Mô hình kinh tế Nhà vườn trồng thanh long đau đầu với bệnh đốm nâu và giá

Nhà vườn trồng thanh long đau đầu với bệnh đốm nâu và giá

Ngày đăng 19/08/2015

Đến mùa lúa lại bùng phát bệnh

Chúng tôi về vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo vào những ngày giữa tháng 8, khi những cơn mưa giữa mùa ngày càng nhiều hơn. Đến bất cứ vườn trồng thanh long nào của xã Quơn Long (Tiền Giang) vào lúc này, chúng tôi cũng đều nghe nhà vườn than vãn về bệnh đốm nâu (nhà vườn gọi đốm trắng).

Anh Huỳnh Văn Quốc, ấp Long Thạnh, xã Quơn Long cho biết, anh có 2 công trồng thanh long trên 10 năm tuổi đang bị nhiễm bệnh đốm nâu khoảng 50%. Biểu hiện của bệnh là lúc đầu nổi những đốm trắng nhỏ trên thân và trái, sau đó to dần làm cho thân bị nhiễm chuyển sang màu vàng và trái sần sùi.

Theo anh Quốc, hầu như các vườn thanh long trong vùng đều bị bệnh như thế, chỉ có khác nhau ở chỗ là vườn bị bệnh nhiều hay ít và đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn. Đặc biệt, nhiều tuần qua, bệnh phát triển rất mạnh. Những vườn nào chăm sóc tốt, thường xuyên phun thuốc phòng trị thì tỷ lệ bệnh thấp, còn vườn ít chăm sóc bệnh nhiễm rất cao, có vườn tỷ lệ bệnh lên đến 70 - 80%.

Ngoài bệnh đốm nâu, bệnh đồng tiền (còn gọi là bệnh thán thư) cũng đang phát triển khá mạnh. Nhưng bệnh đồng tiền có thể trị được, còn bệnh đốm nâu không thể khống chế được. “Bệnh lây lan rất nhanh. Điều đáng nói nữa là dù thường xuyên chặt bỏ thân, trái bị bệnh, phun nhiều loại thuốc phòng trị định kỳ khoảng 7 - 10 ngày 1 lần nhưng bệnh chỉ giảm chứ không hết hẳn. Sau đó, bệnh sẽ tái bùng phát trở lại khi gặp mưa nhiều, độ ẩm cao” - anh Quốc than.

Tại xã Tân Thuận Bình, bệnh đốm nâu cũng đang tấn công mạnh trên thanh long. Anh Đặng Hoàng Chương, ấp Tân Bình 1 cho biết, 3 công thanh long của anh hiện đang bị nhiễm đốm nâu 30%. Cũng theo anh Chương, bệnh đốm nâu đã xuất hiện trong mấy năm qua. Vào mùa nắng, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp nhưng đến mùa mưa bệnh phát triển rất mạnh.

Ông Châu Ngọc Thẩm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Bình cho biết, hiện nay bệnh đốm nâu trên thanh long lây lan nhiều nơi. Có vườn nhiễm ít, có vườn nhiễm nhiều tùy theo mức độ chăm sóc, phòng trị bệnh của nhà vườn. Do phần lớn vườn thanh long trên địa bàn xã là vườn mới trồng, nên tỷ lệ nhiễm có phần thấp hơn nhiều nơi khác. Dù vậy, uớc tính tỷ lệ nhiễm bệnh đốm nâu trung bình trên địa bàn xã cũng từ 20 - 30%.

Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, hiện nay có 220 ha thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu, trong đó tỷ lệ bệnh từ 5 - 10% có 160 ha, 60 ha nhiễm từ 20 - 30%. Ngoài ra, bệnh thán thư gây nhiễm trên bông và trái thanh long cũng ở mức khoảng 90 ha, tỷ lệ nhiễm từ 3 - 5%.

Nhiều khóa khăn cho nhà vườn

“Với trung bình mỗi tuần phun xịt thuốc phòng trừ bệnh đốm nâu 1 lần thì mỗi đợt cho trái của thanh long từ khi có nụ đến thu hoạch vào mùa này chi phí thuốc phòng trừ bệnh lên đến trên 1 triệu đồng 1 công thanh long, tăng gấp đôi so với mùa nắng. Đó là chưa nói đến chi phí chăm sóc, phân, thuốc dưỡng cung cấp cho cây. Tuy nhiên, với giá thanh long thấp hiện nay, nhà vườn khó có thể bù được chi phí sản xuất.

Cụ thể, trong đợt trái vừa rồi 3 công thanh long của tôi thu hoạch được 700kg, bán với giá 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì huề vốn. Còn hiện nay, giá thanh long ở mức thấp hơn nên khả năng lỗ rất cao” - anh Chương cho biết.

Theo nhiều nhà vườn trồng thanh long, hiện nay giá thanh long từ 2.500 - 4 .000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, bệnh trên thanh long cũng đang bùng phát mạnh càng tăng thêm khó khăn cho nhà vườn.

Ông Đỗ Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Quơn Long cho biết, cách nay mấy ngày, giá thanh long bán sa cạ còn 4.000 đồng/kg, giờ giảm xuống còn 2.500 - 3.000 đồng/kg. Giá này sau khi trừ chi phí, nhà vườn khó có thể bù chi phí (dù mùa thuận không có chi phí xử lý xông đèn). Đó là mức giá đối với những trái thanh long không bị bệnh hoặc ít bệnh, còn những trái bị nhiễm bệnh nhiều, giá còn thấp hơn, thậm chí thương lái sẽ không mua nếu trái nhiễm bệnh quá nặng.

Bệnh đốm nâu trên thanh long đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm, trong khi giá thanh long đang quá thấp không bảo đảm cho người trồng có vốn để tái chăm sóc, xử lý đợt mới. Khó khăn hơn nữa, hiện nay nhiều vườn thanh long đang bước vào giai đoạn giảm năng suất cho trái vụ. Nhiều nhà vườn đã và đang tiến hành xử lý bằng xông đèn cho đợt trái mới.

“Hiện nay là mùa cho trái tự nhiên nên chi phí sản xuất thấp. Giá thanh long ở mức 2.500 - 3.000 đồng/kg, nông dân vẫn có thể huề hoặc lỗ ít. Đợt trái tới đây, nhiều nông dân phải xử lý xông đèn, khi đó giá thành sẽ tăng lên, cộng với chi phí thuốc phòng trị bệnh đốm nâu đang bùng phát càng đẩy chi phí sản xuất tăng lên.

Khi đó, đến thời điểm thu hoạch, giá thanh long phải từ 15.000 đồng/kg trở lên nông dân mới có lời. Nhưng tình hình giá cả hiện nay rất khó nói, nông dân đối mặt với áp lực lớn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, dù như thế nào thì nhà vườn vẫn phải xử lý cho trái đợt mới với hy vọng khi thu hoạch giá sẽ tốt hơn” - ông Phạm Văn Quận, ấp Long Hòa, xã Quơn Long bày tỏ.


Có thể bạn quan tâm

ca-linh-non-dau-vu-gia-cao Cá linh non đầu vụ… xay-dung-chuoi-thit-heo-an-toan Xây dựng chuỗi thịt heo…