Mô hình kinh tế Những điểm lưu ý khi sử dụng phân bón nhằm tránh phân bón giả, phân bón kém chất lượng

Những điểm lưu ý khi sử dụng phân bón nhằm tránh phân bón giả, phân bón kém chất lượng

Ngày đăng 04/11/2015

Nhằm giúp cho người dân hạn chế tối đa việc mua và sử dụng phân bón giả, phân kém chất lượng, cơ quan chức năng đặc biệt là lực lượng Thanh tra nông nghiệp tăng cường công tác Thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân kém chất lượng.

Trong năm 2015 Thanh tra Bộ Nông nghiệp &PTNT tổ chức hội nghị phổ biến một số văn bản pháp luật mới trong lĩnh vực nông nghiệp, có thảo luận về vấn đề làm thế nào giúp cho người nông dân phân biệt được phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Dưới đây chúng tôi xin tổng hợp những đặc điểm cơ bản, những cách giúp bà con nông dân phân biệt được phân bón giả - thật.

Cách phân biệt phân bón thật-giả

I. Phân U-rê:

Có hai loại phân U-rê chính là loại hạt trong và hạt đục, cả hai loại đều có công thức hóa học và hàm lượng ni-tơ như nhau, tối thiểu là 46%.

- Phân U-rê hạt trong: là loại phổ biến nhất, phân rất dễ tan, có màu trắng trong, dạng hạt tròn. Đây là loại phân rất khó làm giả, tuy nhiên đã xuất hiện loại kém chất lượng bằng cách trộn phân SA vào phân U-rê theo một tỷ lệ nhất định do phân SA rẻ hơn phân U-rê.

Đặc điểm để nhận biết là phân U-rê thật chỉ có dạng hạt tròn, còn nếu có lẫn phân SA thì các hạt phân SA có dạng tinh thể, nhiều góc cạnh.

Hiện nay nước ta chỉ có 2 nhà máy sản xuất được U-rê hạt trong là Đạm Hà Bắc và Đạm Phú Mỹ, còn lại là U-rê nhập khẩu. Do đó, phân U-rê của các cơ sở sản xuất khác ở trong nước đều là hàng giả.

Vì vậy, bà con nông dân nên chọn mua 2 loại U-rê Hà Bắc và Phú Mỹ, hoặc U-rê trên bao bì có ghi rõ ràng nguồn gốc nhập khẩu.

- Phân U-rê hạt đục: đây là loại phân rất tốt, phân có dạng hạt to, đường kính hạt 2 - 4mm, cứng, màu trắng đục như sữa.

Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, rất khó làm giả hoặc việc làm giả không đem lại lợi ích đáng kể. Bà con nông dân có thể an tâm khi mua và sử dụng loại phân này.

Đối với các loại phân hỗn hợp NPK nói chung rất khó phân biệt được thật - giả và xác định được mức chất lượng bằng cảm quan thông thường mà phải dựa trên kết quả phân tích của các trung tâm phân tích. Kinh nghiệm chung để mua được đúng chủng loại và chất lượng các loại phân NPK là chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó.

II. Phân Ka-li clo-rua (KCl) chứa 60% K2O

Màu sắc đặc trưng: đỏ hồng, hồng nhạt, đỏ tím và màu trắng. Đây là loại phân chứa Ka-li phổ biến nhất, và cũng là loại phân bị lợi dụng làm giả, làm nhái nhiều nhất, gây tổn thất nặng nề nhất cho người nông dân do chênh lệch giá giữa hàng thật-hàng giả rất lớn, lại dễ làm giả.

Nông dân dễ bị mua phải phân Ka-li giả do trên thị trường có các loại phân NKS, KNS, NPK… được một số nhà sản xuất cố tình làm rất giống phân Clo-rua Ka-li về mặt hình thức, nhất là màu đỏ đặc trưng của Kali, nhưng thực chất chỉ có từ 10 - 30% là Ô-xit Ka-li, còn lại là phân SA, muối ăn, phẩm màu, bột sét đỏ.

Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, do đó khi mua hàng, người nông dân cần yêu cầu đại lý: Bán cho loại phân Ka-li thật, có hàm lượng K2O ≥ 60%, sau đó phải xem bao bì có đúng là hàng nhập khẩu hay không.

Các loại phân do các cơ sở trong nước sản xuất, trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60% thì đều là hàng giả, hàng nhái.

Khi mua hàng nên mang theo một chiếc cốc thủy tinh nhỏ, trắng và trong suốt cùng một ít nước sạch trong cốc. Thả một nhúm chừng 3 - 5 gam sản phẩm vào trong cốc nước có dung tích 50 - 100ml để làm thực nghiệm và quan sát kết quả như sau:

Cách thử: Cho 3 - 5 gam phân khô ráo vào cốc nước trong.

Phân Kali clorua thật:

- Cốc nước chưa có màu hồng đỏ

- Một phần chìm xuống nước, một phần vẫn nổi trên mặt cốc nước

- Sau khi khoắng mạnh, dung dịch chuyển sang màu hồng nhạt, không vẩn đục, có váng đỏ bám quanh thành cốc. Phân tan hết.

Phân Kali clorua kém chất lượng:

- Cốc nước lập tức có màu hồng đỏ

- Toàn bộ phân chìm xuống và tan rất nhanh,

- Sau khi khoắng mạnh, dung dịch có màu hồng đỏ, vẩn đục, không có váng đỏ bám quanh thành cốc. Có thể để lại cặn không tan hết.

- Phân Màu trắng, ở dạng hạt nhỏ hoặc bột, cũng là loại phân phải nhập khẩu, số lượng dùng không phổ biến, dễ bị làm giả khi trộn lẫn với bột đá vôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng. Cách phân biệt như sau:

Cách thử: Cho 7 - 10 gam phân vào cốc nước trong.

Phân Sun - phát Ka - li (SOS) thật: Tan hết trong nước, dung dịch có màu trong suốt.

Phân giả: Có thể không tan hết, để lại cặn lắng (bột đá) hoặc dung dịch vẩn đục do huyền phù của vôi hoặc sét trắng.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-tay-ninh-trong-ot-phuc-vu-thi-truong-tet Nông dân Tây Ninh trồng… nuoi-tam-bang-la-san-cho-thu-nhap-cao Nuôi tằm bằng lá sắn…