Trồng lúa Những lưu ý về chăm sóc lúa gieo sạ

Những lưu ý về chăm sóc lúa gieo sạ

Tác giả Chu Công Tiện, ngày đăng 06/06/2019

Để gieo sạ đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới cần làm tốt một số biện pháp sau:

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay (gieo sạ) được 7.802 ha, trên kế hoạch gieo sạ của các huyện, thị xã xây dựng: 8.384 ha (đạt 93% kế hoạch), tăng 1.867 ha so với vụ xuân năm 2010.

Những huyện gieo sạ nhiều là: Ba Vì (2.547 ha), Phúc Thọ (1.240 ha), Sơn Tây (767 ha), Chương Mỹ (650 ha), Gia Lâm (486 ha), Sóc Sơn (429 ha). Thời tiết vụ xuân năm nay rất thuận lợi cho gieo sạ, từ sau tiết lập xuân trở đi ấm dần lên, nhiều ngày có mưa xuân đất đủ ẩm nên lúa mọc đều và phát triển nhanh. Đến nay diện tích gieo sớm ngay sau Tết khoảng 5/2 đến 10/2 đã có từ 3,5 - 5 lá. Diện tích gieo tập trung từ 10/2 đến 28/2 đã có từ 1,5 - 3 lá.

Nhìn chung diện tích gieo sạ do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên mật độ đảm bảo, sạch cỏ dại và giữ ẩm tốt. Tuy nhiên vẫn còn số ít diện tích bị chuột, ốc bươu vàng gây hại. Để gieo sạ đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới cần làm tốt một số biện pháp sau:

- Tưới nước, bón phân thúc, tỉa dặm: trà gieo sớm từ 5/2 đến 20/2, cần đưa nước một đan mỏng, tỉa dặm, bón 30% lượng phân NPK chuyên dùng cho lúa. Nếu bón phân đơn thì bón cho 1 sào từ 1,5 - 2kg phân đạm, 1,5 - 2,0kg kali, những diện tích chưa bón đủ phân lót thì phải bón tăng phân NPK hoặc đạm, lân, kali. Những ngày ấm, nhiệt độ trung bình trên 150C mới tỉa dặm, chỉ những chỗ mất khoảng nhiều hoặc quá dày mới tỉa dặm còn nhìn chung là rất hạn chế tỉa dặm vì cây lúa sẽ tự điều chỉnh: chỗ thưa lúa đẻ nhiều, chỗ dày lúa đẻ ít tránh lãng phí công tỉa, dặm không cần thiết. Diện tích gieo sau ngày 20/2 giữ ẩm và đề phòng chuột gây hại.

- Bón thúc lần 2, cào cỏ sục bùn: khi lúa có 5-6 lá bón 70% lượng NPK bón thúc hoặc bón 1 sào: 3- 3,5kg đạm urê, 1,5 - 2kg kali; bón thúc xong mới cào sục bùn.

- Trừ cỏ dại: Cá biệt có 1 số diện tích do trước khi gieo không nhặt sạch gốc và thân cỏ nên mặc dù phun thuốc trừ cỏ nhưng cỏ vẫn mọc (thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm chỉ có tác dụng diệt hạt cỏ khi chưa nảy mầm), hoặc phun thuốc trừ cỏ không đúng kỹ thuật nên cỏ vẫn còn. Nếu cỏ ít thì kết hợp nhặt cỏ với cào sục bùn. Ruộng lúa có nhiều cỏ lá rộng các loại đã lớn cây cỏ cao 2-3 cm như: dền gai, dừa cạn, cỏ ớt, cỏ bợ, cỏ mực,... dùng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm đặc trị loại cỏ hai lá mầm như: Zico 48SL; 2,4D 96WP, Suncide 20WP... Chú ý xem kỹ hướng dẫn trên bao bì. Ruộng lúa có nhiều rêu, nhớt và bèo tấm phun thuốc Rat 800WG.

- Diệt trừ ốc bươu vàng: làm bẫy dẫn dụ ốc bươu vàng. Dùng mồi như xơ mít, đu đủ, dây lá khoai lang, lá khoai môn, bắp cải đặt ở những nơi có nhiều ốc vào buổi tối, sáng hôm sau ra thu gom. Khi đưa nước vào ruộng lúa cần sử dụng lưới chắn hoặc cắm đăng không cho ốc theo nước xâm nhập vào ruộng; giữ mực nước nông để hạn chế ốc bươu vàng gây hại.

Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi mật độ ốc cao, gây hại nhiều và chỉ sử dụng các loại thuốc đặc trị ốc bươu vàng có độc tính thấp, ít ảnh hưởng đến môi trường như: Snail 700 WP, Moioc 6H, Mossade 700WP, Clodansuper 700WP, Dioto 250EC... Phun thuốc khi ruộng có mực nước nông từ 3-5 cm; giữ lớp nước này trong ruộng khoảng 1 tuần.

Những diện tích lúa lên chậm, cây lúa còi cọc, rễ đen hoặc vàng nhiều do sau khi gieo gặp rét hoặc bón không đủ phân lót, nhất là không bón phân lân, phân NPK, có thể khắc phục bằng cách: ruộng có nước 1 sào rắc 15-20kg vôi bột hoặc 20-25 kg phân sufe lân sau đó cào cỏ sục bùn. Ruộng cạn nước có thể phun chế phẩm K-H của Cty Thanh Hà hoặc phân bón lá Amin của Viện Nông hóa thổ nhưỡng.

Những diện tích lúa lên chậm hoặc mật độ thưa nhất là những nơi mới sạ lần đầu bà con không nên sốt ruột vội phá đi, trên 1m2 chỉ cần 25 - 30 dảnh là đủ vì lúa gieo sạ đẻ nhiều, sau đó 10 - 15 ngày sau lúa gieo sạ sẽ tốt hơn lúa cấy.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-luu-y-khi-trong-lua-nep Một số lưu ý khi… bien-phap-cham-soc-lua-vu-xuan-2019 Biện pháp chăm sóc lúa…