Mô hình kinh tế Nhiều Biện Pháp Thâm Canh Lúa Được Áp Dụng

Nhiều Biện Pháp Thâm Canh Lúa Được Áp Dụng

Ngày đăng 17/07/2012

Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón NPK Việt Nhật và được hỗ trợ 100% giá phân bón. NPK Việt Nhật được dùng cho từng thời kỳ, gồm 2 loại là NPK 16:12:8 dùng cho bón lót, bón thúc và NPK 16:8:14 dùng cho bón đón đòng. Qua theo dõi cho thấy sử dụng phân bón NPK Việt Nhật lúa đẻ nhánh khoẻ, số nhánh hữu hiệu cao, lá màu xanh sáng, cây cứng, ít sâu bệnh. Sử dụng phân bón NPK Việt Nhật cho năng suất lúa khá cao, đạt khoảng 300kg/sào, cao gấp 1,4 lần so với sử dụng phân đơn; trong khi số lần sử dụng thuốc BVTV giảm hẳn.

Nếu như trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vụ xuân vừa qua mà năng suất vẫn đạt 67-78tạ/ha bằng biện pháp sử dụng phân NPK Việt Nhật thì đã tăng thêm về hiệu quả kinh tế so với sử dụng phân đơn khoảng 8,1 triệu đồng/ha (sử dụng phân đơn đạt 55-63 tạ/ha). Còn tại huyện Việt Yên, Trạm khuyến nông đã đưa vào thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh Cao Nguyên trên cây lúa. Loại phân này có tác dụng cố định đạm, phân giải phốt pho, kali, các hợp chất hữu cơ, tăng các nguyên tố vi lượng và tăng độ phì cho đất; năng suất lúa đều đạt 57-60 tạ/ha.

Không chỉ sử dụng các loại phân bón mà các biện pháp kỹ thuật trong canh tác cũng đã được nông dân áp dụng rộng rãi như biện pháp kỹ thuật canh tác cải tiến SRI, 3 giảm 3 tăng. Đây được xem là những biện pháp hữu hiệu giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế và giảm các chi phí đầu vào. Ngoài ra còn thực hiện một số đề tài khoa học được áp dụng trên cây lúa như sử dụng các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh sinh học. Các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc sinh học như ViBT, Delfin, Sat, Ditacin..., có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn cho người sử dụng lúa gạo.

Khác với các huyện khác, vụ xuân 2008 huyện Lục Nam được Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm tỉnh hỗ trợ cho nông dân 5 chiếc máy sạ lúa, mô hình này được thực hiện tại thôn Tân Tiến, xã Đông Phú. Nông dân Lương Sỹ Trung tâm sự: Cả đời làm nông nghiệp nhưng bây giờ tôi mới thấy vợ con, gia đình đỡ vất vả hẳn lên. Nếu như trước đây, mỗi sào ruộng cấy vợ tôi phải mất cả ngày, giờ chỉ hết có 15 phút nhờ chiếc máy gieo sạ lúa, công việc này bây giờ lại chủ yếu do đàn ông làm.

Phương pháp gieo sạ lúa lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn huyện Lục Nam nhưng được đánh giá rất thành công bởi có nhiều ưu điểm nổi bật: Rút ngắn được thời gian sinh trưởng khoảng một tuần, lượng giống giảm 40% so với biện pháp cấy truyền thống, giảm được sâu bệnh, cho năng suất cao nhờ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến được áp dụng như SRI, 3 giảm 3 tăng; đặc biệt là giảm hẳn ngày công lao động.

Một phép tính đơn giản cho thấy, nếu một nông dân đi cấy thuê giá hiện nay 70 ngàn đồng/sào/ngày, thì chiếc máy này sạ thuê trong thời gian 8 tiếng được 2,2 triệu đồng. Chắc chắn vụ mùa năm 2008, nông dân xã Đông Phú hầu hết sẽ áp dụng biện pháp gieo sạ lúa bằng máy kéo tay. Từ những ưu điểm bằng biện pháp gieo sạ, UBND huyện Lục Nam đã trích ngân sách huyện hỗ trợ 500 ngàn đồng/chiếc để triển khai mô hình này tới các xã, dự kiến hỗ trợ khoảng 50 chiếc máy gieo sạ lúa. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình này với quy mô lớn.

Từ những thành tựu về khoa học công nghệ đã góp phần đưa năng suất lúa Bắc Giang ngày một tăng, nếu như năm 1998 năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 34 tạ/ha thì năm 2007 đã đạt 50 tạ/ha, gấp gần 1,5 lần. Diện tích lúa thâm canh cao năm 2007 đã đạt hơn 28.000 ha bằng 85% mục tiêu đến năm 2010 (35.000 ha). Ngành nông nghiệp Bắc Giang luôn tìm các giải pháp đồng bộ trong sản xuất thâm canh lúa, đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu của xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa.


Có thể bạn quan tâm

muon-hue-do-ra-dung-tet Muốn Huệ Đỏ Ra Đúng… bay-kien-hai-thanh-long Bẫy Kiến Hại Thanh Long