Tin nông nghiệp Những loại đất trồng được măng tây

Những loại đất trồng được măng tây

Tác giả Đông Đức - Nguyễn Vũ, ngày đăng 31/07/2017

Cần chọn đất không bị ngập úng, đảm bảo ánh nắng toàn phần trong 7 - 8 giờ/ngày (vì măng tây là cây ưa sáng, ở nơi che rợp hiệu suất quang hợp thấp, cây sinh trưởng kém, năng suất sẽ giảm).

Hỏi: Tôi muốn trồng măng tây vì thấy có hiệu quả. Vậy đất như thế nào thì có thể trồng được loại cây này?

Trả lời: Măng tây thuộc cây trồng lâu năm, có bộ rễ phát triển mạnh nên đất trồng loại cây này cần phải được chọn kỹ càng. Bạn cần chọn đất không bị ngập úng, đảm bảo ánh nắng toàn phần trong 7 - 8 giờ/ngày (vì măng tây là cây ưa sáng, ở nơi che rợp hiệu suất quang hợp thấp, cây sinh trưởng kém, năng suất sẽ giảm).

Đất trồng loại cây này đòi hỏi phải được ốn định trong thời gian dài (10 - 15 năm). Để có năng suất cao, chất lượng măng tốt cần chọn chân đất có độ phì cao, giàu mùn, có tầng canh tác dày 1m (đất cồn, đất phù sa ven sông hoặc đất đỏ bazan là thích hợp nhất).

Mặt khác, măng tây là cây không chịu được đất chua nên bạn cần kiểm tra pH đất trước khi trồng. Tốt nhất nên đưa pH đất ở khoảng 6 - 7,5 là phù hợp cho cây sinh trưởng.

Không nên trồng loại cây này ở những nơi có chất thải độc hại hoặc bị ô nhiễm dioxin, đất trước đó đã trồng cây cao su hay cây thuốc lá vì chồi non sau này rất dễ bị nhiễm độc.

Trước khi trồng cây cần san đất bằng phẳng, đào mương thoát nước xung quanh, xử lý cỏ dại và sâu bệnh hại tồn dư trong đất trồng.

* Chú ý: Để cây măng non sau này được mềm và ngọt bạn cần chọn và giữ cho đất có độ ẩm đều 65 - 70% là tốt nhất.

Hỏi: Chọn mua giống măng tây nào để trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt? Nghe nói giá giống măng tây hiện nay rất đắt. Vậy làm thế nào để giảm chi phí cho khâu giống?

Trả lời: Có 2 nhóm măng tây được trồng hiện nay là măng tây xanh và măng tây trắng.

- Măng xanh đại diện là giống F1 Clifornia 500. Loại này cho năng suất cao, dễ trồng, dễ thu hoạch song giá trị thương phẩm không cao.

- Măng trắng đại diện à các giống F1 Washington, UC157, UC172, Grade, Atlat... Đây là các giống cho năng suất, chất lượng cao, từ năm thứ 2 trở đi năng suất có thể đạt 2,5 - 3 tấn/ha/năm. Giá giống các loại này rất đắt (12-15 nghìn đồng/cây). Tuổi thọ của cây có thể kéo dài hàng chục năm.

* Chú ý: Trên thị trường hiện nay còn có một số loại hạt măng tây có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc giá chỉ rẻ bằng ½ hoặc ¼ giá giống F1 của Mỹ hoặc Hà Lan, thậm chí còn có nhiều nơi lấy hạt F2, F3 thu từ những cây mẹ ở Việt Nam giá chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/kg hạt (3 - 5 nghìn đồng/cây). Loại hạt giống này không cho giá trị thương phẩm khi sản xuất và tuổi thọ của cây chỉ từ 1 - 2 năm. Vì thế bạn không nên trồng những loại hạt này vì gây thiệt hại lớn về tài chính. Tốt nhất nên tìm đến và ký hợp đồng với các công ty liên doanh, liên kết với các đơn vị nhà nước có thỏa thuận thu mua măng thương phẩm để yên tâm đầu ra cho cây trồng này.

Để giảm giá thành cho giống khi trồng măng tây tốt nhất bạn nên mua hạt từ phía công ty uy tín rồi tiến hành tự ngâm ủ và gieo cây con. Thường thì ở miền Bắc ngâm ủ hạt và gieo vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 DL để trồng vào tháng 2 năm sau khi thời tiết lập xuân.

Hỏi: Nghe nói bệnh vàng lùn đang xuất hiện trên lúa ở vùng chúng tôi. Xin cho biết cách phân biệt bệnh này với hiện tượng bị ngộ độc hữu cơ và phèn?

Trả lời: Bạn có thể phân biệt như sau:

Bệnh vàng lùn: Thường xuất hiện khi cây lúa được khoảng 25 - 30 ngày tuổi trở đi. Bệnh thường xuất hiện trên từng cây, từng bụi lúa riêng biệt, nằm xen kẽ với cây khỏe. Ngay cả ruộng bệnh nhiều thì vẫn có những cây bình thường nằm xen kẽ trong đó. Ruộng bị bệnh vàng lùn thường kèm theo bệnh lùn xoắn lá và không thể chữa khỏi.

Cây nhiễm bệnh, lá dưới gốc sẽ bị vàng trước, rồi lan dần lên lá trên, màu vàng bắt đầu từ chóp lá lan dần xuống, và từ hai bên mép lan dần vào gân chính, phần tiếp giáp giữa chỗ bị vàng và chỗ còn xanh không có gianh giới rõ rệt. Nếu nặng, cây lúa sẽ bị cháy khô và chết.

Nếu nhiễm bệnh khi lúa còn nhỏ thì cây sẽ bị lùn, chậm phát triển và chết dần, nếu bị nhiễm muộn cây lúa sẽ bị lùn ít hoặc không bị lùn, vẫn có thể trỗ bông nhưng thường bị trỗ nghẹn và lép nhiều.

Ngộ độc chất hữu cơ: Thường xẩy ra sớm (khoảng 15 - 30 ngày sau sạ) và đồng loạt trên mọi cây, chất độc trong đất làm rễ bị ngộ độc không hấp thu được chất dinh dưỡng, làm lá lúa chuyển màu vàng đỏ, trên có nhiều vết bệnh đốm nâu. Bộ rễ bị thối đen, mùi hôi, cây lúa phát triển kém, đẻ nhánh ít, còi cọc và chết dần. Nếu phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì cây lúa vẫn hồi phục được.

Ngộ độc phèn: Thường xuất hiện đồng loạt, không loại trừ cây nào, rễ lúa có màu nâu vàng, lá có màu tối xỉn, bẩn, trên lá có nhiều đốm nhỏ màu nâu, màu bã trầu. Cây lúa không ra được rễ mới, phát triển kém, nếu nặng có thể bị lụi và chết. Nếu chữa trị kịp thời thì cây lúa vẫn hồi phục được.


Có thể bạn quan tâm

dua-phai-tro-thanh-mot-trong-nhung-cay-trong-chu-luc Dừa phải trở thành một… loai-cay-trong-1-lan-thu-10-nam-kiem-2-trieu-dong-ngay Loài cây trồng 1 lần…