Mô hình kinh tế Nhiều Mô Hình Sản Xuất Ở Thanh Ba Có Hiệu Quả

Nhiều Mô Hình Sản Xuất Ở Thanh Ba Có Hiệu Quả

Ngày đăng 11/06/2014

Vừa chuyên ấm chè của nhà sao lấy, “sạch trăm phần trăm” ông  Nguyễn Văn Thái, ở xã Phương Lĩnh (huyện Thanh Ba) vừa hồ hởi khoe: Trước đây, gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào lúa và chè, kinh tế chỉ đủ ăn, chưa dám mơ việc làm giàu.

Tôi cũng đã nghĩ đến làm thêm một số việc khác nhưng phần thì không có vốn, phần không có kỹ thuật nên rất khó khăn. Vừa qua, được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn mô hình làm nấm, mộc nhĩ, bước đầu tôi thấy khá hiệu quả. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đấy, gia đình cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Trong những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Ba đã thực hiện hàng trăm mô hình từ lúa, ngô, làm nấm, mộc nhĩ; chăm sóc, chế biến chè; chăn nuôi gà, lợn; thủy sản... giúp người dân trong huyện có những hướng đi mới trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, Trạm Khuyến nông đã triển khai 12 mô hình sản xuất, trong đó có 5 mô hình trồng lúa giống mới, chất lượng cao; 5 mô hình trồng ngô lai mật độ dày; 1 mô hình chăn nuôi và 1 mô hình trồng nấm. Các mô hình đều được bà con nông dân đánh giá cao.

Đơn cử như mô hình trồng ngô lai mật độ dày ở xã Chí Tiên. Nếu như trước kia bà con chỉ trồng khoảng 1.600  đến 1.900 cây/sào thì ở mô hình này mật độ được nâng lên 2.200 đến 2.500 cây/sào. Với giống ngô DK 8868 và sử dụng các biện pháp thâm canh, tỷ lệ cây 2 bắp khá cao, năng suất ước đạt khoảng trên 6 tấn/ha, cao hơn so với trồng mật độ trung bình trước kia.

Chính những kết quả thực tế đó đã tạo được niềm tin cho người nông dân, khiến họ hào hứng trong việc tham gia mô hình và tiếp tục chủ động nhân rộng về sau.

Ông Lê Xuân Dung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thanh Ba tâm sự: Làm cán bộ khuyến nông mà không giúp được bà con nông dân có cách làm ăn mới, xóa bỏ cách làm cũ lạc hậu; để bà con tin tưởng bám đồng ruộng thì “đau” lắm.

Thế nên mặc dù trạm có ít cán bộ nhưng chúng tôi thường xuyên tìm, học hỏi các mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, hướng dẫn bà con áp dụng vào thực tế để thay đổi dần phương thức sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, hoặc nguồn vốn có hạn.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình, Trạm Khuyến nông huyện còn chú trọng đến việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật gieo cấy; chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Thông qua mô hình, áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách sáng tạo, nhiều gia đình ở Thanh Ba đã thoát khỏi đói nghèo, từng bước có nguồn vốn tích trữ để đầu tư sản xuất. Đặc biệt là các mô hình về chăm sóc, thâm canh cây chè, vốn là thế mạnh của huyện đã giúp nhiều địa phương tăng năng suất; người trồng chè đã có thể vươn lên làm giàu từ cây chè.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhiều mô hình có thể mang lại hiệu quả cao nhưng chỉ có thể triển khai ở diện tích nhỏ, dẫn đến hiệu quả của việc tuyên truyền chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn. Mặt khác, một bộ phận bà con nông dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về giống mới, e dè xem người khác làm có thật sự hiệu quả hay không thì họ mới làm.

Ngoài ra việc dồn điền đổi thửa vẫn chưa thực hiện tốt khiến ruộng đồng phân tán, manh mún, việc triển khai các mô hình, nhất là mô hình cánh đồng mẫu cùng giống, cùng thời gian khó thực hiện tốt do quá nhiều hộ tham gia...

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Ba vẫn phấn đấu xây dựng thêm khoảng 10 mô hình từ nay đến cuối năm, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt với mục đích đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất thay thế các giống cũ đã thoái hóa; thay đổi tập quán canh tác cũ, lạc hậu; tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; đưa cơ giới vào đồng ruộng... nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-kinh-te-trang-trai-o-cam-khe Phát Triển Kinh Tế Trang… nhat-chuyen-giao-cong-nghe-cau-ca-ngu-dai-duong Nhật Chuyển Giao Công Nghệ…