Những lưu ý khi làm chuồng nuôi cho bò sữa
Mặt khác nhiều hộ chăn nuôi bò theo phương pháp cầm cột trong chuồng gần trọn thời gian trong ngày kể cả mùa mưa và mùa khô.
Chuồng bò sữa không đúng tiêu chuẩn kĩ thuật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bò sữa, chất lượng vệ sinh sữa.
Một chuồng trại tồi tệ thì trở thành “nhà tù”, bò không thể ăn nhiều để sản xuất ra nhiều sữa.
Vì thế yêu cầu đối với chuồng bò sữa cần đảm bảo những yếu tố cần phải có như sau:
1. Thoáng mát
- Chọn hướng phù hợp để thoáng mát vào mùa nóng và kín gió lạnh vào mùa đông.
- Nền cao 40-50cm so với mặt đất để thoáng mát, khô ráo và không bị ngập nước vào mùa mưa.
- Mái cao bằng hoặc hơn 3m, lợp bằng chất liệu dẫn nhiệt kém như ngói, tranh, tôn lạnh.
- Chung quanh có sân chơi có tán cây, bóng mát cho bò vận động.
- Diện tích nền chuồng (chỗ đứng) phải theo đúng tiêu chuẩn cho từng loại bò, cụ thể như sau:
Loại bò | Chiều dài (m) | Chiều rộng (m) | Diện tích (m2) |
Bò trưởng thành | 1,5 - 1,7 | 1,0 - 1,2 | 1,9 - 2,04 |
Bò 7 - 18 tháng | 1,2 - 1,4 | 0,9 - 1,0 | 1,3 - 1,4 |
Bê 4 - 6 tháng | 1,0 - 1,2 | 0,8 - 0,9 | 0,9 - 1,08 |
Bê 15 ngày - 3 tháng | 0,9 - 1,0 | 0,7 - 0,8 | 0,7 - 0,8 |
2. Sạch sẽ và an toàn
Tránh ẩm ướt dơ bẩn là nơi trú ngụ và sinh sản lí tưởng của vi trùng gây bệnh. Nguồn vi trùng này gây bệnh cho bò đặc biệt là gây bệnh viêm vú và xâm nhập vào sữa trong khi vắt sữa làm tăng mức độ nhiễm vi sinh sữa.
Trong thiết kế chuồng bò sữa cần chú ý:
- Nền dốc 1-2% để thoát nước.
- Có rãnh thoát nước thải, có hố chứa nước thải và phân ở xa chuồng tối thiểu 20m.
- Máng ăn xây nông, không cần ngăn ô nước uống riêng cho từng con (nếu nuôi thả), góc xây hơi tròn để dễ vệ sinh.
- Luôn có đủ nước sạch cho bò uống thuận tiện và tự do suốt ngày đêm.
- Có nơi vắt sữa riêng biệt.
- Nền láng xi măng bằng cát mịn, sau đó lu để có độ nhám, bò không bị trượt té, không bị cát to làm đau móng chân.
- Nếu chỉ có 1-2 con thì có thể nuôi trên nền đất, dưới gốc cây, miễn là nền khô ráo, có thể lót nền bằng chất độn như rơm rạ. Khi vắt sữa dẫn bò đến nơi khô ráo, sạch sẽ (sân hoặc bãi cỏ sạch) để vệ sinh và vắt sữa.
3. Đi lại, ăn uống, nằm nghỉ thuận lợi
- Để tạo cho bò có cảm giác thoải mái, dễ chịu giúp bò cho nhiều sữa nên nuôi theo chế độ tự do trong chuồng, không cầm cột.
- Có ngăn chứa cát khô cho bò nằm trong chuồng để êm móng, bầu vú luôn sạch và cơ thể được ấm.
- Có sân cho bò vận động, ra vào tự do tùy thích để cơ bắp khỏe, dễ sinh đẻ, tiếp xúc với không khí trong lành, tắm nắng phòng bệnh về xương.
- Trong trường hợp không có bãi chăn thả thì ít nhất cũng phải cho bò ra ngoài cột hoặc tự do đi lại dưới gốc cây, bóng mát mỗi buổi sáng 1-2 giờ.
- Nếu có đất rộng thì nuôi chăn thả và bổ sung thức ăn tại chuồng là tốt nhất vì môi trường ngoài tự nhiên trong lành hơn trong chuồng trại.
Một số điều kiện cần đảm bảo khi xây dựng chuồng nuôi Bò sữa kinh doanh:
- Tiện lợi cho quản lí đàn và chăm sóc nuôi dưỡng.
- Mỗi con bò phải được ăn khẩu phần riêng dựa trên sức sản xuất của nó.
- Khi ăn uống, khi nằm nghỉ không bị con khác chen lấn.
- Tiết kiệm sức lao động khi cho ăn và khi vệ sinh chuồng trại.
- Dễ dàng quan sát tình trạng sức khỏe của từng con bò
- Dễ dàng mở rộng thiết kế trại khi đàn bò tăng lên.
- Phần chuồng nới rộng từ chuồng cũ hay dãy chuồng xây mới sẽ phù hợp và tiện lợi trong tổng thể với chuồng bò cũ.
- Lối đi hợp lí: Lối bò đi ra đồng cỏ, lối bò vô chuồng, lối bò đi vào nơi vắt sữa, lối ra sân chơi tắm nắng… đường cung cấp thức ăn , đường vận chuyển phân từ chuồng ra hố ủ phân… đều phải được tính toán sao cho hợp lí và tiện lợi nhất.
- Phù hợp với cơ cấu trong đàn bò, sẽ có các nhóm bò: bò vắt sữa, bò cạn sữa, bò tơ, bê con sau cai sữa, bê con đang bú mẹ, bò đực giống (nếu cần)… Mỗi nhóm bò có đặc điểm nuôi dưỡng và quản lí khác nhau vì vậy thiết kế chuồng trại cho mỗi nhóm này cũng khác nhau.
4. Các phương pháp nuôi
- Bò sữa có thể nuôi nhốt hoàn toàn và cung cấp thức ăn tại chuồng: Chuồng được thiết kế cho phương thức nuôi này cần có máng ăn, máng uống riêng cho từng con.
Nếu có điều kiện thì làm các khung ngăn cách giữa các bò để chúng không lấn sang và đi phân bẩn lên phần nền của bò bên cạnh.
- Nuôi bán chăn thả: bò được ăn và ở trong chuồng chỉ một phần thời gian trong ngày, có thời gian cho gặm cỏ ngoài bãi chăn.
Bò nuôi theo phương thức này thường được cung cấp thức ăn thô để ăn tự do khi về chuồng. Chuồng trại trong trường hợp này không cần ngăn riêng ra thành ô, không cần máng ăn , máng uống riêng cho từng con.
5. Các công trình phụ khác
Ngoài chuồng bò là nơi nhốt bò, trại bò còn gồm các công trình thiết kế khác như:
- Kho chứa thức ăn tinh và rơm. (Thể tích kho tuỳ thuộc vào số lượng bò. Ước tính một bò sữa sinh sản ngoài cỏ xanh cần dự trữ thêm 1 tấn rơm mỗi năm.)
- Một kho nhỏ cho việc cất trữ các dụng cụ phục vụ trại như xô vắt sữa, thuốc thú y
- Nơi vắt sữa luôn khô ráo và sạch sẽ, ở đó có bảng ghi chép theo dõi và quản lí đàn.
- Cũi nuôi bê sơ sinh
- Nơi chế biến thức ăn tinh, băm chặt thức ăn thô (thí dụ cỏ voi).
- Hố ủ rơm với urea, hố chứa rỉ mật, xác đậu nành, xác mì, hèm bia… nếu có.
- Hố chứa nước thải từ chuồng bò, chuồng vắt sữa, nhà chứa phân
- Nơi nhốt riêng bò bị bệnh đang điều trị
- Nhà để máy móc nông trại như máy kéo, máy cắt cỏ, xe chở phân.
6. Những sai sót thường gặp trong chuồng nuôi bò sữa nông hộ
- Kém thông gió, nóng nực
- Nền chuồng luôn ẩm ướt, thoát nước kém
- Máng ăn sâu, ẩm ướt và tồn đọng thức ăn cũ ôi mốc.
- Bò bị cầm cột phần lớn thời gian trong ngày. Không có sân cho bò vận động gây ra nhiều bệnh về sinh sản, bệnh về móng và khớp
- Không có nơi để thu gom, xử lý phân và nước thải, gây ô nhiễm chuồng nuôi và môi trường xung quanh
- Bê con mới sanh chức năng điều tiết thân nhiệt chưa hoàn chỉnh vì vậy khi thời tiết thay đổi đột ngột dễ bị bệnh. Nếu nuôi trên nền đất hoặc nền xi măng ẩm ướt (không có rơm khô lót) dễ bị nhiễm lạnh, nhiễm giun sán, đi lại trượt té gây sưng khớp, què chân.
Nuôi bê trong cũi (đóng bằng gỗ hoặc hàn bằng sắt) sẽ làm tăng tỷ lệ bê nuôi sống cao và khỏe mạnh. Có điều kiện thì nên nuôi bê trong cũi vài tuần đầu sau khi sanh bởi:
- Đảm bảo vệ sinh hơn;
- Giảm thiểu rủi ro bê nhiễm giun sán.
- Tránh mưa và lạnh.
- Cũi bê có kích thước như sau: dài 120cm; rộng 90cm, cao 90cm (tính từ sàn gỗ), sàn cao so với mặt đất 30cm được lót bằng những thanh gỗ 4x4cm khe hở 2,5cm. Thanh chắn quanh cũi là tre hay gỗ 4x4cm khoảng hở 7cm. Mặt sau làm cửa đóng mở cho bê ra vào khi cần, mặt trước làm giá để xô sữa và nước cho bê uống.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ