Tin nông nghiệp Nhân lực - chìa khóa thúc đẩy nền nông nghiệp công nghệ cao

Nhân lực - chìa khóa thúc đẩy nền nông nghiệp công nghệ cao

Tác giả Vũ Đậu, ngày đăng 31/03/2017

Để đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bên cạnh kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường thì nguồn nhân lực chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiến trình.

Trong ảnh: Tiến sĩ Đoàn Kim Thắng nhận định, "chìa khóa" của nông nghiệp chất lượng cao vẫn là nguồn nhân lực thực sự chất lượng. Ảnh: Rau Song Hành.

Theo phân tích của tiến sĩ Đoàn Kim Thắng - Viện Nghiên cứu Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), sau chặng đường 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài. Cụ thể, hoạt động sản xuất nông nghiệp cung cấp sinh kế cho gần 10 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% số dân, đóng góp khoảng 22% GDP cho nền kinh tế và 23-35% giá trị xuất khẩu.

Phát triển nông nghiệp là cơ sở tạo tiền đề để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Theo Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình, trong vài thập kỷ qua, nông nghiệp vẫn phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Ông cũng cho biết, từ năm 1990, tốc độ tăng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực, do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức tới hạn. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình ngành giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4% một năm, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc đã đạt khoảng 7,5% từ những năm 1980-1995.

Nguyên nhân của sự chênh lệch đó là bởi sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu tồn tại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông - thủy sản chưa cao; đồng thời, phải đối mặt với những thách thức lớn như dân số tăng, biến đổi khí hậu, diện tích đất bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa… Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì nông nghiệp nước ta không những không tăng trưởng mà còn thụt lùi so với khu vực và thế giới.

Hiện nay, nhiều nước và khu vực trên thế giới đã tập trung đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel... Đó là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của nhiều ngành, từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ thông tin, đến công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản..., để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Theo Đề án phát triển Nông nghiệp công nghệ cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, mỗi tỉnh có ít nhất 10 doanh nghiệp, 10 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1-2 khu nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Thực tế, muốn phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, yếu tố cần thiết là nguồn vốn. Tuy nhiên, hoạt động ấy có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào con người - nguồn nhân lực chất lượng.

Là nước nông nghiệp với nhiều lợi thế từ các sản phẩm nhiệt đới nhưng để biến tiềm năng đó thành hiện thực thì việc đầu tư vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết. Bởi, dù áp dụng máy móc hiện đại tới đâu cũng cần sự điều chỉnh và tác động của con người. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn là rất lớn. Mỗi năm, cả nước cần tới trên một triệu lao động, nhưng đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp, nông thôn chỉ có khoảng 9% có trình độ đại học, cao đẳng; 39,4% trung cấp và 9,8% sơ cấp... Do đó, để thúc đẩy việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, song song với việc ban hành các cơ chế, nước ta cần chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-thu-lai-tien-ty-nho-phat-trien-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi Nông dân thu lãi tiền… con-sot-buoi-da-xanh Cơn sốt bưởi da xanh