Mô hình kinh tế Nhân Rộng Vùng Sản Xuất Bưởi Đỏ, Bưởi Da Xanh

Nhân Rộng Vùng Sản Xuất Bưởi Đỏ, Bưởi Da Xanh

Ngày đăng 17/02/2014

Hội đồng bình tuyển công nhận cây đầu dòng giống bưởi đỏ, bưởi da xanh thực hiện thí nghiệm khoa học kiểm tra khả năng sạch bệnh greening của cây bưởi được đề nghị là cây đầu dòng, đây là tiêu chí quan trọng nhất để nhân rộng cây có múi.

Vài năm gần đây, cây bưởi đỏ, bưởi da xanh phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Đây là hai giống bưởi có nhiều lợi thế cạnh tranh, được huyện Tân Lạc xác định trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Để thực hiện được điều này, yếu tố quan trọng hàng đầu là đảm bảo chất lượng giống bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện.

Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2013, trên địa bàn huyện Tân Lạc có khoảng 110 ha bưởi, kế hoạch đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên khoảng 230 ha. Theo kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện Tân Lạc giai đoạn 2013 - 2020, đến năm 2015, toàn huyện sẽ trồng khoảng 200 ha bưởi đỏ và bưởi da xanh, trong đó, 150 ha bưởi đỏ, 50 ha bưởi da xanh. Đến năm 2020, phấn đấu giữ ổn định 500 ha gồm 400 ha bưởi đỏ và 100 ha bưởi da xanh.

Những năm gần đây, cây bưởi, trong đó chủ lực là bưởi đỏ và bưởi da xanh bắt đầu phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tân Lạc, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm cho nhiều hộ nông dân.

Đây là hai giống bưởi có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu các loại sâu bệnh cao, đồng thời cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt, có ưu điểm thời vụ thu hoạch quả vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian thu quả kéo dài nên cho hiệu quả kinh tế khá nổi bật.

Cụ thể, cây bưởi đỏ thường được trồng trung bình 300 - 350 cây/ha. Sau thời gian kiến thiết cơ bản (thường là 3 - 4 năm), bước vào thời kỳ kinh doanh, trung bình mỗi cây có thể cho thu 100 - 150 quả thương phẩm. Với giá thị trường hiện nay, giá trị sản phẩm đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Với cây bưởi da xanh, mật độ trồng trung bình 250 - 300 cây/ha, trung bình mỗi cây cho thu hoạch 50 - 80 quả, cho thu nhập khoảng trên 400 triệu đồng/ha/năm. Với giá trị kinh tế nổi bật, bưởi đỏ, bưởi da xanh được xác định là loại cây ăn quả đặc sản vừa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, vừa đảm bảo môi trường nông thôn và tăng thu nhập cho người nông dân.

Huyện ủy Tân Lạc đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 10/7/ 2013 về phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2013-2020. Theo đó, xác định đưa cây bưởi trở thành một trong những cây trồng chính mang tính chất là sản phẩm hàng hóa của huyện, góp phần quan trọng tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Sau gần 30 năm loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện đời sống cho gia đình, ông Trần Văn Hùng (xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối) giờ đây đã hoàn toàn yên tâm làm giàu với cây bưởi. Khu vườn gần 5.000 m2 của gia đình ông hiện đang trồng hai giống bưởi đỏ và bưởi da xanh.

Đây cũng là hai giống bưởi được Trung tâm Giống cây trồng tỉnh lựa chọn để thực hiện đề tài khoa học “Bình tuyển công nhận cây đầu dòng giống bưởi đặc sản (bưởi đỏ, bưởi da xanh) tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, nhân giống để mở rộng sản xuất”.

Chương trình nhằm bình tuyển, đề nghị công nhận cây đầu dòng giống bưởi đỏ, bưởi da xanh và tổ chức nhân giống phục vụ cho sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng bưởi tại huyện Tân Lạc nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Về nguồn gốc hai giống bưởi trồng tại gia đình ông Trần Văn Hùng, cây bưởi đỏ được chiết từ vườn bưởi đỏ tại xã Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội), trồng năm 2004; cây bưởi da xanh được lấy giống tại tỉnh Bình Dương, trồng năm 2006. Có tổng số 140 cây bưởi được trồng và theo dõi, đánh giá trong phạm vi thực hiện đề tài khoa học trên, gồm 110 cây bưởi đỏ và 30 cây bưởi da xanh.

Qua quá trình theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, mức độ nhiễm sâu bệnh, năng suất, chất lượng của vườn bưởi, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã lựa chọn được 7 cây bưởi đỏ, 5 cây bưởi da xanh có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt nhất, đồng thời cho năng suất, chất lượng ổn định hơn các cây khác trong vườn, đề nghị Hội đồng bình tuyển công nhận cây đầu dòng giống bưởi đỏ, bưởi da xanh.

Sau khi xem xét, đánh giá, Hội đồng đã thống nhất lựa chọn 3 cây bưởi đỏ mang ký hiệu BĐ4, BĐ5, BĐ6 là cây đầu dòng giống bưởi đỏ, lựa chọn 3 cây bưởi da xanh mang ký hiệu BDX2, BDX3, BDX5 là cây đầu dòng giống bưởi da xanh.

Sau khi được Sở NN&PTNT công nhận là cây đầu dòng, đây sẽ là nguồn giống chất lượng cao phục vụ cho bảo tồn và nhân giống cung cấp cho sản xuất, góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng giống để phát triển mạnh cây bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện Tân Lạc nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Trên thực tế từ trước đến nay, khâu sản xuất và cung ứng giống bưởi trên địa bàn huyện Tân Lạc chưa được kiểm soát, sản xuất và phân phối giống hoàn toàn do các hộ có bưởi trồng từ những năm trước tự nhân giống rồi bán cho các hộ dân trồng sau, hầu hết nhân giống theo phương pháp chiết cành nên chất lượng giống không đảm bảo, một số hộ mua giống từ các địa phương khác nhưng cũng chưa qua kiểm tra chất lượng.

Nhìn nhận rõ những bất cập trong sản xuất và cung ứng giống, UBND huyện khi xây dựng đề án “Phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh huyện Tân Lạc giai đoạn 2013 - 2020” đã xác định một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là giải pháp về giống.

Theo đó, xác định cần đảm bảo tiêu chuẩn giống tốt từ việc lựa chọn cây đầu dòng, ưu tiên nhân giống bằng phương pháp ghép để đảm bảo cả số lượng lẫn chất lượng giống. Làm được điều này, huyện Tân Lạc sẽ phát triển mạnh sản xuất cây bưởi đỏ và bưởi da xanh, tạo động lực cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

ty-phu-nho-nuoi-ca-dieu-hong Tỷ Phú Nhờ Nuôi Cá… xoai-dong-thap-rot-gia Xoài Đồng Tháp Rớt Giá