Tin nông nghiệp Những giống cỏ 'cứu sống' ngành chăn nuôi ở cao nguyên đá

Những giống cỏ 'cứu sống' ngành chăn nuôi ở cao nguyên đá

Tác giả Đào Thanh, ngày đăng 31/03/2021

Những giống như cỏ voi, VA 06, Guatemala được trồng và phát triển tốt trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực sự 'cứu sống' ngành chăn nuôi đại gia súc nơi đây.

Nhờ các giống cỏ được đưa vào trồng, đã thúc đẩy ngành chăn nuôi ở Hà Giang phát triển. Ảnh: N. Thủy.

Giờ đây trên địa bàn tỉnh Hà Giang, không còn những ngọn núi trơ đá. Tại nhiều vùng, người ta có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh chen lẫn với đá núi xám xịt là màu xanh của những mảng cỏ xanh mướt.

Thoạt nhìn xa cứ tưởng rằng cỏ mọc hoang. Nhưng không, đó chính là những giống cỏ voi, VA 06, Guatemala được người dân đưa vào trồng thử nghiệm và phát triển xanh tốt. Nhờ đó đã cứu sống ngành chăn nuôi nơi đây. Đặc biệt vào những ngày thời tiết thời tiết khắc nghiệt, đồng cỏ tự nhiên khan hiếm, trâu bò không thể chăn thả rông.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang Giang, ông Đức Hiệp cho biết, những giống cỏ voi, VA 06, Guatemala được đưa vào trồng tại tỉnh Hà Giang hơn 10 năm nay. Ưu điểm nổi bật của chúng là có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết khắc nghiệt trên vùng cao nguyên đá.

Trước đây, khi các đồng cỏ trồng chưa phát triển, vào mùa giá rét, trâu bò không thả lên rừng được, thiếu thức ăn, sức đề kháng kém cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nên tỷ lệ trâu bò chết cao. Từ ngày có các giống cỏ này đưa vào trồng, mở rộng, ngành chăn nuôi gia súc của tỉnh Hà Giang không những được duy trì mà ngày càng phát triển.

Tại các huyện vùng cao núi đá của Hà Giang, người dân đã rất sáng tạo trong việc trồng cây thức ăn thô xanh bằng cách trồng cỏ phân tán ở mọi chỗ, mọi nơi, tạo nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi.

Từ chỗ nguồn thức ăn phụ thuộc vào tự nhiên, đến nay, tổng diện tích cỏ của tỉnh Hà Giang là 23.408 ha, năng suất 36,44 tạ/ha, sản lượng 85.307 tấn. Những địa phương có diện tích lớn nhất là huyện Đồng Văn 1.999 ha; huyện Mèo Vạc 4.576,5ha; huyện Yên Minh 2.686 ha; huyện Hoàng Su Phì 3.540ha; huyện Xín Mần 2.219,8…

Năm 2014, những hộ nông dân ở xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện về giống cỏ voi. Nhận thấy giống cỏ này phát triển khá tốt người dân đã triển khai trồng và từng bước nhân rộng diện tích bằng cách tận dụng diện tích đất ven đường, đất trống hay khu vực đất dốc... Cứ thế, những đồng cỏ xanh tốt ở vùng đất này ngày càng được mở rộng.

Đến nay, tất cả 7/7 thôn của xã Pà Vầy Sủ trồng cỏ voi. Toàn xã có gần 70 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, trong đó thôn Thèn Ván trồng nhiều nhất với gần 25 ha. Anh Hoàng Văn Dục, cán bộ khuyến nông xã cho biết, từ những cây giống cỏ voi ban đầu, người dân đã nhân giống và mở rộng thêm diện tích.

Thời điểm này, đi dọc 2 bên đường vào trung tâm xã, vào thôn, vào các hộ dân đều thấy màu xanh bạt ngàn của cỏ voi. Từ việc nguồn thức ăn dồi dào đã góp phần nâng cao chất lượng cho đàn vật nuôi, nhất là vào những ngày mùa đông giá rét, nguồn thức ăn cho gia súc bị khan hiếm.  

Xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ hiện có 977/1.151 hộ chăn nuôi trâu, bò từ 3 con trở lên, với tổng số  đàn trâu, bò toàn xã đạt trên 2.640 con. Vì điều kiện thổ nhưỡng nơi đây khá khó khăn cho các cây rau màu phát triển, chính quyền địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Đến nay, toàn xã Thanh Vân có hơn 480 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, trong đó, chủ yếu là những giống cỏ voi, VA06… Đây là giống cỏ cho năng suất khá, tái sinh, chống chịu tốt, chịu được khô hạn, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và cho năng suất, chất lượng cao.

Bên cạnh việc phát triển trồng cỏ, chính quyền xã thường xuyên chủ động liên kết với ngành chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc trong mùa Đông.

Chăn nuôi hiệu quả đã giúp nhiều hộ dân trong xã có thu lãi cả trăm triệu đồng/năm. Điển hình nhất là gia đình anh Mai Xuân Minh, Mai Xuân Giàng, Giàng Mí Mua, Ma Xuân Hùng...

Đến nay, tổng đàn trâu, bò của tỉnh Hà Giang là hơn 293.000 con; trâu, bò được xuất bán hơn 78.000 con/năm. Toàn tỉnh có 17 chợ gia súc đang hoạt động và 137 trang trại, gia trại. Trong đó, 105 gia trại có quy mô từ 15 đến 29 con, 27 gia trại có quy mô từ 30 đến 59 con, 5 trang trại có quy mô từ 60 con trở lên.


Có thể bạn quan tâm

trai-cay-rai-vu-giup-tang-hieu-qua-san-xuat-toi-2-lan Trái cây rải vụ giúp… goodyear-cam-ket-dung-dau-dau-nanh-ben-vung-san-xuat-lop-xe Goodyear cam kết dùng dầu…