Tin nông nghiệp Nhân rộng sản xuất giống sá sùng

Nhân rộng sản xuất giống sá sùng

Tác giả Diệu Châu, ngày đăng 04/12/2021

Nhờ công nghệ sản xuất giống sá sùng nhân tạo đã được chuyển giao tại nhiều địa phương mà hiện nay, người dân có thể chủ động con giống, từ đó ổn định sản xuất và nâng cao hiệu quả.

Cán bộ kỹ thuật Viện Nghiên cứu NTTS III (đóng trên địa bàn tỉnh Phú Yên) đang kiểm tra sá sùng giống. Ảnh: Anh Ngọc

Nguồn lợi tự nhiên giảm

Sá sùng có tên khoa học là Sipunculus nudus. Trong dân gian, sá sùng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: địa sâm, cạp đất, bi bi… Sá sùng thuộc ngành giun đốt, có hình dạng như một con giun lớn. Lớp da sá sùng thay đổi theo màu sắc tùy theo môi trường sinh sống. Sá sùng tươi có độ dài khoảng 5 – 10 cm, cá biệt có con dài tới 15 – 20 cm. Trong tự nhiên, sá sùng chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống. Ngoài việc là nguyên liệu để chế biến các món ăn ngon, trở thành đặc sản, sá sùng còn được sử dụng trong đông y như một vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực.

Ở nước ta, sá sùng được khai thác tại vùng biển Đông Bắc và một vài nơi thuộc vùng biển phía Nam. Mùa khai thác thích hợp từ tháng 3 đến tháng 7, ngư dân thường đào sá sùng khi nước biển xuống, đem về chế biến bằng cách phơi khô. Kỹ thuật chế biến cũng khá phức tạp, nếu không sẽ có rất nhiều cát. Ở Việt Nam, Quảng Ninh là một trong những địa danh có nhiều sá sùng nhất hiện nay, đặc biệt là huyện Vân Đồn, tập trung nhiều nhất tại 3 xã đảo là Đông Xá, Hạ Long và Quan Lạn. Do giá trị kinh tế của sá sùng cao, việc khai thác lại khá đơn giản, nên ngày càng có nhiều người chọn việc khai thác sá sùng làm kế sinh nhai. Riêng ở xã đảo Quan Lạn, địa điểm được coi là tập trung nhiều sá sùng nhất, hầu như hộ gia đình nào cũng có người theo nghề này (chủ yếu là lao động nữ). Hay như tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, người dân cũng đã chế tạo ra các dụng cụ khai thác sá sùng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính vì tình trạng khai thác ngày càng nhiều khiến loài thủy sản này trong tự nhiên dần cạn kiệt. Theo Phòng Kinh tế Sông Cầu, từ khoảng năm 2003, trên địa bàn thị xã có hơn 1.000 người chuyên làm nghề khai thác sá sùng, trung bình mỗi người khai thác khoảng 5 kg sá sùng tươi/ngày. Song hiện nay, nguồn lợi sá sùng ngoài tự nhiên còn rất ít, trung bình mỗi người khai thác 1 – 2 kg sá sùng tươi/ngày.

Mở rộng diện tích

Những năm qua, ở các vùng ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa… đang có xu hướng mở rộng nuôi sá sùng này vì nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Trước thực tế đó, từ lâu con giống sá sùng nhân tạo đã được nhiều đơn vị nghiên cứu và cho sinh sản thành công. Điển hình như Viện Nghiên cứu NTTS III, sau khi được chuyển giao kỹ thuật, một số người dân tại nhiều địa phương đã áp dụng và cho hiệu quả khả quan. Sau đó, từ tháng 7/2015 – 12/2017, tại Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản (Bắc Ninh) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống sá sùng tại Quảng Ninh”, bước đầu đã giúp phục hồi được nguồn lợi thủy sản quý, mở ra nghề nuôi trồng mới, có giá trị kinh tế cao.

Còn mới đây, nhằm nhân rộng đối tượng sá sùng, Viện Nghiên cứu NTTS III đã thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng theo hướng bền vững tại tỉnh Phú Yên”. Dự án được triển khai từ tháng 4/2021, qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu chuyển giao công nghệ sản xuất giống sá sùng cho địa phương để chủ động về con giống và phát triển nghề nuôi sá sùng tại Phú Yên. Giai đoạn hai là nuôi thương phẩm sá sùng kết hợp với TTCT giúp tái sử dụng chất thải từ các hệ thống nuôi. Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng Kinh tế thị xã Đông Hòa cho biết, địa phương đang phối hợp với tổ chức chủ trì dự án và cơ quan chuyển giao công nghệ để chọn vị trí, ao nuôi, khu vực nuôi phù hợp với yêu cầu. Sá sùng là đối tượng nuôi mới, thời gian nuôi thương phẩm từ 6 – 8 tháng; để tránh ảnh hưởng bởi mưa bão, nên chọn bắt đầu vụ nuôi từ tháng 12 năm trước đến khoảng tháng 7 – 8 năm sau. Địa phương mong muốn, trong quá trình nuôi, Viện Nghiên cứu NTTS III sẽ chuyển giao toàn bộ kỹ thuật nuôi sá sùng thương phẩm để người nuôi nắm bắt và ứng dụng hiệu quả. Nếu chuyển giao thành công sẽ có nhiều người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch nhân rộng nuôi thương phẩm đối tượng nuôi mới này.

TS Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu NTTS III cho biết, nuôi thương phẩm sá sùng sẽ mang lại cho người nuôi 3 lợi ích, thứ nhất là sá sùng ăn mùn bã hữu cơ đáy, làm giảm quá trình ô nhiễm từ hoạt động nuôi TTCT, giảm ô nhiễm và mầm bệnh. Thứ hai, sá sùng đã chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang dạng năng lượng cao và hữu ích (protein của thịt sá sùng). Thứ ba, sá sùng sẽ cung cấp thêm sản lượng phụ làm tăng thu nhập cho toàn bộ hệ thống nuôi, nâng cao thu nhập của người nuôi.

Dự kiến từ năm 2021 – 2022, dự án sẽ sản xuất 3 đợt giống sá sùng với tổng sản lượng giống là 600.000 con. Đến nay đã sản xuất thành công 2 đợt, với số lượng sá sùng bố mẹ là 1.000 kg và tạo ra khoảng 420.000 sá sùng giống đạt cỡ từ 1,5 – 2 cm, sá sùng giống khỏe mạnh đạt chất lượng để nuôi thương phẩm.


Có thể bạn quan tâm

loi-ich-mang-lai-tu-canh-tac-ca-phe-canh-quan Lợi ích mang lại từ… giong-keo-nuoi-cay-mo-gop-phan-phat-trien-rung-trong-ben-vung Giống keo nuôi cấy mô…