Những lưu ý chăn nuôi trong mùa hạn mặn
Những năm gần đây, bên cạnh áp lực dịch bệnh, ngành chăn nuôi ở ĐBSCL còn phải ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.
Trữ nước ngọt cho vật nuôi bằng túi nhựa trong mùa hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.
Những năm vừa qua, ĐBSCL luôn hứng chịu những đợt xâm nhập mặn gay gắt. Điển hình nhất là hai đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2016 và 2020. Năm 2021, tuy mặn xâm nhập với cường độ thấp nhưng cũng được đánh giá cao hơn trung bình nhiều năm, gây khó khăn đối với một số khu vực ven biển. Do đó, tăng cường công tác phòng, ngừa cho vật nuôi trong điều kiện hạn mặn sẽ giúp đàn vật nuôi khoẻ mạnh, chăn nuôi thắng lợi.
Kỹ sư Nguyễn Văn Khoa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết: Trong năm vừa qua, với thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng cao, đầu tiên ta thấy vật nuôi giảm ăn, không ăn hết lượng thức ăn cung cấp, uống nước nhiều hơn.
Nếu sử dụng nước bị nhiễm mặn một cách đột ngột, đàn vật nuôi sẽ bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, bỏ ăn, khát nước, đau bụng… ảnh hưởng đến xấu đến sự tăng trưởng, phát triển của vật nuôi. Khi đó, sức đề kháng giảm của vật nuôi giảm và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh như bệnh dịch tả, bệnh e.coli, bệnh phó thương hàn, bệnh tụ huyết trùng… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm.
Đặc biệt, khi vật nuôi gặp những điều kiện bất lợi như trên lại phải uống nước có độ mặn trên ngưỡng chịu đựng trong thời gian dài, vật nuôi có thể bị ngộ độc và có những biểu hiện về thần kinh, suy thận, có thể làm chết vật nuôi, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
Theo PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa, Trưởng Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng của Trường Đại học Cần Thơ, nước uống có độ mặn từ 1 phần nghìn trở xuống đều thích hợp cho các giai đoạn phát triển của vật nuôi.
Theo đó, các loài vật trưởng thành, nuôi thịt sử dụng nước uống có độ mặn giới hạn cho phép như gà, vịt là 1-2 phần nghìn; heo, dê dưới 4 phần nghìn; trâu, bò từ 5-7 phần nghìn và đối không được sử dụng cho thú non, bò đang mang thai hoặc cho con bú. Riêng vịt biển có thể chịu được độ mặn khoảng 15 phần nghìn.
Vì vậy, kỹ sư Nguyễn Văn Khoa khuyến cáo người người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt và công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa hạn mặn trên đàn vật nuôi.
Trước khi hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra, bà con chăn nuôi nên có sự chuẩn bị các giải pháp đề phòng, ứng phó. Trước tiên, bà con cần tạo điều kiện để cho chuồng trại thoáng mát. Bà con chăn nuôi có thể lắp đặt quạt điện, hệ thống phun sương lên mái chuồng để giảm bớt nhiệt hoặc trồng các loại cây để tạo bóng mát xung quang khu chuồng nuôi.
Thời gian này, bà con cũng cần phải chăm sóc vật nuôi chu đáo, chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Đồng thời, bà con quét dọn, vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ hàng ngày và điều chỉnh giảm mật độ nuôi nhốt trong chuồng so với khuyến cáo kỹ thuật để giảm nhiệt cho cơ thể vật nuôi.
Cuối cùng, chủ động tiêm ngừa vacxin đầy đủ cho các loại vật nuôi theo quy định của thú y tại địa phương. Trong suốt quá trình này, bà con chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi lịch đóng mở cống để lấy nước ngọt, đo kiểm tra độ mặn.
Điều quan trọng là người chăn nuôi phải lên kế hoạch trữ nước ngọt hợp lý để cung cấp nước uống cho vật nuôi và vệ sinh chuồng trại trong thời điểm hạn mặn xảy ra. Trại nuôi có thể trữ ngọt trong các vật chứa kín như bể xây, thùng nhựa composite, túi nhựa chuyên dùng, đào ao trải bạt hoặc trữ nước ngọt bằng túi ni-lông chứa nước dưới ao.
Khi hạn mặn xảy ra, trước tiên, bà con cần kịp thời điều chỉnh chuồng trại luôn thoáng mát để giảm bớt nhiệt, giúp vật nuôi hạn chế nhu cầu nước. Hạn chế tối đa việc sử dụng nước mặn để dội rửa chuồng, máng ăn, máng uống để tránh vật nuôi uống nước mặn.
Nếu không có nguồn nước ngọt từ nhà máy nước, trại nuôi có thể sử dụng nguồn nước trữ sẵn trước đó để cho vật nuôi uống. Đối với những nguồn nước từ ao, hồ trước khi đưa vào các vật chứa cần khử trùng khoảng 3 ngày mới cho vật nuôi ăn uống để đảm bảo vệ sinh thú y.
Trong trường hợp cực đoan bắt buộc cho vật nuôi uống nước nhiễm mặn do không đủ nguồn nước ngọt, cần phải pha nước ngọt dần dần với nước mặn để vật nuôi có khả năng thích nghi. Tuy nhiên, độ mặn không được vượt quá ngưỡng cho phép và chỉ sử dụng tạm thời trong giai đoạn ngắn.
Trong điều kiện hạn mặn, bà con lưu ý cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp, cần tăng cường các loại thức ăn xanh, giảm bớt lượng thức ăn tinh trong ngày. Bổ sung thêm vitamin C, B.complex, chất điện giải, men tiêu hóa… vào trong nước uống hoặc trong thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Bà con thường xuyên theo dõi lịch đóng mở cống để lấy nước ngọt, đo kiểm tra độ mặn và kế hoạch lấy nước hợp lý để cung cấp nước uống cho vật nuôi và vệ sinh chuồng trại.
Sau khi có nước ngọt trở lại cũng là thời điểm bắt đầu mùa mưa. Đây là thời điểm giao mùa, có thể xuất hiện nhiều dịch bệnh phổ biến trên gia súc, gia cầm. Một số bệnh phổ biến như lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm…
Vì vậy, người chăn nuôi cần phải chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa như tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và tiêm ngừa vacxin phòng bệnh trị các bệnh thường gặp cho vật nuôi theo quy định của ngành thú y địa phương.
Bên cạnh đó, bà con kiểm tra lại các hồ, bể chứa nước và các đường ống dẫn nước về mức độ hư hỏng để sửa chữa. Cùng với đó, tăng cường dinh dưỡng cho vật nuôi nhằm bồi dưỡng sức khỏe bằng các loại thức ăn tốt.
Bổ sung thêm vitamin C, B.complex, chất điện giải, men tiêu hóa… vào trong nước uống hoặc trong thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Điều chỉnh chuồng trại cho phù hợp với thời tiết, hạn chế mưa tạt, gió lùa. Điều quan trọng nhất là, trong suốt quá trình nuôi, bà con cần kiểm tra tình trạng sức khỏe của vật nuôi để phòng trị kịp thời.
Lựa chọn vật nuôi thích ứng tốt hạn mặn
Về lâu dài, các ngành chức năng, nhà khoa học khuyến cáo bà con chăn nuôi nên lựa chọn vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn - mặn. GS. TS Nguyễn Văn Thu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng dựa vào thực tế ảnh hưởng hạn mặn ở địa phương, cần lựa chọn những loài và giống vật nuôi phù hợp, thích ứng hạn mặn và dịch bệnh để phát triển và có đầu tư lâu dài. Ví dụ như: gà, vịt, dê cừu, bò, thỏ, động vật hoang dã.
Cùng với đó, lựa chọn mô hình chăn nuôi công nghiệp mới (gà, vịt biển, heo, động vật hoang dã…), mô hình chăn nuôi kết hợp thông minh (ví dụ: thỏ, tôm và cỏ; dê, cây cỏ chịu mặn và cây ăn trái; bò sữa, bò thịt, lúa và cỏ chịu mặn, tôm cá…) nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phù hợp với hạn mặn…
Đồng thời, đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển các dự án về mô hình chăn nuôi mới, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi thích ứng hạn mặn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ