Thống kê chăn nuôi Nhu cầu gạo châu Á dùng làm thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Nhu cầu gạo châu Á dùng làm thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Tác giả Thu Hải, ngày đăng 21/03/2022

Nhu cầu gạo chất lượng thấp sử dụng làm thức ăn chăn nuôi đang tăng nhanh do giá ngô và lúa mì tăng cao. 

Giá lúa mì và ngô tăng cao đang tác động lây lan sang thị trường gạo Châu Á bằng cách làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu gạo cấp thấp dùng làm thức ăn chăn nuôi, đẩy giá mặt hàng chủ lực quan trọng nhất thế giới tăng lên vào thời điểm lạm phát lương thực toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục.

Các nhà nhập khẩu nông sản toàn cầu đang tranh giành nguồn cung sau khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt ở Ukraine làm cắt đứt hoạt động cung cấp ngũ cốc từ hai quốc gia Đông Âu - vốn chiếm khoảng 25% lượng lúa mì và 16% lượng ngô xuất khẩu của thế giới.

Giá lúa mì Mỹ hợp đồng kỳ hạn tương lai giao dịch trên sàn Chicago tuần trước đạt mức cao kỷ lục, trong khi giá ngô cũng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ sau khi chiến tranh buộc Ukraine phải đóng cửa các cảng biển và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga ảnh hưởng đến xuất khẩu của quốc gia này.

Giá lúa mì và ngô tăng đột biến đã thúc đẩy người mua tìm kiếm các lựa chọn thay thế, kể cả ở Trung Quốc, thị trường thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới. Các nhà nhập khẩu đang đàm phán để mua thêm khối lượng gạo tấm - loại gạo thấp cấp, hạt bị gãy vỡ trong quá trình xay xát - để vỗ béo lợn và các động vật khác.

Gạo thường được giao dịch ở mức giá cao so với lúa mì, nhưng việc lúa mì tăng giá 50% so với tháng trước đã khiến khoảng cách giữa 2 loại ngũ cốc này bị thu hẹp đáng kể, thậm chí còn khiến lúa mì đắt hơn một số loại gạo thấp cấp.

Giá tham chiếu đối với hợp đồng gạo loại dùng làm lương thực của Thái Lan Gạo tuần qua tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm 2020, thêm khoảng 5% lên khoảng 421,50 USD/tấn, do nhu cầu gạo cả dùng làm lương thực và thức ăn chăn nuôi đều tăng cao.

Đó là mức giá cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái, và các nguồn tin cho biết giá có thể tiếp tục tăng thêm nữa nếu sự gián đoạn dòng chảy ở Biển Đen vẫn tiếp diễn.

Giá xuất khẩu từ gạo Việt Nam và Ấn Độ cũng tăng. Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan là 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Nhà kinh tế chuyên nghiên cứu về gạo của FAO, Shirley Mustafa, cho biết: “Có thể có sự quan tâm đối với gạo tấm làm thức ăn chăn nuôi sẽ còn cao hơn nữa nếu sức mạnh hiện đang thống trị thị trường lúa mì và ngô vẫn còn tồn tại”. "Đó không chỉ là gạo để làm thức ăn chăn nuôi, mà còn có thể có sự thay thế trong các lĩnh vực sử dụng khác, chẳng hạn như nhiều người chuyển sang dùng gạo trong mỗi bữa ăn hàng ngày."

Ảnh hưởng từ nguồn cung ngô

Trung Quốc đã đặt mua tới hai triệu tấn ngô nhập khẩu của Ukraine trong năm nay, nhưng hầu hết các chuyến hàng đó hiện đang gặp rủi ro bởi sự gián đoạn chuỗi hậu cần của Ukraine.

Để thay thế khối lượng bị mất đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo tấm, tăng từ khoảng 2 triệu tấn mỗi năm trong hai năm qua, một nhà kinh doanh gạo có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.

Một nhà nhập khẩu ở Quảng Đông đang tìm cách mua gạo tấm từ Thái Lan, trong khi những nhà nhập khẩu khác gần đây đã mua gạo tấm của Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi, theo một nguồn tin khác cho biết.

"Nhu cầu đối với gạo tấm của Ấn Độ đang tăng nhanh do giá ngô tăng cao. Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đang cố gắng thay thế ngô bằng gạo", B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ, cho biết, và thêm rằng giá gạo 100% tấm của Ấn Độ đã tăng lên 320 USD/tấn trong tháng này từ mức 290 USD trong tháng 2.

Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Thái Lan cũng đang xem xét sử dụng nhiều gạo tấm hơn để thay thế ngô, đẩy giá nội địa trên cả nước lên, các thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết.

Theo một thương nhân ở Bangkok: “Nhu cầu đối với gạo chất lượng thấp hơn từ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Thái Lan đang gia tăng mạnh mẽ. Trên thực tế, phần lớn gạo tấm của Thái Lan có khả năng được tiêu thụ ở thị trường nội địa."

Nguy cơ mất an ninh lương thực

Giá gạo toàn cầu có thể tăng hơn nữa trong quý II nếu những người tiêu dùng lúa mì ở Ấn Độ - nước sử dụng gạo lớn thứ hai sau Trung Quốc - chuyển sang gạo do giá lúa mì nội địa cao kỷ lục, điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm khối lượng gạo dự trữ, Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ gạo toàn cầu năm nay sẽ đạt kỷ lục cao, 190 triệu tấn, với điều kiện sản lượng gạo thế giới vuowtj 5 triệu tấn so với tiêu thụ trong năm 2022. Do đó, nếu nhu cầu gạo trên thế giới đột ngột tăng nhanh chóng thì lượng dự trữ sẽ bắt đầu giảm, đẩy giá gạo tăng lên, làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực ở một số quốc gia nghèo nhất ở châu Phi và châu Á, nơi hàng triệu người sống dựa vào nguồn lương thực sẵn có với giá rẻ.

Một nhà kinh doanh ngũ cốc có trụ sở tại Singapore cho biết: “Hiện tại, gạo tấm chủ yếu dành cho lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, nhưng khi chiến tranh kéo dài và người mua không có đủ lúa mì, thì vấn đề an ninh lương thực sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực”. "Người mua sẽ làm bất cứ điều gì họ có thể để thay thế lúa mì đắt tiền, bằng gạo hoặc các lựa chọn thay thế khác." 


Có thể bạn quan tâm

du-bao-xuat-khau-thit-lon-cua-my-quy-i-quy-ii-2022-se-giam-do-nhu-cau-giam Dự báo xuất khẩu thịt… thi-truong-xuat-khau-thuc-an-chan-nuoi-2-thang-dau-nam-2022 Thị trường xuất khẩu thức…