Những lưu ý phòng chống bệnh héo vàng lá chuối
Tại vùng nhiễm bệnh héo vàng lá chuối, người dân cần tiêu hủy toàn bộ số cây bị nhiễm bệnh, bao gồm thân, lá, củ chuối và các tàn dư thực vật trong vườn
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Rau quả đã nghiên cứu, sản xuất thành công giống chuối kháng rất tốt với bệnh héo vàng lá chuối (hàng bên phải là giống chuối GL3-5 kháng bệnh, đối chứng với chuối bị bệnh). Ảnh: Favri.
Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 16/11 có bài Vựa chuối Khoái Châu có nguy cơ bị 'xóa sổ' phản ánh về việc vùng chuối tiêu ở Khoái Châu (Hưng Yên) những năm qua bị bệnh vàng lá gây hại, khiến diện tích chuối tiêu ngày càng giảm mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Bệnh héo vàng lá chuối đã được ghi nhận tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên...
Để chủ động phòng chống bệnh héo vàng lá chuối, trên cơ sở kết quả dự án điều tra bệnh héo vàng lá chuối do FAO hỗ trợ, Cục BVTV đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả và Viện BVTV xây dựng và ban hành Quy trình Quản lý tổng hợp bệnh héo vàng lá chuối để các địa phương phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng phòng chống bệnh hiệu quả, an toàn, góp phần thúc đẩy sản xuất chuối bền vững.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, năm 2020, Cục BVTV cũng đã sớm thành lập tổ công tác khảo sát thực tế về tình hình bệnh. Qua khảo sát trên hơn 10.000 ha chuối tại phía Bắc, bệnh héo vàng lá chuối có xu hướng gây hại mạnh tại các khu vực đất bãi, triền sông.
Cây chuối nhiễm bệnh thường có hiện tượng vàng từ lá già bên dưới, sau đó lan dần lên các lá non. Triệu chứng vàng phát triển từ bìa lá và lan vào hướng gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá.
Trên cây bị bệnh, các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng cũng bị héo úa.
Bệnh héo vàng lá chuối xuất hiện và gây hại tập trung tại vùng chuối trồng từ 3 năm trở lên, các vùng trồng lâu năm thì tỷ lệ cây bị bệnh càng cao. Bệnh có thể phát sinh và gây hại trong bất kỳ giai đoạn sinh trưởng của cây chuối. Bệnh biểu hiện rõ nhất ở giai đoạn cây chuối ra hoa và phát triển quả non.
Một số địa phương không xử lý được dứt điểm bệnh này dù đã đổi phân bón vô cơ sang hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thậm chí mua cả cây giống nuôi cấy mô về trồng. Ông Nguyễn Quý Dương lý giải, là bởi người dân không xử lý triệt để mầm bệnh.
"Bệnh héo vàng lá chuối là một bệnh gây chết cây chuối dần dần do nấm xâm nhập, phát triển và gây hại trong mạch dẫn. Khi cây chuối bị bệnh chết, bào tử (cơ quan sinh sản của nấm bệnh) được giải phóng vào đất khi cây, củ và rễ của cây phân hủy. Trong đất, bào tử nấm nảy mầm và xâm nhập vào tế bào của rễ cây chuối khác, sau đó phát triển thành sợi nấm gây hại rễ", ông Dương nói.
Rễ nhỏ thứ cấp hoặc rễ non bị nấm xâm nhiễm, gây hại trước. Sau đó nấm phát triển, đi theo mạch dẫn vào thân chính (củ chuối) và lên thân giả (thường gọi là thân chuối) đến cuống lá và cuồng buồng chuối làm nghẽn mạch dẫn dinh dưỡng, dẫn đến cây chuối thiếu dinh dưỡng, lá vàng, quả kém phát triển và chết cây.
Bệnh héo vàng lá chuối, còn gọi là bệnh héo rũ Panama, do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây ra. Nấm Fusarium oxysporum là loài nấm đa thực, gây hại rất phổ biến của nhiều loài cây trồng như: Bông, lanh, cà chua, cải bắp, đậu Hà Lan, khoai lang, dưa hấu, cọ dầu, chuối...
Đến nay, Foc được phân loại thành 3 chủng, dựa theo giống chuối mà loại nấm này sử dụng làm vật chủ. Cụ thể: Foc Race 1 (Foc 1), Foc Race 2 (Foc 2) và Foc Race 4 (Foc 4). Trong đó, Foc 4 có thể được chia thành hai chủng nhỏ hơn là Foc nhiệt đới 4 (Foc TR4) và Foc cận nhiệt đới 4 (Foc STR4). Chủng gây hại trên chuối tiêu tại một số tỉnh hiện nay là TR4.
Chủng TR4 có phạm vi vật chủ rộng hơn và khả năng sống sót để phát tán cao hơn cả.
Ông Nguyễn Quý Dương cũng khẳng định: Hiện nay, đã có nhiều hướng dẫn xử lý bệnh héo vàng lá chuối. Theo quan điểm về nông nghiệp sinh thái, Cục BVTV xây dựng các biện pháp dựa trên việc cải thiện sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Trong đó, Cục nhấn mạnh tới việc "phòng bệnh là chính".
Để phòng bệnh, Cục BVTV khuyến cáo nông dân cần chọn những giống có khả năng chống chịu lại bệnh. Một trong số đó là giống GL3-5 do Viện Nghiên cứu Rau quả phát triển. Giống này hiện phát triển tốt ở cả những vùng từng nhiễm bệnh héo vàng lá chuối trước đây.
Bên cạnh chọn giống, Cục BVTV đề nghị người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình canh tác. Chẳng hạn, khi vào vườn chuối nghi nhiễm bệnh, hoặc trở về từ vùng nghi nhiễm, bà con cần xỏ túi ni-lon vào giày, dép, ủng.
Tại các vùng chưa bị bệnh héo vàng lá chuối, người dân tuyệt đối tránh đi vào vùng có bệnh, bởi nấm gây hại có thể theo đất, nước bám lên giày, dép, quần áo. Nếu nghi ngờ, người dân phải kiểm soát chặt chẽ việc ra vào trang trại trồng chuối, khử trùng công cụ canh tác để ngăn sự xâm nhập của nguồn bệnh.
Khi chọn tạo, nhân giống, người dân không sử dụng cây giống tách chồi từ các vườn chuối nhiễm bệnh, đồng thời. Những vườn trồng mới nên sử dụng giống chuối khỏe và sạch bệnh, nếu có thể thì ưu tiên giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh.
Tại vùng nhiễm bệnh, người dân cần tiêu hủy toàn bộ số cây bị nhiễm bệnh, bao gồm thân, lá, củ chuối và các tàn dư thực vật trong vườn theo đúng quy trình mà Cục BVTV đã hướng dẫn. Riêng quy trình xử lý đất, cần rắc vôi bột vào hố trồng, hoặc các chế phẩm có tính kháng nấm bệnh.
Với vùng nhiễm bệnh nặng, đề nghị người dân luân canh với một số cây trồng khác, ví dụ ngô, lạc tại vùng đất bãi. Sau khoảng 2 - 3 năm, bà con có thể trồng lại chuối theo đúng quy trình từ đầu.
Ông Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hưng Yên cho biết, hiện Chi cục BVTV đang phối hợp với Cục BVTV và các đơn vị liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân từ khâu chọn giống, gieo trồng, cũng như xử lý bệnh.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chi cục BVTV Hưng Yên đẩy mạnh, là ứng dụng những giải pháp IPM (hoặc IPHM) để quản lý tổng hợp các vấn đề từ sức khỏe cây trồng, sức khỏe đất, cho tới các phương pháp canh tác bền vững đảm bảo hiệu quả trên cây chuối nói riêng và các cây trồng khác nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ