Mô hình kinh tế Nhân Rộng Mô Hình Vùng Nuôi Tôm Biển An Toàn Dịch Bệnh Ở An Đức (Bến Tre)

Nhân Rộng Mô Hình Vùng Nuôi Tôm Biển An Toàn Dịch Bệnh Ở An Đức (Bến Tre)

Ngày đăng 03/09/2014

Tháng 7-2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã xây dựng mô hình vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh ở xã An Đức, huyện Ba Tri. Vùng nuôi được triển khai ở ấp 9 với tổng diện tích 100ha, phù hợp với qui hoạch của địa phương, giao thông, thủy lợi thuận lợi.

Đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Sau một năm triển khai thí điểm, Sở đã tổ chức hội thảo sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm 2013 đã thành lập Ban chỉ đạo vùng nuôi; cuối 2013 hình thành mối liên kết giữa Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Doanh nghiệp Tuấn Khanh và nhiều hộ nông dân trong vùng dự án.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản cũng đã tổ chức 6 cuộc vận động hộ dân tham gia, đã có 120/149 hộ đồng thuận. Tổ chức 3 lớp triển khai ký kết hợp đồng liên kết cung ứng con giống, thức ăn giữa hộ dân với các doanh nghiệp.

Đầu năm 2014 đến nay, đã tổ chức 2 đợt tập huấn và tuyên truyền cho các cửa hàng kinh doanh và người nuôi không được kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục cho phép, các chất kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi tôm với 256 nông dân tham gia. Theo kết quả bước đầu, mô hình thực hiện có 5 nhóm, mỗi nhóm có 24 nông dân với 44 hộ nuôi.

Về hình thức liên kết, Nhà nước là cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong hỗ trợ cung ứng con giống có chất lượng, giá thành ổn định, thấp hơn so với bên ngoài; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi như ưu tiên nạo vét kênh mương, hỗ trợ các chính sách về con giống, hỗ trợ Chlorine.

Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam bán giá con giống cố định 90 đồng/con trong suốt vụ nuôi. Doanh nghiệp Tuấn Khanh bán con giống giá 80 đồng/con, thức ăn giảm từ 3.500-4.500 đồng/kg.

Qua quá trình thực hiện mô hình, các bên tham gia đều thụ hưởng hài hòa các lợi ích, trong đó nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ sản xuất, chất lượng vật tư thủy sản, các giá trị tăng thêm cho tôm từ các hoạt động dịch vụ. Về hiệu quả kinh tế, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, tổng sản lượng 593 tấn, tổng giá trị thu được là 53,4 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất, lãi 8 tỷ đồng.

Vụ I năm 2014 có 149 hộ nuôi, diện tích 76ha, số hộ nuôi có lãi 115 hộ, số hộ bị thiệt hại 34 hộ, diện tích thiệt hại 14ha. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo vùng nuôi, mặc dù mô hình chưa đúng thực chất của mô hình liên kết 4 nhà trong nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhất định. Mô hình được áp dụng đồng bộ từ cải tạo ao, thả giống nên hạn chế dịch bệnh đáng kể.

Cụ thể vụ I năm 2014 chỉ thiệt hại 18,6%, giảm 61,4%, trong khi năm 2013 diện tích thiệt hại đến 80%. Trong số 14,3ha/9hộ thiệt hại tôm ở giai đoạn từ 25-40 ngày tuổi, 12,5ha/7 hộ bị thiệt hại giai đoạn tôm từ 40-60 ngày tuổi, trung bình các hộ này bị thiệt hại từ 10 - 20 triệu đồng/1.000m2.

Diện tích thiệt hại nhiều nhất ở khu vực tổ 5, chiếm 50% và chiếm 52% so với diện tích thiệt hại của vùng, chủ yếu là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Lợi nhuận thu được từ mô hình đạt thấp nhất 10 triệu đồng/1.000m2, cao nhất 100 triệu đồng/1.000m2.

Điển hình như mô hình nuôi hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh của hộ ông Hồ Tấn Đạt ở ấp 9, xã An Đức với diện tích nuôi 1,2ha, mật độ nuôi 60con/m2, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, tổng sản lượng 8.900 kg, chi phí sản xuất 620 triệu đồng, doanh thu 920 triệu đồng, lãi 300 triệu đồng.

Ông Đạt cho biết: Do ao nuôi nhiều năm nên chú ý đến việc loại bỏ hết chất hữu cơ trong vụ trước một cách triệt để. Chọn giống có chất lượng, mật độ thả chỉ 60 con/m2. Đặc biệt lưu ý, giống vận chuyển về bằng xe lạnh không nên cắt lạnh sớm mà nên vận chuyển về gần đến ao nuôi mới chuyển tôm xuống ao 5-10 phút rồi mới thả, không để lâu vì hết lạnh tôm sẽ cắn nhau dẫn đến hao hụt nhiều.

Quản lý thức ăn, môi trường nghiêm ngặt, đúng qui trình. Thả tôm đến ngày thứ 20 chài lên kiểm tra đường ruột trước mỗi cử ăn 30 phút, kết hợp kiểm tra sàn để điều chỉnh thức ăn. Hàng ngày kiểm tra độ pH 2 lần vào sáng và chiều để điều chỉnh kịp thời, độ kiềm kiểm tra 7 ngày/lần, giữ mực nước trong ao tối thiểu 1,5m.

Sau 2 tháng rưỡi nuôi, tỷ lệ tôm sống 89%, cỡ tôm thu hoạch bình quân 16g/con. Trong quá trình nuôi, không sử dụng kháng sinh nhằm tạo sản phẩm sạch theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ sử dụng hóa chất khi cần thiết và diệt khuẩn định kỳ trong suốt quá trình nuôi.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổ chức nhân rộng mô hình trong huyện Ba Tri và Thạnh Phú.


Có thể bạn quan tâm

quang-dien-thua-thien-hue-thu-hoach-hon-482-tan-thuy-san-nuoc-lo Quảng Điền (Thừa Thiên Huế)… chieu-thuc-moi-ban-thuoc-thu-y-thuy-san-dom Chiêu Thức Mới Bán Thuốc…