Tôm thẻ chân trắng Những lưu ý khi cho cá, tôm ăn

Những lưu ý khi cho cá, tôm ăn

Ngày đăng 02/07/2015

Khi cá, tôm hấp thu thức ăn vào trong cơ thể, sẽ được chuyển hóa thành vật chất cần thiết, giúp duy trì sự sống, tăng trưởng, sinh sản, đủ sức đề kháng với nhiều bệnh tật, rút ngắn thời gian nuôi, tăng tính an toàn, bền vững, sớm đạt kích thước thương phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Vai trò của thức ăn hết sức quan trọng, nếu không đảm bảo cung cấp đủ lượng, chất, thành phần thông qua việc cho ăn, cá, tôm nuôi sẽ gầy yếu, còi cọc, chậm lớn, phân đàn, giảm tỉ lệ sống. Mặt khác, cho cá, tôm ăn quá dư thừa, sẽ làm môi trường nuôi mau ô nhiễm, tăng hệ số sử dụng thức ăn, kéo dài thời gian, tăng chi phí và gía thành sản xuất.

Như vậy, cho cá, tôm ăn như thế nào hợp lý ? Thông thường khi cho ăn, người nuôi dường nuôi ít quan tâm đến các yếu tố hiện hữu khác, tác động trực tiếp đến cường độ sử dụng thức ăn của cá, tôm. Người nuôi thường máy móc, quán tính khi rải thức ăn, hoặc lấy thức ăn ngày hôm trước làm mốc cho ngày hôm sau. Tuy nhiên, sai lầm ở chỗ người nuôi không nắm được diễn biến môi trường sẽ dần xấu đi sau mỗi ngày nuôi, mỗi tuần nuôi.

Tuổi cá khác nhau, tác động đến mức độ sử dụng thức ăn cũng khác nhau, sức khỏe khác nhau mức độ sử dụng thức ăn cũng khác. Khi thời tiết thay đổi, trong đó các thông số như nhiệt độ, độ phèn, và hàm lượng các chất độc hại sẽ biến thiên gia tăng hoặc giảm mạnh theo chiều bất lợi, đặc biệt là khi ao nuôi có hiện tượng ô nhiễm. Trong điều kiện bất lợi về môi trường, trạng thái sức khỏe cá suy giảm, thời tiết xấu…nếu vẫn giữ nguyên lượng ăn như những ngày bình thường hoặc nhiều hơn bình thường là điều hết sức sai lầm và nguy hiểm.

Lượng thức ăn đó không được cá nuôi sử dụng hoặc sử dụng không triệt để, không những lãng phí thức ăn, mà vô hình dung còn làm môi trường càng trở nên ô nhiễm trầm trọng. Như vậy khi cho cá tôm ăn, cần dựa vào tuổi cá, chất lượng thức ăn, chất lượng môi trường, diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe, giai đoạn nuôi, để phân bổ thức ăn cho hợp lý. Thông thường, cá còn nhỏ, cường độ và nhu cầu sử dụng thức ăn cao hơn cá truởng thành. Cá nhỏ cần nhiều thức ăn, hấp thu thức ăn tích cực hơn, lượng ăn tương đối ( % trọng lượng cơ thể) cá nhỏ cao hơn cá lớn.

Cường độ sử dụng và hấp thụ thức ăn tăng dần, để nhanh chóng hình thành hoàn chỉnh, định hình các cơ quan, đạt kích thước thương phẩm trong thời gian ngắn nhất. Đối với cá trưởng thành, dù ăn nhiều thức ăn hơn cá nhỏ, nhưng thức ăn chỉ có ý nghĩa chính là duy trì sự sống, mức độ tăng trưởng lúc này rất chậm, do vậy thức ăn không đón vai trò quan trọng, nhu cầu thức ăn lúc này không cao.

Sự hợp đàn với số lượng lớn có thể dẫn đến sự thiếu hụt cục bộ thức ăn trong vùng, vị vậy lượng ăn của từng cá thể thường giảm. Cá sống trong vùng có dòng chảy mạnh, nhu cầu oxy cao hơn cá sống trong vùng nước tĩnh, bơi lội nhiều, nên cần nhiều năng lượng, do vậy lượng thức ăn tăng dần.

Nhu cầu sử dụng thức ăn của cá, tôm thay đổi theo ngày đêm. Vào ban ngày, quá trình quang hợp hoạt động, làm ao nuôi giàu oxy, đây là thời điểm cá, tôm sử dụng mồi cao. Vào ban đêm, do quá trình hô hấp hoạt động, ao thiếu oxy, cá, tôm thường bị ngộp, thiếu oxy, nên nhu cầu sử dụng mồi thấp dần. Trong những tháng nuôi đầu tiên (2-3 tháng đầu), cần cố gắng  duy trì đầy đủ lượng ăn hàng ngày, đặc biệt lưu ý đến lượng, chất, thành phần. Ngoài đạm, mỡ, chất giàu năng lượng, nên bổ xung trong thành phần thức ăn các loại Vitamine, premix, khoáng các loại.

Có thể những tháng nuôi đầu, chủ động dùng thức ăn công nghiệp dạng viên là chính, nữa thời gian nuôi còn lại nên chuyển sang thức ăn chế biến, nhằm giảm giá thành sản xuất. Khi thời tiết, môi trường xấu, cần hạn chế sử dụng thức ăn tự chế biến, chỉ nên sử dụng thức ăn công nghiệp, nên giảm lượng ăn hàng ngày xuống ½ , hoặc ngưng cho cá, tôm ăn trong thời gian này. Thông thường khi môi trường, thời tiết xấu đi, quá trình trao đổi chất giảm dần, nhu cầu sử dụng thức ăn cũng giảm theo. Cá, tôm chỉ tập trung điều chỉnh các hoạt động cơ thể, dần thích nghi với điều kiện thay đổi đột ngột của môi trường.

Trong giai đoạn nuôi vỗ cá, tôm hậu bị thành cá, tôm bố mẹ, chỉ cần duy trì lượng ăn hàng ngày ở mức 2-3% so với trọng lượng thân. Không cho ăn quá nhiều, dễ mập, rất khó khăn trong quá trình sinh sản, tuy nhiên cần đảm bảo chất và thành phần, để việc tích lũy sản phẩm sinh sản được tốt hơn. Trong giai đoạn sinh sản, cá, tôm hầu như không ăn, do vậy cần hạn chế việc cho ăn trong giai đaọn này. Khi cho cá, tôm ăn, nên tuân thủ theo chế độ định thời, định vị, định lượng, định chất và thành phần, định lần.

Trong đó, thời gian cho ăn nên cố định, và tùy theo đặc tính sinh học của từng loài thủy sản mà chọn buổi sáng hoặc chiều làm buổi chính. Hạn chế cho cá, tôm ăn vào buổi tối đến sáng hôm sau, vì ao thời điểm này oxy rất thấp, cá- tôm thường bị sốc nên ít sử dụng thức ăn. Vị trí cho ăn nên chọn những nơi sạch sẽ, nơi có nền đáy ít hoặc không ô nhiễm, xa nguồn cống cấp và thoát nước. Đảm bảo thức ăn đủ chất, lượng, thành phần. Trong đó, cần đảm bảo chất lượng thức ăn, tránh cho tôm cá ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn, thức ăn tươi sống chưa qua nấu, thức ăn chưa rõ nguồn gốc. Lượng ăn hàng ngày cần duy trì ít nhất ở mức 5-7% so với trọng lượng thân cá, tôm trong điều kiện môi trường, thời tiết bình thường, thể trạng vật nuôi thủy sản tốt.

Số lần cho cá tôm, nuôi ăn tùy thuộc vào giai đoạn phát triển, tuổi, mục đích nuôi…Khi cho cá, tôm ăn nên dùng máng, vó, sàng ăn cho thức ăn vào đó để dễ dàng kiễm tra, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng hàng ngày, chủ động loại bỏ thức ăn dư thừa sau mỗi cuối ngày, hạn chế ô nhiễm môi trường. Thông qua sàng ăn, cũng dễ dàng đánh giá tăng trưởng, tình trạng sức khỏe, độ đồng đều, ngoại hình…từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Tags: ky thuat nuoi ca, ky thuat nuoi tom, thuc an cho ca tom, nuoi trong thuy san


Có thể bạn quan tâm

uong-tom-cang-xanh-tu-bot-len-giong Ương tôm càng xanh từ… hien-tuong-tao-lam-trong-nuoi-tom-su Hiện tượng tảo lam trong…