Mô hình kinh tế Nguyên Nhân Ban Đầu Của Hiện Tượng Nghêu, Sò Huyết Chết Ở Bến Tre

Nguyên Nhân Ban Đầu Của Hiện Tượng Nghêu, Sò Huyết Chết Ở Bến Tre

Ngày đăng 16/09/2012

Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức hội thảo giữa kỳ với nhóm nghiên cứu Viện Hải dương học Nha Trang, các ban ngành liên quan, đại diện các hợp tác xã nuôi nghêu trong tỉnh Bến Tre, để đánh giá kết quả ban đầu đề tài Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây chết nghêu, sò huyết và đề xuất các giải pháp khắc phục để phát triển nghề nuôi nghêu, sò bền vững.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, Bến Tre hiện có khoảng 10 hợp tác xã (HTX) thủy sản nuôi nghêu, với 8.744 hộ xã viên, 35 tổ hợp tác nuôi nghêu, tập trung ở Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Tổng diện tích khai thác nghêu toàn tỉnh hiện có là 9.600 ha (trong khoảng 15.000 ha có thể phát triển nuôi nghêu), sản lượng hàng năm dao động từ 8.000 - 27.000 tấn. Bên cạnh đó, diện tích nuôi sò huyết cũng khá lớn, trên 1.095 ha.

Từ năm 2007 đến nay, hiện tượng nghêu, sò chết hàng loạt liên tục diễn ra và gây không ít khó khăn cho người nuôi. Riêng năm 2007, tại HTX Thủy sản Rạng Đông (Bình Đại) và HTX Thủy sản Bảo Thuận (Ba Tri), nghêu chết trên 60 tấn. Năm 2011, nghêu chết lại tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Tại Ba Tri, Bình Đại nghêu chết chiếm tỷ lệ đến 80 - 90% với tổng sản lượng 10.000 tấn, trị giá hơn 300 tỷ đồng.

Bước đầu, ngành thủy sản Bến Tre xác định nguyên nhân là do thời tiết diễn biến bất lợi, nước từ thượng nguồn đổ về ít hơn mọi năm nên độ mặn tăng cao, trong khi thời tiết nắng nóng kéo dài và các loại tảo làm thức ăn cho nghêu ít hơn. Mật độ nghêu thả tại các HTX dày hơn các năm khoảng 30%.

Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, nhóm nghiên cứu tập trung tìm nguyên nhân nghêu chết theo hướng xác định ngưỡng nhiệt độ, oxy hòa tan và độ mặn, tức là ảnh hưởng của nhiệt độ trong mối quan hệ giữa mật độ thả nuôi, điều kiện sống đến khả năng sống của nghêu. Nguyên nhân khác cũng được xác định là mức độ cảm nhiễm ký sinh trùng; thức ăn… Như vậy, nghêu chết trong nhiều năm qua đều tập trung cao điểm ở những tháng có nhiệt độ cao, thường là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm và mật độ nuôi cũng quá dày.

Đối với nghêu thịt, vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 là mùa vụ sinh sản chính của nghêu. Thời điểm này, nhiệt độ cao, biên độ dao động ngày và đêm lớn là yếu tố kích thích sự sinh sản của nghêu. Trước khi sinh sản, vào các buổi chiều, nghêu thường di chuyển lên trên bề mặt bãi cát, sau khi sinh sản xong nghêu bắt đầu vùi mình trở lại dưới cát. Thường dạng này là đối với nghêu nuôi có mật độ dưới 150 con/m2, còn khi nghêu thịt có mật độ dày trên 300 con/m2 thì sau khi sinh sản xong nghêu không thể vùi trở lại xuống cát mà phần lớn đều nằm phơi trên bề mặt cát. Khi nước biển rút cạn, nghêu bị phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời nên gây ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt.

Mặt khác, trong khoảng thời gian trên có đợt thủy triều lỡ, thời gian phơi bãi kéo dài cùng với biên độ thủy triều thấp, nên nước không lưu thông được. Như vậy, trên bãi lúc này nếu có khoảng 25 - 30% nghêu đang chết thì thịt của nghêu sẽ bị thối rữa và chắc chắn sẽ làm cho môi trường ngay tức khắc bị ô nhiễm trầm trọng làm cho nghêu chết hàng loạt, từ các bãi cao lây sang các bãi thấp.

Riêng đối với nghêu giống, sau khi nghêu thịt chết làm cho môi trường bị ô nhiễm, lượng Protozoa trong môi trường tăng nhanh, làm cho oxy hòa tan trong nước giảm mạnh. Bên ngoài, nước không được lưu thông do thủy triều thấp, làm cho nghêu giống cũng bị chết. Thông thường, sau khi nghêu thịt chết khoảng 3 - 4 ngày thì nghêu giống mới bắt đầu chết theo.

Mật độ nghêu giống ít ảnh hưởng đến sự gây chết hàng loạt cho nghêu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là tùy vào kích thước và con nước thủy triều mà nghêu giống có xu hướng di chuyển khỏi bãi. Quá trình này thường diễn ra vào ban đêm, nếu mật độ nghêu giống cao trên 1.000 con/m2 thì sau khi di chuyển lượng nghêu nằm lại trên mặt cát nhiều. Ban ngày, nghêu bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp và gây ra chết nghêu.

Qua bước đầu khảo sát, thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp trước mắt như sau: khi kiểm tra trên bãi nghêu thịt nếu thấy mật độ nghêu trên 150 con/m2 thì nên thu hoạch hoặc san thưa. Thường mật độ tốt nhất cho nghêu thịt khoảng từ 100 - 150 con/m2. Đối với nghêu giống thì tùy vào kích cỡ mà mật độ nghêu giống có thể để lại trên bãi khác nhau nhưng tốt nhất vẫn là trong khoảng 300 - 400 con/m2.


Có thể bạn quan tâm

day-manh-phat-trien-mo-hinh-lua-ca-o-yen-dong-ninh-binh Đẩy Mạnh Phát Triển Mô… giong-lua-lai-3-dong-gs9-cho-nang-suat-rat-cao-o-quang-nam Giống Lúa Lai 3 Dòng…