Mô hình kinh tế Nhộn nhịp mùa tiêu

Nhộn nhịp mùa tiêu

Ngày đăng 19/05/2015

“Đỏ mắt” tìm công thu hoạch…

Trong cái nắng gay gắt của những ngày đầu Hạ, chúng tôi về xã Hoài Thanh, tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1945) ở thôn Trường An 2 để được “mục sở thị” vườn tiêu “trị giá bạc tỉ” của ông sau gần 20 năm đầu tư không biết bao nhiêu công sức, tiền của mới có được thành quả như hôm nay. Mặc dù, hiện nay đang trong mùa thu hoạch, nhưng tận mắt nhìn thấy trên 500 trụ tiêu từ 5 năm tuổi trở lên trong 6 sào đất vườn nhà ông vẫn sum suê màu xanh của lá với những cuống tiêu trĩu hạt ướm vàng báo hiệu một mùa bội thu.

Đang áp mình trên chiếc thang tre cẩn thận lựa hái những chuỗi tiêu chín đỏ trên cao, nghe tiếng chúng tôi gọi ngoài cổng, ông Lâm nhẹ nhàng xuống thang ra sân đón khách. Bên trong căn nhà cấp 4 giản dị của ông, chúng tôi nghe ngát mùi hương tiêu cùng bề bộn những nia, thúng… chứa đầy hạt tiêu vừa phơi, hái trong ngày.

Từ trong nhà nhìn ra vườn tiêu xanh đều, ngút ngát phía sau lưng đồi là mấy người cặm cụi hái tiêu, hơi vắng vẻ, tôi mạnh dạn hỏi: “Cả một vườn tiêu rộng lớn đang chín rộ như thế này mà sao chỉ có vài người và bác thu hoạch thì biết chừng nào cho xong”. Ông Lâm thở dài: “Cực lắm chú, tiếng là nhà có tới 8 người con, nhưng bây giờ chúng nó đã có gia thất, còn 2 thằng út mê nghề cơ khí hơn làm anh nông dân nên giờ nhà chỉ có hai vợ chồng già. Mấy năm trước, khi người trồng tiêu ở đây còn ít, tới đợt thu hoạch thì thuê 5 - 10 công đến giúp hơn tuần là xong.

Nay số lượng vườn tiêu trong xã tăng gấp 3 - 4 lần, vì vậy tới mùa, ai cũng lo cho mình nên việc thuê mướn công trong thời điểm này quả là rất khó khăn”. Qua ông Lâm, chúng tôi được biết trước đây giá thuê công từ 100 - 120 ngàn đồng/người/ngày, nay lên 150 ngàn, thậm chí 180 ngàn nhưng vẫn khó có người làm.

Nhọc nhằn nhưng vui

Như đã hợp đồng từ trước, đến gần mùa tiêu chín vợ chồng anh Trần Văn Chúc (45 tuổi) ở thôn Trường An 1 tất bật lo thu hoạch lúa Đông Xuân và nhanh chóng làm đất xuống giống vụ Hè để có thời gian thu hoạch tiêu cho bà con trong xã. Đã nhiều năm gắn bó với công việc này, anh Chúc cho biết: “Tiêu bắt đầu chín bói từ giữa tháng 4, khi đó lượng trái chín ít nên chủ vườn tự hái dặm đến khoảng đầu tháng 5 tiêu bắt đầu chín rộ, chủ vườn mới gọi công thu hoạch. Trong suốt thời gian thu hoạch không được chuyển sang làm công việc khác, trừ ốm đau đột xuất, nên vợ chồng tôi và một số công phụ phải tập trung làm hết vườn này mới được nhận làm cho những vườn khác”.

Với công thu hoạch tiêu, người giỏi ngày hái từ 25 - 30 kg tiêu tươi, tương đương với 10 kg tiêu khô/4 nắng. Còn công phụ chỉ thu hoạch tiêu từ tầm với tay trở xuống và thu nhặt tiêu rụng. Ngoài hỗ trợ ăn nửa buổi, công chính được tính 150 ngàn, công phụ 100 - 120 ngàn đồng/người/ngày, nếu làm theo yêu cầu từ sáng sớm đến chiều tối thì được cộng thêm từ 30 - 50.000 đồng/công. Vậy nhưng, để tìm ra được một công cần mẫn, chịu khó với công việc không phải dễ, bởi theo ông Lâm, người hái tiêu không chỉ hái nhanh, tránh rơi vãi mà phải biết chọn hái những chuỗi tiêu đã mọng vàng và chín đỏ, nếu hái tiêu chưa tới độ chín, thì sau khi phơi hạt tiêu sẽ teo lại nhăn nheo ảnh hưởng đến chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi) ở An Lộc 2 đang làm cho vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Ngọc cùng địa phương, chia sẻ: “Nghề hái tiêu cũng nhọc và nguy hiểm, nhất là khi hái trên ngọn, nếu không khéo giữ độ thăng bằng trên chiếc thang thì bị té ngã, thứ nữa là nếu không “chinh chiến” một vài năm với nghề thì không thể chịu nỗi sự oi nồng của cả một vườn tiêu bốc lên dưới trời nắng nóng. Dù vậy nhưng tới tháng cũng kiếm trên 4 triệu đồng. Ở quê mà có thu nhập cao như vậy là mừng lắm rồi”.

Mặc dù đang trong thời điểm “đỏ mắt” đi tìm công, nhưng năm nay nhiều chủ vườn tiêu ở xã Hoài Thanh điển hình như hộ các ông Nguyễn Thanh Chín (Mỹ An 1), Hà Văn Chức (An Lộc 2), Nguyễn Văn Hoàng (Trường An 2)… hầu như ai cũng rất phấn khởi bởi tiêu được mùa và giá cũng khá hơn. “Cuối năm 2014, tiêu bung chuỗi gặp thời tiết thuận lợi “mưa nắng hài hòa” không phát sinh dịch bệnh giúp tiêu cho hạt kín chuỗi, ước tính năng suất đạt trên 1.000kg. Hiện tại tư thương về tận vườn thu gom từ 180 - 190 ngàn đồng/kg loại 1. Vụ này, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi cầm chắc trên dưới 150 triệu đồng”, ông Lâm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Thanh: “Qua theo dõi, mấy năm gần đây giá tiêu liên tục tăng giúp cho nhiều bà con trồng tiêu địa phương có thu nhập hàng năm từ 50 - 70 chục triệu đồng/vụ, qua đó cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương có thêm nguồn thu nhập cao trong lúc nông nhàn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng tiêu quá ồ ạt và cũng không nên trồng diện tích quá lớn trong một hộ gia đình, để tránh những rủi ro sau này”.


Có thể bạn quan tâm

son-tan-mat-mua-dieu Sơn Tân mất mùa điều nong-dan-da-lat-song-khoe-nho-ca-tim-thai-lan Nông dân Đà Lạt sống…