Tin nông nghiệp Nhiều nhà nhập khẩu thế giới săn gạo Lộc Trời 1

Nhiều nhà nhập khẩu thế giới săn gạo Lộc Trời 1

Tác giả Khải Huyền, ngày đăng 05/07/2016

Ông Phạm Thanh Thọ - Phó giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay tập đoàn phải từ chối rất nhiều đơn hàng sản phẩm gạo Lộc Trời 1, dù rằng tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua không mấy nổi bật.

Nguyên nhân từ chối đơn hàng, theo ông Thọ là do doanh nghiệp này chưa có đủ sản lượng cung cấp cho đối tác. Hiện tại, diện tích sản xuất giống lúa này chỉ mới hơn 10.000ha, tập trung tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong số các doanh nghiệp săn lùng sản phẩm gạo mới này có nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài như Tập đoàn Louis Dreyfus, Công ty Abound Zoom Trading và nhiều doanh nghiệp của Hong Kong, Canada, Trung Đông, Philippines...

Theo ông Thọ, loại gạo này được lùng mua nhờ từng được lọt vào Top 3 gạo ngon thế giới trong một cuộc thi hồi năm 2015, tổ chức tại Malaysia. Cụ thể, trong năm 2015, trong khuôn khổ Hội nghị lúa gạo thế giới tại Kuala Lumpur (Malaysia), The Rice Trader tổ chức cuộc thi Gạo ngon cho tất cả các nước cùng tham gia.

Thời điểm này, Tập đoàn Lộc Trời đã chủ động mang hai giống gạo thơm do đơn vị ông nghiên cứu ra là giống AGPPS 140 và AGPPS 103 đến “tranh tài” cùng với các nước khác như Mỹ, Thái Lan, Campuchia…

Tại vòng chung kết, có 3 giống được chọn vào vòng chung kết xếp hạng gạo ngon nhất thế giới, gồm giống gạo thơm California của Mỹ, giống gạo thơm Jasmine Rice của Campuchia, và giống AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời.

Kết quả cuộc thi, gạo thơm California của Mỹ đoạt giải nhất, đứng nhì là gạo Jasmine của Campuchia. Giống gạo AGPPS 103 được cấp chứng nhận lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới.

PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành cho biết, giống lúa này được trung tâm bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004. Trải qua gần 10 năm lai tạo, trung tâm mới tạo được loại giống lúa với các tiêu chuẩn như mong muốn, trước khi được Bộ NNPTNT cho sản xuất thử trên đồng ruộng.

Hiện nay, giống lúa này đã chính thức được Bộ NNPTNT công nhận là giống quốc gia và cho phép mở rộng sản xuất. Giống lúa AGPPS 103 cũng đã được đổi tên thành giống Lộc Trời 1, còn giống AGPPS 140 được đổi tên thành Lộc Trời 3.

Theo ông Chín, giống này trồng ở vùng nhiễm mặn sẽ cho hạt gạo bóng đẹp hơn, cơm ngon hơn khi trồng ở vùng nước ngọt hoàn toàn. Do đó, doanh nghiệp này có dự kiến sẽ mở rộng diện tích ở các vùng ven biển nhằm tăng chất lượng gạo, giúp nông dân ổn định sản xuất và thu nhập.

Tuy vậy, trả lời Dân Việt, ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, dè dặt cho rằng đây là giống lúa mới, chưa đưa vào sản xuất đại trà được. Hiện tại, doanh nghiệp này đang trong quá trình gầy dựng, sản xuất giống để nhân rộng sản xuất trong vụ đông xuân tới.

Cũng theo ông Thòn, để đưa một giống lúa mới vào sản xuất lớn không đơn giản và cần nhiều thời gian, do nông dân đã và đang quen với những giống lúa hiện có. Hơn nữa, việc sản xuất giống số lượng lớn hiện cũng chưa đáp ứng được nếu thị trường có nhu cầu lớn.


Có thể bạn quan tâm

cach-xu-ly-rom-ra-sau-thu-hoach-lua-xuan Cách xử lý rơm rạ… 1-1-ti-nguoi-ngheo-tren-trai-dat-se-duoc-cuu-roi-bang-phat-minh-cuc-ky-y-nghia-nay 1,1 tỉ người nghèo trên…