Nhân Đạo (Đắk Nông) Phát Triển Cây Hồ Tiêu Theo Hướng Bền Vững
Xã Nhân Đạo hiện là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nhì huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) với 530 ha. Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn đã biết phát triển loài cây này theo hướng an toàn và bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Nguyễn Vân ở thôn 8 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu đều phát triển tốt, nhiều năm nay, trung bình luôn cho sản lượng 4 tấn. Theo ông Vân thì hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ chặt chẽ những kỹ thuật trong tất cả các khâu từ chọn giống, chuẩn bị đất đai, trồng và chăm sóc.
Kinh nghiệm của ông là chọn giống đảm bảo chất lượng. Theo đó, khi mua giống, ông lựa chọn mua những đơn vị cung ứng có uy tín. Đất đai được chuẩn bị kỹ càng, nhất là việc xử lý đất phải sạch bệnh bằng cách phát, dọn cỏ dại sạch sẽ, đào hố và xử lý hố kỹ càng trước lúc xuống giống khoảng 1 tháng bằng cách bón vôi bột, phun thuốc diệt nấm, mối, kiến bằng 1 trong các loại thuốc như Confidor 100 SL 0,1%, 0,5 lít/hố hoặc Basudin 10 H, 20 - 30 g/hố.
Ông Vân cho biết: “Trong quá trình chăm sóc, tôi luôn sử dụng kết hợp cả phân bón hữu cơ và vô cơ với liều lượng cân đối để đất luôn tươi xốp. Trong đó, tôi nghiêng về dùng các loại phân hữu cơ nhiều hơn vì nó có những ưu điểm như có thể tự ủ, giá thành hợp lý và hơn nữa là ít gây ra các tác dụng phụ làm héo lá, khô cành, rụng quả…”.
Cũng biết phát triển cây hồ tiêu hiệu quả nhưng bí quyết của gia đình ông Nguyễn Văn Anh ở thôn 3 lại nghiêng về việc quản lý dịch bệnh. Theo đó, hàng năm định kỳ 3 lần, ông luôn tiến hành vệ sinh vườn một cách đồng bộ, từ chỗ phát quang khu vực bờ ranh của vườn, phát hiện các tổ, hang mối để tiêu diệt, làm sạch cỏ dại, cắt bỏ các lá, cành già, còi cọc, cành sát mặt đất để hạn chế các nguy cơ lây bệnh.
Trong quá trình xạc cỏ thì gia đình ông không đào quá sâu làm xước, đứt rễ tiêu. Đặc biệt, vào mùa mưa, ông thường xuyên thăm vườn để tiêu úng, mùa nắng thì tưới cho cây với lượng vừa phải. Ông cũng chú ý việc trồng tiêu trên các trụ sống như muồng đen, lồng mức gắn với việc rong tỉa cây, tạo bộ tán tròn, đều, thông thoáng. Chính vì thế, năng suất vườn tiêu của gia đình luôn đạt mức năng suất trên 3 tấn/ha.
Theo ông Phạm Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo thì hồ tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương, với bình quân sản lượng hàng năm đạt khoảng 1.590 tấn, đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân. Nhiều hộ có từ 1 - 3 ha tiêu có thể đạt mức lãi từ 200 - 700 triệu đồng/năm.
Để phát triển cây hồ tiêu bền vững, thông qua nghị quyết chuyên đề của xã, những năm qua, các tổ chức đoàn thể luôn chú trọng việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con về các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu.
Theo đó, hiện nay, về cơ bản, bà con đã biết phòng ngừa các bệnh thường gặp trên cây tiêu như chết nhanh, chết chậm, mối hại, thán thư, rệp sáp.
Trong đó, người trồng tiêu đã ý thức được việc sử dụng đúng cách các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không còn sử dụng tràn lan như trước kia, giảm được chi phí đầu tư trong khi vẫn đảm bảo được năng suất cao và ổn định qua nhiều năm.
Toàn xã hiện đã có khoảng 80% diện tích tiêu trên địa bàn cũng đã được trồng trên các loại cây trụ sống như lồng mức, keo dậu, muồng đen, vông…, góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tình trạng chặt cây rừng làm trụ đồng thời tạo bóng mát, sinh thái ổn định cho vườn cây.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ