Cà chua Nhân đàn thiên địch từ rau VietGAP

Nhân đàn thiên địch từ rau VietGAP

Tác giả Văn Việt, ngày đăng 11/10/2017

Áp dụng các giải pháp sinh học trong canh tác rau VietGAP, nông dân Lâm Đồng có thể xác định các loài thiên địch để nhân nuôi nhằm tăng cường khả năng phòng trừ dịch hại, nâng cao năng suất, chất lượng nông phẩm khi thu hoạch.

Điều tra thành phần sâu bệnh và thiên địch trên cây rau VietGAP Lâm Đồng

Từ 4 mô hình VietGAP mới

Sau một vụ cà chua 4 tháng chăm sóc theo mô hình tiêu chuẩn VietGAP mới tại xã Đạ Ròn, Đơn Dương, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã phân tích những mẫu đất, mẫu nước và mẫu trái tươi thu hoạch đều cho kết quả đảm bảo giới hạn an toàn cho phép. Nếu so sánh với phương pháp sản xuất thông thường trên cùng 1ha cà chua của vườn đối chứng thì vườn mô hình VietGAP đã đạt năng suất bình quân tăng hơn 1 tấn; chưa kể sử dụng lượng phân bón giảm đến 75%; thay thế nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng trừ hiệu quả các côn trùng gây hại bằng các chế phẩm sinh học như: Sokupi 0.36 AS (Matrine), Emaben 3.6 WG (Emamectin), Vieem 1500 OD (Azadirachtin)… 

Tương tự 3 mô hình sản xuất VietGAP mới được triển khai ở Đà Lạt với 3 cây rau là bắp cải, ớt ngọt và khoai tây đều sử dụng lượng thuốc trừ sâu sinh học chiếm tỷ lệ lên đến hơn 60%; còn lại chỉ gần 40% sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Kết thúc thời vụ sản xuất trên tất cả 4 mô hình, ước có khoảng gần 15 loại thuốc trừ sâu sinh học cung cấp “năng lực” cho cây phòng trừ các loài dịch hại như: sâu tơ, sâu xanh (cải bắp); dòi đục lá, sâu đục trái (cà chua, khoai tây); bọ trĩ (ớt ngọt)… đạt hiệu lực với mức trung bình khá trở lên. Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng còn tích cực hướng dẫn nông dân lắp đặt hệ thống các bẫy dính để dẫn dụ côn trùng gây hại, đồng thời thực hành nhiều kỹ thuật khác nhau để bảo vệ, nhân nuôi các loài thiên địch có lợi. Số liệu bình quân trên mỗi vụ rau thuộc 4 mô hình VietGAP mới cho thấy: Tiếp tục giảm từ 2-4 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; tăng năng suất thu hoạch từ 0,6 đến gần 9% và tăng doanh thu từ 11- 16%...    

Đến quy trình nhân nuôi thiên địch

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết: Qua 4 mô hình sản xuất rau VietGAP mới, Chi cục xác định gần 20 loài thiên địch cần bảo vệ để hàng ngày “giúp sức” nhà nông phòng trừ các loài dịch hại. Trong đó, trước mắt, Chi cục đã hoàn chỉnh quy trình nhân nuôi 2 loài thiên địch “chủ lực” là ong ký sinh trên sâu tơ và bọ xít mù thuốc lá (bọ cưa) bắt mồi bọ phấn gây hại.  

Sâu tơ được xác định là một loài côn trùng gây hại nặng nhất trên cây cải bắp từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Từ giai đoạn mới nở đến giai đoạn trưởng thành, sâu tơ liên tục gặm ăn biểu bì ở mặt dưới phiến lá cải bắp, khiến lá bị thủng rách, mất năng suất và chất lượng thu hoạch. Bên cạnh các giải pháp vệ sinh đồng ruộng, tưới phun mưa lúc chiều mát, bơm phun thuốc sinh học, việc diệt trừ sâu tơ vẫn rất “trông chờ” ở các loài thiên địch như ong ký sinh. Qua 5 bước nuôi trong lồng gỗ, cửa phủ kín lưới, ong ký sinh trên kén sâu tơ đến giai đoạn vũ hóa là đạt yêu cầu thả nuôi phát triển tự nhiên trên đồng cải bắp. Khi ong ký sinh “nhân rộng quần thể” càng nhiều thì đàn sâu tơ càng thu hẹp môi trường sống sót cắn phá trên đồng cây cải bắp.   

Về bọ phấn là một loài sâu bọ cùng lúc thường gây nhiều bệnh hại trên cây cà chua. Vào thời điểm sáng sớm và chiều mát, bọ phấn tiết ra các chất dịch vừa hút nhựa, vừa truyền virus và vừa nuôi nấm muội đen sinh trưởng, gây bệnh héo rũ, chết úa vàng trên thân, cành, lá… Biện pháp phòng trừ bọ phấn trên cây cà chua chủ yếu hiện nay là dùng các loại thuốc hóa học trong danh mục như: Vimatrine 0.6 SL, Map Grenn 10AS, BioRepel 10SL, Ximen 2SC, Pegasus 500SC… Bởi vậy việc nhân đàn bọ cưa để bắt mồi bọ phấn là hết sức cấp thiết để sản xuất cà chua bền vững. Và cũng như phương pháp nuôi ong ký sinh, bọ cưa trong lồng lưới với cây cà chua sinh trưởng trong chậu nhỏ, tạo môi trường thu nhỏ để nhân nuôi bọ phấn làm “thức ăn” cho bọ cưa. Hàng ngày theo dõi số trứng bọ cưa nở thành ấu trùng, tách nuôi trong ống nghiệm hoặc trong hộp nhựa nhỏ, từ đó đã nhân thành từng đàn trước khi thả nuôi đại trà ra đồng cà chua. 

Với quy trình nhân nuôi có kết quả 2 loài thiên địch nói trên, trong thời gian tới, khi được chuyển giao chính thức, nông dân Lâm Đồng sẽ không mấy khó khăn khi tiếp cận và thực hành trong từng vụ canh tác rau VietGAP của mình.


Có thể bạn quan tâm

cong-cu-di-truyen-xac-dinh-gen-giong-ca-chua-va-dau-tuong-nang-suat-cao Công cụ di truyền xác… trong-ca-chua-cherry-lam-kieng-don-tet Trồng cà chua cherry làm…