Tin nông nghiệp Những điều lưu ý khi trồng cây bòn bon

Những điều lưu ý khi trồng cây bòn bon

Tác giả Nguyệt Anh, ngày đăng 06/06/2018

Bòn bon (trái bòn bon) là một loại dâu đất thuộc họ Xoan (Meliaceae), kết chùm ở thân và ở cành. Trông bề ngoài trái bòn bon hơi giống trái dâu nhưng bòn bòn có giá trị kinh tế cao hơn vì ngoài vị ngọt chua còn có mùi thơm. Loại cây ăn trái này chỉ trồng được ở miền Nam. Nhiệt thích hợp để trồng bòn bon trung bình một năm 27 độ C và chênh lệch ít giữa các tháng, giống như điều kiện miền Nam. Đây là loại cây ưa mát, không có ánh sáng chói chang, không có gió mạnh, đặc biệt là khi ra hoa, kết quả.

Tuy không yêu cầu cao lắm về đất, nhưng tốt nhất là đất sâu, thoát nước tốt, nhiều mùn. Quan trọng là phải thoát nước tốt và nước ngầm không được quá gần mặt đất.

Cây bòn bon được coi là một trong những cây ăn trái phát dục chậm nhất (giống như măng cụt). Trồng từ hạt thì 10-15 năm mới ra hoa, kết quả.

Khoảng cách cây và hàng trồng bòn bon thích hợp nhất là 6m x 6m. Ở vùng đất phì nhiêu có thể trồng khoảng cách 7m x 7m. Nếu trồng xen với cây ăn quả khác như sầu riêng, chôm chôm thì nên để khoảng cách 10 m (chữ ngủ giữa các hàng) theo khoảng cách trồng sầu riêng, chôm chôm.

Bòn bon là loại cây ăn quả cần có bóng râm mát. Vì thế, hai ba năm đầu cần thiết phải có bóng râm cho bòn bon. Do đó người trồng cần có kế hoạch chuẩn bị bóng râm mát trước khi trồng chúng. Cây cho bóng mát phù hợp nhất là cây chuối hoặc cây vông. Trồng chuối thời gian đầu cần theo dõi đừng để chuối đẻ cây con nhiều, rậm rạp (có thể dùng thân chuối hoặc lá chuối phủ gốc giữ ẩm vào mùa nắng). Có thể trồng xen với các loại cây khác như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,… Bòn bon là loại cây không cần tỉa cành, tạo tán nhiều. Phần lớn, chỉ cần cắt các cành chết, cành sâu bệnh, cành phủ dưới gốc cây để cho cây thông thoáng.

Tưới nước: Cây bòn bon là loại cây ưa ẩm ướt, nếu hạn hán kéo dài mà không được tưới nước thường xuyên cây sẽ chết, cho nên song song với bóng râm làm mát đất, cần giữ chế độ tưới thường xuyên về mùa khô. Mặt khác cây cũng dễ chết do úng nước ở gốc, vì vậy cũng phải theo dõi để kịp thời cho thoát nước, nhất là những vụ mưa dầm kéo dài.

Bón phân cho bòn bon:

Cây bòn bon chậm lớn, ra trái muộn, việc chăm sóc và bón phân đều đặn sẽ giúp cây ra trái sớm từ 1-2 năm. Trong năm đầu tiên bón cho mỗi cây từ 300-500 gr phân NPK (16-16-8), chia đều ra làm 3 lần bón trong năm. Hàng năm nên bón phân hữu cơ (tốt nhất là phân gà, vịt, cút) cho cây từ 20-30kg/cây. Bón vòng theo tán cây. Lượng phân bón những năm sau đó tùy thuộc vào cây và độ phì nhiêu của đất. Bước đầu dùng lượng ít và tăng dần lên hàng năm. Cây ra trái sai thì cần bỏ nhiều phân.

Sâu bệnh:

Trên cây bòn bon hay gặp  loài sâu đục vỏ cây. Chúng không đục vào bên trong, chỉ nằm dưới lớp vỏ, làm cây kém phát triển, ra hoa, đậu trái ít. Đây là loài gây hại trầm trọng nhất trên cây bòn bon. Thành trùng là loài bướm nhỏ, màu xanh lục đậm, đẻ trứng vào ban đêm nơi nào có chổ vỏ cứng nứt ra. Sâu non có màu nâu hồng, cơ thể dài khoảng 10mm khi đẩy sức. Sâu non khi nở ra chúng ăn luồn dưới lớp vỏ cứng làm cho nhiều nơi bị bong ra, để lộ lớp vỏ non bên trong, tạo điều kiện cho bướm thích hợp đẻ trứng.

Sâu thường bắt đầu tấn công khi cây đến tuổi cho trái, có lớp vỏ dày bên ngoài thân đủ che chở cho chúng sống bên dưới. Nếu mật độ cao, sâu làm cây kém phát triển, chậm ra đọt non. Vào giai đoạn ra hoa, bị sâu này tấn công  sẽ làm hoa đậu ít, trái nhỏ. Ngoài ra, sâu ăn còn tạo vết thương lớp vỏ non bên trong tạo điều kiện cho các nấm bệnh, vi khuẩn xâm nhiễm vào gây hại cho cây.

Biện pháp phòng trừ:

- Dọn dẹp cỏ dại nhất là những dây leo um tùm xung quanh vườn để tạo thông thoáng.

- Biện pháp phòng trừ là dùng dao lột bỏ phần vỏ bị sâu gây hại và phun thuốc trừ sâu như: Padan 95SP, Marshal 200SC, Regent 5SC,… nên tập trung phun kỹ vào phần thân cây bị hại.

 Ngoài ra, bòn bon thường hay bị rệp sáp tấn công. Rệp gây hại bằng cách chích hút các bộ phận non của bòn bon  như đọt non, lá non, hoa và trái non. Tuy nhiên, cả những trái lớn vẫn bị rệp tấn công. Rệp thường sống tập trung với mật số cao trên các chùm trái trong suốt giai đoạn của trái. Rệp chích hút làm cho đọt non bị thui chột, hoa và trái non dễ bị rụng hoặc kém phát triển, phẩm chất trái bị giảm. Ngoài ra, mật ngọt do rệp tiết ra còn hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển bao kín các bộ phận lá, trái,… làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây, đồng thời giảm giá trị thương phẩm của trái. Rệp sáp thường gây hại nặng vào mùa nắng.

Rệp sáp là loài côn trùng đa thực, ngoài cây bòn bon chúng còn tấn công trên nhiều cây trồng khác như chôm chôm, sapo, mãng cầu,… cho nên việc phòng trừ chúng đôi khi gặp khó khăn vì nguồn thức ăn luôn có liên tục trong vườn.

Biện pháp phòng trị:

Để hạn chế tác hại của rệp sáp cần áp dụng nhiều biện pháp và phải thực hiện đồng thời trên các loại cây ký chủ của rệp trong vườn.

- Dùng máy bơm nước có áp suất  cao, tia nước mạnh xoáy vào những chỗ bị rệp bám sẽ rửa trôi bớt rệp.

- Trong điều kiện tự nhiên có nhiều loài thiên địch tấn công, phổ biến nhất là ong ký sinh thuộc giống Anagyrus và các thiên địch ăn mồi như kiến vàng, bọ rùa,…

- Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh vườn, không trồng mật độ quá dày để tạo thông thoáng vườn cây

- Nếu phát hiện trên cây có nhiều kiến hôi thì tìm cách dụ chúng tập trung để tiêu diệt vì kiến hôi là con vật sống cộng sinh với rệp.

- Thường xuyên kiểm tra cây bòn bon nhất là giai đoạn ra hoa, trái non để kịp thời phát hiện rệp sáp  khi mật số còn thấp và chưa phát tán rộng sẽ dễ xử lý. Một số thuốc hóa học có hiệu quả trên rệp sáp như: Supracide 40 EC, Mapy 48EC, Suprathion 40 EC, Pyrinex 20 EC,… Lưu ý vì rệp sáp có một lớp sáp bao phủ bên ngoài nên khi phun phải thật kỹ hoặc có thể pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly để không còn dư lượng thuốc trong trái ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

dak-nong-thuc-hien-thanh-cong-mo-hinh-tai-canh-ca-phe Đắk Nông: Thực hiện thành… phong-tru-sau-nai-dich-hai-dang-phat-trien-va-gay-hai-tren-cay-dau Phòng trừ sâu nái-dịch hại…