái Lan (11 lô) và Trung Quốc (13 lô).

Đặc biệt, số lô hàng bị cảnh báo HCKS là 27 lô (gấp 1,28 lần so với cả năm 2014), trong đó số lô hàng bị cảnh báo HCKS cấm tăng lên đáng kể (Chloramphenicol tăng gấp 3,66 lần; Enrofloxacin tăng gấp 2,5 lần).

Ở thị trường Nhật Bản, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo từ đầu năm đến hết tháng 9 là 27 lô (cả năm ngoái là 21 lô), cao hơn so với Thái Lan (12 lô) và Trung Quốc (12 lô).

Còn ở Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á- u, mỗi nơi đều có 11 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo ATTP.

Úc cũng đã cảnh báo 4 lô hàng thủy sản Việt Nam về ATTP (cả năm ngoái là 5 lô).

Từ những số liệu trên, NAFIQAD khẳng định, mức độ ATTP của thủy sản Việt Nam chưa được cải thiện nhiều, thậm chí tỷ lệ vi phạm dư lượng hóa chất, kháng sinh của thủy sản Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng.

Do đó, có thể dẫn tới việc bị áp dụng các biện pháp kiểm soát bất lợi đối với thủy sản Việt Nam.

Lỗi từ người nuôi đến DN

Theo NAFIQAD, những nguyên nhân chính của việc thủy sản Việt Nam còn bị cảnh báo nhiều về dư lượng HCKS, chủ yếu xuất phát từ khâu nuôi.

Cụ thể: Tại cơ sở nuôi chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với các HCKS được phép sử dụng (nhóm Tetracyclines, nhóm Sulfonamide…); một số cơ sở nuôi vẫn còn sử dụng kháng sinh cấm (Chloramphenicol, nhóm Nitrofurans, Green Malachite/Leuco Malachite Green…);

Một số đại lý thu gom nguyên liệu đã mua gom nguyên liệu từ nhiều cơ sở nuôi khác nhau và gộp chung thành một lô nguyên liệu để cung cấp cho cơ sở chế biến nhưng không cung cấp đầy đủ thông tin, do đó việc lấy mẫu thẩm tra của DN khó đại diện.

Trong khi đó, các DN chế biến chưa nhận diện, kiểm soát đầy đủ mối nguy HCKS trong kế hoạch HACCP, lấy mẫu thẩm tra chưa đại diện, kiểm nghiệm mẫu thẩm tra chưa đủ độ tin cậy.

Thậm chí, theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD, các DN có hệ thống tự kiểm soát nhưng hiệu quả rất kém, nhiều nơi chỉ mang tính hình thức.

Đại diện XN Chế biến Hải sản Việt Thắng (Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết, trước đây XN này từng XK hải sản sang Nhật Bản.

Nhưng năm 2010, khi có 2 lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo ATTP, XN đã bị cơ quan chức năng nước này ngưng luôn việc NK.

Từ đó, XN luôn làm nghiêm ngặt việc kiểm soát ATTP tại nhà máy.

Mỗi ngày chế biến 50 - 60 tấn tôm, thì chia nhỏ ra từng 2 tấn một để lấy mẫu kiểm tra.

Tuy nhiên, do từ khâu nuôi đã không được kiểm soát tốt, thì ở nhà máy dù làm kỹ đến mấy cũng khó kiểm soát hết được.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng, do môi trường nuôi tôm ở nước ta đã quá tệ, thiếu tôm giống sạch bệnh, dịch bệnh lại nhiều, nên người nuôi có xu hướng lạm dụng HCKS.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt-Úc, đặt ra câu hỏi “Tại sao nông dân lạm dụng HCKS? Tại sao DN chế biến dùng chất cấm để bảo quản?”.

Ông Tuấn phân tích, tất cả đều nhằm để giảm giá thành xuống, nhưng điều này sẽ khiến cho các DN dần dần bị mất hết những thị trường tốt.

Mà lỗi đầu tiên lại từ các DN XK.

Những DN này do không ký được hợp đồng có giá tốt đã gây sức ép ngược lại với người nuôi trong nước.

Và để đảm bảo lợi nhuận, nhiều người nuôi đành nhắm mắt làm liều, lạm dụng HCKS.

Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng để khắc phục căn cơ tình trạng mất ATTP trong thủy sản XK hiện nay, cần phải có sự liên kết từ những nhà cung cấp đầu vào tới người nông dân và doanh nghiệp chế biến XK.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người nuôi thủy sản hiểu được những tác hại to lớn của việc lạm dụng HCKS như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, các DN chế biến thủy sản XK không nên chỉ dừng ở việc lấy mẫu kiểm soát tại nhà máy như hiện nay mà cần phải chủ động kiểm soát ngay từ vùng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, nếu các DN vẫn thu mua nguyên liệu trôi nổi như hiện nay thì sẽ không tránh khỏi việc có lô hàng bị cảnh báo ATTP tại các thị trường NK.

Vì vậy, các DN thủy sản cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị thủy sản.

Thứ trưởng nhấn mạnh việc lạm dụng HCKS trong thủy sản nếu không khắc phục tốt sẽ có nguy cơ mất thị trường và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu thủy sản Việt Nam.

XK thủy sản trong 9 tháng qua giảm mạnh, ngoài các yếu tố về thị trường, tỷ giá…, có nguyên nhân không nhỏ từ tình trạng mất ATTP.

Cạnh tranh trên thị trường thủy sản thế giới ngày càng khó khăn mà còn phải “cõng” thêm gánh nặng bị cảnh báo HCKS thì cửa ra XK ngày càng hẹp.

Giải pháp cấp bách từ nay đến cuối năm là xây dựng và triển khai một chương trình đặc thù, kiểm soát sự lạm dụng HCKS trong thủy sản.

Trong đó, tập trung vào sản phẩm tôm nước lợ, cá tra.

Thứ trưởng yêu cầu Cục NAFIQAD, Cục Thú y nghiên cứu, đưa ra những chế tài xử lý, như xem xét công khai các DN (kể cả các đơn vị kinh doanh vật tư) cố tình vi phạm.

Tiến hành xử lý nghiêm các đường dây buôn lậu HCKS cấm.

Đề nghị các địa phương khuyến khích người dân tham gia vào việc tố giác, cung cấp thông tin liên quan đến đường dây buôn lậu HCKS cấm.

Về lâu dài phải tập hợp những người nuôi nhỏ lại thành các THT, HTX để hướng đến sản xuất an toàn, giảm giá thành; xây dựng các mô hình sản xuất sạch như tôm – lúa…

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các yếu tố đầu vào.

Hiện Bộ NN-PTNT đang rà soát lại các văn bản pháp luật để đưa ra các hàng rào kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhằm kiểm soát nguồn nguyên liệu thủy sản NK.


Có thể bạn quan tâm

vicofa-ho-tro-hon-7-ty-dong-dau-tu-cay-giong-phuc-vu-tai-canh-ca-phe Vicofa hỗ trợ hơn 7… ga-ho-va-hanh-trinh-den-voi-thuong-hieu-noi-tieng-nhung-nguoi-gin-giu-giong-ga-quy Gà Hồ và hành trình…