Mô hình kinh tế Nguyên Nhân Bệnh Tai Xanh Trên Đàn Lợn Bùng Phát Thành Dịch Ở Bắc Cạn

Nguyên Nhân Bệnh Tai Xanh Trên Đàn Lợn Bùng Phát Thành Dịch Ở Bắc Cạn

Ngày đăng 29/09/2012

Đến nay, bệnh tai xanh đã lan rộng trên đàn lợn ở hai địa phương là thị xã Bắc Kạn và huyện Chợ Mới với tổng số hơn 2 nghìn con bị mắc bệnh. Thống kê của Chi cục Thú y Bắc Kạn, tính đến chiều ngày 23/09 tại hai địa bàn trên đã có 995 con lợn bị chết và tiêu hủy do dịch bệnh, hiện còn hơn 300 con lợn bị bệnh đang theo dõi và điều trị.
 
Thực tế khảo sát ở vùng dịch lợn tai xanh Chợ Mới thấy, những hộ chăn nuôi nào thực hiện tốt công tác tiêm phòng và vệ sinh khu chăn nuôi thì đàn lợn ít bị dịch bệnh.
 
Những thiệt hại trên đàn lợn đáng lẽ sẽ được giảm thiểu nếu ý thức phòng dịch của người chăn nuôi tốt hơn, công tác tiêm phòng cho đàn lợn đạt tỉ lệ cao hơn. Mặc dù công tác chỉ đạo tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc hằng năm rất được quan tâm, ngay từ đầu năm chính quyền đều chỉ đạo sát sao việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi về công tác tiêm phòng chưa cao, nhiều hộ còn thờ ơ với việc tiêm phòng để bảo vệ đàn gia súc.
 
Ông Nguyễn Thành Tâm – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chợ Mới cho biết: Tỉ lệ tiêm phòng định kỳ đợt 1 năm 2012 trên đàn lợn của huyện chỉ đạt hơn 30%. Và khi dịch bệnh tai xanh đã lan rộng ra toàn huyện, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% tiền vác xin và công tiêm phòng, nhưng nhiều hộ dân chăn nuôi vẫn tỏ ra không mặn mà. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh tai xanh, nhiều hộ chăn nuôi thấy cán bộ thú y mang vác xin đến tiêm phòng cho đàn lợn, thay vì hướng dẫn và giúp cán bộ thú y tiêm phòng thì họ mặc thú y viên làm gì thì làm, bản thân chủ hộ nuôi lợn không quan tâm.
 
Hiện nay, tổng đàn lợn trên toàn tỉnh có khoảng 250 nghìn con, kết quả tiêm phòng định kỳ đợt 1 cho đàn lợn đạt rất thấp. Cụ thể, tiêm vác xin tụ huyết trùng, tụ dấu lợn đạt khoảng 15% kế hoạch; tiêm vác xin phòng dịch tả lợn, LMLM, lép-to lợn chỉ đạt khoảng 16% kế hoạch. Tỉ lệ tiêm phòng trên đàn lợn đạt thấp là nguyên nhân cơ bản để dịch bệnh dễ dàng bùng phát trên diện rộng. Bệnh cạnh đó, theo thống kê của ngành Thú y thì hàng năm nhu cầu lợn giống của tỉnh Bắc Kạn rất cao nhưng nguồn giống tại chỗ không đáp ứng đủ. Lợn giống chủ yếu nhập ở tỉnh ngoài vào, ước có khoảng 70% lợn giống cung cấp cho các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi là nhập từ bên ngoài vào vào tỉnh.
 
Đúng theo quy định thì khi nhập lợn giống ở tỉnh ngoài vào địa phương thì cần phải có thời gian cách ly ít nhất là 7 ngày sau đó mới cho nhập đàn. Tuy nhiên trên thực tế chưa có địa phương nào thực hiện được điều này và trên địa bàn tỉnh cũng chưa có khu nuôi cách ly gia súc trước khi nhập đàn. Đối với người dân chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc cách ly lợn giống mới mua trước khi nhập vào đàn cũ gần như không được thực hiện. Và đây là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào đàn gia súc của địa phương. Cùng với những nguyên nhân trên thì còn có một bộ phận người chăn nuôi còn lơ là trong việc báo cho cơ quan thú y khi phát hiện dịch bệnh, dẫn đến dịch bệnh nhanh chóng lây lan ra xung quanh.
 
Để hạn chế mức thấp nhất việc xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền các địa phương nhất là ở cấp xã đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân chăn nuôi nâng cao nhận thức về việc tiêm phòng, bảo vệ đàn gia súc. Thậm chí phải có chế tài xử phạt đối với những hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc theo quy định. Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, kiểm soát vận chuyển buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc ra vào tỉnh... Hằng năm triển khai tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ở những vùng từng xuất hiện dịch bệnh, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển, hạn chế, mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-nuoi-ca-dieu-hong-tai-xa-duc-lang-o-ha-tinh Mô Hình Nuôi Cá Diêu… lo-nang-vi-nhim-rot-gia Lỗ Nặng Vì Nhím Rớt…