Mô hình kinh tế Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Trong Vụ Hè-Thu

Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Trong Vụ Hè-Thu

Ngày đăng 30/07/2013

Trong sản xuất vụ hè-thu năm nay, với tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh trên 23.000 ha, nhờ thời tiết diễn biến có chiều hướng tương đối thuận lợi, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai thực hiện các mô hình, dự án sản xuất mới và chuyển tiếp từ năm trước. Từ tác động của các mô hình, dự án trên, lĩnh vực cây trồng và chăn nuôi gia súc ở tỉnh ta đang có chuyển biến khá tích cực.

Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm nho địa phương, Trung tâm hỗ trợ nông dân trồng giống nho NH 01-48 với tổng diện tích 7,9 ha trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha/vụ.

Quy trình sản xuất tạo sản phẩm nho an toàn được chuyển giao cho nông dân áp dụng từ sử dụng thuốc hợp lý, phân hữu cơ sinh học, quản lý đồng ruộng đến kiểm soát bệnh hại. Trung tâm cũng đã chuyển giao những tiến bộ về các giống bắp lai mới và quy trình kỹ thuật thâm canh, góp phần bổ sung nguồn thức ăn cho chăn nuôi, nhất là vào mùa khô từ sản phẩm phụ (thân cây bắp).

Đó là các giống NK 66, NK 67, V 98-2, SSC 586, VN 8960 được triển khai trồng trên diện tích 15 ha, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân của những hộ tham gia mô hình tăng 20%. Qua mô hình đã khẳng định thâm canh bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, là cơ sở để khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu và luân canh cây trồng vụ hè-thu.

Một số mô hình khác triển khai theo hướng GAP với cây trồng và quy mô: 1 ha mãng cầu trên vùng đất cát ven biển xã An Hải (Ninh Phước); 0,8 ha táo tại huyện Ninh Phước và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm; 0,3 ha tỏi trên vùng đất cát ven biển xã Thanh Hải (Ninh Hải); 69 ha trôm thâm canh ở các xã vùng miền núi của huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và Thuận Nam.

Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, Trung tâm còn chuyển giao 5 máy nâng mía cho 5 hộ dân tại xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) sử dụng trong khâu thu hoạch, vận chuyển mía nguyên liệu.

Trong mô hình về chăn nuôi, đáng chú ý là việc cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt. Trung tâm đã triển khai hỗ trợ hộ dân trên địa bàn các huyện 1.120 liều tinh viên đông lạnh để phối với 560 bò cái địa phương, tạo nên đàn bò lai giống Sind có tầm vóc lớn, ngoại hình đẹp, tỷ lệ thịt cao, giá trị con lai tăng 50% so với bò địa phương.

Việc thực hiện mô hình trên trong thời gian qua đã góp phần nâng tỷ lệ bò lai trên địa bàn tỉnh lên 33% và kích thích hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng bán thâm canh quy mô trang trại.

Về cải tạo đàn cừu, đã hỗ trợ hộ dân trên địa bàn các huyện 40 cừu đực giống lai Úc để phối cho 1.600 cừu cái, tạo nên cừu lai có nhiều ưu điểm như: tăng trọng nhanh, tầm vóc lớn, giá trị cao hơn 30% so với cừu địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều trang trại chăn nuôi cừu trong tỉnh. Ngoài ra còn thực hiện các mô hình mang lại hiệu quả rất thiết thực như: Vỗ béo bò thịt, nuôi heo sinh sản hướng nạc...

Đồng chí Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Các mô hình, dự án chuyển tiếp sang năm nay đang được triển khai thực hiện, nhưng để nhân rộng và ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, đòi hỏi các huyện, xã phải chủ động vào cuộc”. Trong các mô hình chuyển tiếp, nổi bật có mô hình hỗ trợ khuyến nông thuộc dự án Thủy lợi vừa và nhỏ, nhân giống 5 ha lúa và thâm canh 15 ha lúa, 13 ha bắp lai, 7 ha đậu xanh và trồng 2 ha cây ăn quả mãng cầu.

Bên cạnh đó còn có 10 ha lúa nước thâm canh tại xã Phước Thành (Bác Ái) thuộc dự án Khoa học công nghệ Nông nghiệp và 1 ha mãng cầu trồng theo hướng GAP trên vùng đất cát ven biển xã An Hải, thuộc dự án Khoa học công nghệ huyện Ninh Phước.

Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh đang phối hợp cùng chính quyền và các đơn vị hỗ trợ chỉ đạo sản xuất, thực hiện các mô hình trình diễn, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để vụ hè thu đạt kết quả cao nhất.

Đặc biệt là phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Sơn thực hiện mô hình nông-lâm kết hợp, trồng cây sầu riêng và cây sa nhân dưới tán cây điều; phối hợp Hội Phụ nữ tỉnh chuyển giao kỹ thuật mô hình thâm canh lúa trên địa bàn xã Lợi Hải (Thuận Bắc).

Theo ghi nhận của chúng tôi, cùng với hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng đưa vào sản xuất những mô hình thâm canh phù hợp, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân về cơ cấu giống, lịch gieo trồng vụ hè-thu, sử dụng hợp lý nguồn nước, dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô hạn. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác khuyến nông địa bàn các xã nghèo miền núi để bà con tiếp cận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-kinh-te-tu-nghe-trong-tao Hiệu Quả Kinh Tế Từ… nang-cao-hieu-qua-san-xuat-nong-nghiep Nâng Cao Hiệu Quả Sản…