Mô hình kinh tế Những lưu ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản

Những lưu ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản

Ngày đăng 01/12/2015

Nếu không khắc phục tốt vấn đề ATVSTP, không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu thụ mà ngành thủy sản Việt Nam còn có nguy cơ sẽ mất dần thị trường do giảm sút uy tín trên thị trường thế giới.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng đang là vấn đề được cả xã hội đặc biệt quan tâm; nhất là khi môi trường nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi đều gia tăng tình trạng ô nhiễm từ các nguồn chất thải công nghiệp, sinh hoạt và nước thải từ ao nuôi thủy sản.

Tồn tại này làm tăng mức độ thiệt hại do dịch bệnh và buộc người nuôi phải sử dụng nhiều hơn thuốc thú y, không kiểm soát được tình trạng tồn dư thuốc, hóa chất trong tôm, cá khi thu hoạch.

Theo số liệu của Cục Thú y, số lô hàng thủy sản; đặc biệt là tôm nước lợ, bị các nước nhập khẩu cảnh cáo, trả về rất nhiều; cụ thể từ đầu năm 2014 đến nay có gần 32.000 tấn hàng thủy sản các loại bị trả về do nhiễm kháng sinh cấm, vi sinh và các loại tạp chất khác.

Riêng 9 tháng đầu năm 2015 có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về, trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng, cá biệt có doanh nghiệp bị trả về đến 70 lô hàng.

Do đó, nếu không khắc phục tốt vấn đề ATVSTP, không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu thụ mà ngành thủy sản Việt Nam còn có nguy cơ sẽ mất dần thị trường do giảm sút uy tín trên thị trường thế giới.

Để đảm bảo chất lượng ATVSTP đối với các sản phẩm thủy sản trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, trong phạm vi trách nhiệm của người nuôi trồng thủy sản cần phải thực hiện các biện pháp sau đây: - Áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tốt (GAP, SQF, CoC...) và tham gia các lớp tập huấn về kiến thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Địa điểm xây dựng công trình nuôi phải tuân thủ theo quy hoạch, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, sinh hoạt.

Công trình nuôi cần được xây dựng đúng kỹ thuật, có cống cấp thoát nước riêng biệt và có ao lắng, ao xử lý, có bờ vững chắc và không bị rò rỉ.

- Các khu vệ sinh và công trình phụ phải bố trí xa khu vực nuôi.

Rác thải sinh hoạt và khu chăn nuôi phải được xử lý tốt để tránh nhiễm bẩn ao nuôi.

Các dụng cụ như: lưới, vợt, máy móc...

phải được vệ sinh sạch sẽ.

- Chỉ sử dụng con giống đã được kiểm dịch sạch bệnh và chấp hành lịch thả giống theo thời vụ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

- Không sử dụng thức ăn, thuốc thú y bị nhiễm nấm mốc, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần.

Tuyệt đối không sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không sử dụng bất kỳ các loại kích thích tố sinh trưởng (hormone).

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh, khi phát hiện tôm, cá bệnh cần tham khảo ý kiến của chuyên viên kỹ thuật trong việc điều trị để đảm bảo không lạm dụng thuốc thú y, hóa chất.

- Không xả nước và các chất thải từ ao, đầm nuôi chưa được xử lý ra môi trường xung quanh.

- Chỉ sử dụng thuốc thú y, thức ăn có nhãn mác rõ ràng, đầy đủ thông tin hướng dẫn sử dụng và có nơi cất giữ thức ăn, thuốc thú y riêng biệt.

- Có sổ nhật ký ghi đầy đủ thông tin chế độ ăn, loại thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hóa chất sử dụng trong suốt quá trình nuôi để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

- Trước khi thu hoạch, cần lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh.

Khi thu hoạch, làm tờ khai xuất xứ thủy sản để giao cho cơ sở chế biến hoặc cơ sở thu mua cùng với phiếu kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh.


Có thể bạn quan tâm

bai-toan-ve-gia-tang-gia-tri-danh-bat-hai-san Bài toán về gia tăng… lang-kho-lo-thieu-nguyen-lieu Làng khô lo thiếu nguyên…