Nhân rộng mô hình nuôi sò huyết
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn huyện Cái Nước, tỉnh tỉnh Cà Mau có hơn 600 ha sò huyết được nuôi xen canh trong vuông tôm quảng canh truyền thống; tập trung ở một số địa phương như: xã Đông Thới, Trần Thới, Đông Hưng, Tân Hưng và một phần thị trấn Cái Nước. Trong đó, xã Đông Thới và Trần Thới là địa phương có diện tích nuôi nhiều nhất.
Sò huyết sau khi thả nuôi từ 8-10 tháng sẽ cho thu hoạch.
Nuôi sò huyết " 1 vốn 4 lời"
Theo một số hộ dân ở 2 xã Đông Thới và Trần Thới, trước đây, hầu hết nông dân chủ yếu nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh truyền thống, nhưng ở một số tuyến sông rạch trên địa bàn thường xuyên xuất hiện khá nhiều sò huyết tự nhiên, nên có một số hộ dân mò bắt về thả vào vuông tôm để nuôi. Không ngờ sò huyết phát triển nhanh và cho năng suất khá cao, từ đó mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm quảng canh truyền thống được bà con nông dân nhân rộng.
Ông Lương Xuân Phát, ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, cho biết, ấp Khánh Tư có nhiều hộ Khmer sinh sống. Trước đây là ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các ấp trong xã, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, đời sống kinh tế bà con không ngừng khởi sắc, đó là nhờ nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm quảng canh truyền thống.
Mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao, bà con chỉ cần mua sò huyết giống về thả nuôi trong vuông tôm quảng canh truyền thống, không phải tốn kém tiền thức ăn. Sò huyết giống có trọng lượng 2.000 con/kg có giá bán trên 200.000 đồng, chỉ sau thời gian thả nuôi từ 8-10 tháng là cho thu hoạch theo hình thức tỉa thưa, được từ 7-10 kg sò huyết thương phẩm loại 100 con/kg. Với giá bán trên thị trường dao động trên dưới 100.000 đồng/kg, người nuôi thu lãi không dưới 700.000 đồng sau khi trừ tiền con giống.
Năm 2016, hầu hết bà con nuôi sò huyết đều có lãi khá cao; tuỳ theo mức độ đầu tư con giống thả nuôi mà có không ít hộ thu nhập trên 100 triệu đồng. Phát huy kết quả đạt được, năm 2017, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được nông dân huyện Cái Nước tiếp tục duy trì và nhân rộng. Nhiều địa phương còn thành lập tổ hợp tác nuôi sò huyết, nhằm hỗ trợ nhau về vốn và chia sẻ kinh nghiệm.
Hứa hẹn vụ mùa bội thu
Mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được bà con nông dân thả nuôi vào thời điểm đầu năm và kéo dài cho hết tháng 5, đầu tháng 6. Đây được xem là thời điểm khó khăn về nguồn nước phục vụ nuôi tôm cũng như thả nuôi sò huyết, bởi trong khoảng thời gian này triều cường trên các tuyến sông thường hạ thấp, nên việc lấy nước vào vuông tôm gặp không ít khó khăn, dẫn đến vuông tôm thường xuyên bị khô cạn. Nhất là khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho nhiệt độ nước và độ mặn tăng cao, không thuận lợi cho sò huyết phát triển.
Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho sò huyết phát triển, ngay trong những tháng mùa khô mà triều cường dưới các sông rạch vẫn khá cao, bà con nông dân có thể lấy nước trực tiếp vào vuông tôm quảng canh truyền thống một cách dễ dàng, không cần phải dùng máy bơm tát nước như trước đây.
Nhờ vậy, việc nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm của nông dân phát triển khá tốt. Anh Nguyễn Hoàng Pho, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi sò huyết 14/10, ấp Nhà Thính B, xã Đông Thới, cho biết, năm nay triều cường dưới các tuyến sông rạch ổn định, không bị hạ thấp như trước đây, lượng mưa phân bố khá đều, không xảy ra hạn hán cục bộ, giúp sò huyết phát triển nhanh và tỷ lệ đạt đầu con khá cao sau khi thả nuôi.
Anh Lê Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi sò huyết ấp Mỹ Đông, xã Trần Thới, tâm sự: Thời tiết từ đầu năm đến nay khá ổn định, cộng với lượng phù sa trên các tuyến kinh rạch dồi dào, khi lấy nước cấp vào vuông tôm tạo được nguồn thức ăn tự nhiên giúp sò huyết phát triển, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm quảng canh truyền thống không ảnh hưởng đến các đối tượng thuỷ sản khác trên cùng diện tích, mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng. Ngành chuyên môn đang khuyến cáo nông dân nhân rộng mô hình ở những nơi có điều kiện
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ