Mô hình kinh tế Nhức nhối chất lượng phân bón

Nhức nhối chất lượng phân bón

Ngày đăng 23/07/2015

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước có quá nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân bón. Mỗi doanh nghiệp đều có vài loại phân bón trở lên, dẫn đến thị trường phân bón có hàng ngàn loại, rất khó quản lý dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đã siết chặt quản lý, phát hiện ra một số vụ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng với số lượng lớn.

* Hàng ngàn loại phân bón

Thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước hiện có 30 ngàn cơ sở sản xuất - kinh doanh phân bón với 6 ngàn loại phân bón khác nhau. Quá nhiều loại phân bón lẫn cơ sở sản xuất - kinh doanh dẫn đến việc quản lý về chất lượng rất khó khăn. Quản lý chất lượng phân bón hiện nay do 3 ngành là: công thương, khoa học - công nghệ và nông nghiệp - phát triển nông thôn. Mỗi năm, lực lượng chức năng đều phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm về phân bón. Đồng Nai cũng là một trong những “điểm nóng” về chất lượng của phân bón.

Ông Đậu Trọng Bằng, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, cho biết “Từ đầu năm đến nay, thanh tra sở tiến hành một đợt thanh tra đột xuất 9 cơ sở có hoạt động kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú. Đoàn đã lấy 10 mẫu phân bón đi kiểm tra, phát hiện 3 mẫu phân vi phạm về chất lượng (phân bón giả) vì có hàm lượng dinh dưỡng nhỏ hơn 70% so với công bố trên nhãn hàng hóa. Các công ty sản xuất phân bón giả này hầu hết có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh”. Cũng theo ông Bằng, phân bón giả, kém chất lượng thường được đưa về các bán ở các vùng sâu, vùng xa cho các hộ nông dân sử dụng. Toàn tỉnh có khoảng 450 cơ sở kinh doanh phân bón, lực lượng thanh tra mỏng, mỗi năm chỉ tổ chức được 1 cuộc thanh tra và mỗi lần chỉ thanh tra được 3 - 5 cơ sở/huyện nên tình trạng vi phạm về kinh doanh phân bón vẫn xảy ra thường xuyên.

Bên cạnh đó, với việc cấp phép sản xuất - kinh doanh quá nhiều loại phân bón khiến lực lượng chức năng khó quản lý, còn nông dân như bị rơi vào “mê hồn trận” vì loại nào cũng được quảng cáo tốt, chỉ khi sử dụng rồi mới biết chất lượng thực sự. “Phân bón có rất nhiều loại và loại nào cũng được các đại lý bán nói rất tốt cho cây trồng. Để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng, tôi thường chọn mua những loại của các doanh nghiệp có thương hiệu, tên tuổi. Tuy nhiên, khi sử dụng có hiệu quả mới bớt lo vì ngoài thị trường số phân bón giả thương hiệu không thiếu” - ông Đặng Bá Hồng, ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) cho hay.

* Thiệt hại khó lường

Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón đóng vai trò quan trọng thứ hai chỉ sau nước. Dùng phân bón tốt, đúng cách có thể đẩy cao năng suất cây trồng thêm 30 - 40%. Nhưng nếu không may dùng phải phân bón giả, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng, đôi khi còn khiến cây trồng bị chết. Tại Đồng Nai đã từng xảy ra nhiều vụ nông dân điêu đứng vì dùng phải phân bón giả.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Trảng Bom hướng dẫn nông dân cách làm phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, giảm dùng phân vô cơ.

Ông Phan Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, nhận xét: “Các loại cây trồng hiện nay đều phải có phân bón mới cho năng suất, chất lượng cao. Nhưng việc sử dụng phân bón phải đúng loại, đúng lượng, đúng cách mới đem lại hiệu quả cao. Phân bón giả, kém chất lượng nếu không may dùng phải sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất cây trồng, chất lượng đất”. Ông Hồng cũng cho biết thêm, để hạn chế dùng phải các loại phân bón giả, kém chất lượng, trung tâm đã hướng dẫn nhiều bà con nông dân trong tỉnh tận dụng các phế phẩm nông nghiệp ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng và giảm phân vô cơ. Đây cũng là xu hướng sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường đang được thế giới khuyến khích và hướng đến.

Điều bất cập nhất trong quản lý phân bón là từ lúc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho đến lúc phát hiện phân bón giả, kém chất lượng thì số lượng phân bón trên đã được các cơ sở sản xuất - kinh doanh đưa đi tiêu thụ hết. Mức phạt chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng so với lợi nhuận mang lại từ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, chẳng thấm tháp gì, nên việc sản xuất - kinh doanh phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan. Người chịu thiệt thòi lớn nhất từ việc này là nông dân.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, năm 2014 nhu cầu sử dụng phân bón của cả nước là 11 triệu tấn và chủ yếu là phân ure, kali, NPK, DAP... Các doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu về phân bón, số còn lại là nhập khẩu. Trong đó, hơn 10% tương đương 130 - 140 ngàn tấn phải nhập khẩu từ Trung Quốc qua nhiều đường nên quản lý chất lượng rất khó khăn.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khẳng định: “Làm phân bón giả, kém chất lượng rất dễ và đây là vấn đề đang rất nhức nhối. Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tăng chế tài với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, đến năm 2016 những cơ sở nào sản xuất - kinh doanh phân bón không đạt yêu cầu sẽ đóng cửa”.


Có thể bạn quan tâm

gia-lai-tap-trung-doi-pho-voi-benh-trang-la-mia Gia Lai tập trung đối… 3-cach-lam-nong-moi-o-doanh-nghiep-phong-thuy 3 cách làm nông mới…