Mô hình kinh tế Những Mô Hình Cải Tạo Cà Phê Vối

Những Mô Hình Cải Tạo Cà Phê Vối

Ngày đăng 12/06/2013

Cải tạo diện tích cà phê vối (cà phê robusta) già cỗi, năng suất thấp bằng biện pháp ghép cành, ghép chồi đang được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng và các địa phương có diện tích cà phê lớn trong tỉnh quan tâm. Từ kết quả đã đạt được những năm gần đây, Bảo Lâm đang là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công tác này, và đã xuất hiện không ít mô hình cải tạo cà phê bằng biện pháp này có kết quả cao cả về kinh tế lẫn xã hội.

Ông K’Kras, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) là một trong những hộ nông dân trồng cà phê vối sớm nhất tại địa phương. Năm 1981 vườn cà phê của gia đình ông chỉ có 0,2 ha thì tới nay đã lên tới 1,7 ha gồm 1,3 ha trồng bằng hạt và 0,4 ha cà phê ghép đầu dòng. Do được trồng bằng hạt lấy ngay tại địa phương nên 1,3 ha cà phê của ông đã bị nhiễm bệnh rỉ sắt và bệnh nấm hồng nặng, năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 2,5 tấn/ha.

Nhận thức được hiệu quả của việc cải tạo vườn cà phê, từ năm 2007, ông đã tiến hành thay thế diện tích cà phê bị nhiễm bệnh bằng giống cà phê ghép dòng vô tính do Viện Cà phê Đắc Lắc sản xuất trên diện tích 0,4 ha; diện tích này sau 4 năm thâm canh đã cho năng suất 4 tấn nhân/ha/năm. Những năm gần đây, ông đang tiến hành cải tạo 1,3 ha cà phê trồng hạt trước đây bằng việc ghép chồi và ghép cành dòng cà phê TR4 và một vài dòng cà phê ghép địa phương có khả năng kháng bệnh rỉ sắt và nấm hồng cao.

Do nắm chắc kỹ thuật ghép và chăm sóc vườn cây sau ghép, tỷ lệ cây và chồi ghép sống đạt trên 95%, từ thực tế của gia đình mình, ông K’Kras cho rằng, vườn cà phê giống ghép đã cho năng suất cao hơn từ 1,5 tới 2 lần so với trước khi ghép; việc trồng cà phê ghép còn giúp nông dân giảm được công phun thuốc và công tỉa cành tạo tán, dễ thu hoạch (năng suất thu hoạch cà phê tươi có thể đạt 300-500 kg quả/công lao động).

Tại xã Lộc Nam, hộ ông Đào Duy Phi cũng đã trở thành một điển hình trong ghép cải tạo cà phê vối bằng các dòng cà phê vô tính. Việc cải tạo vườn cà phê vối năng suất và chất lượng thấp được ông Phi áp dụng từ năm 2005 và tới nay đã khẳng định được hiệu quả cao. Sau khi tham quan thực tế những mô hình vườn cà phê vô tính năng suất chất lượng cao ở trong và ngoài tỉnh, ông đã chọn các giống cà phê đầu dòng như TR4,TR9 để ghép cải tạo vườn cà phê của gia đình.

Thực hiện khá bài bản những kỹ thuật thâm canh cà phê ghép dòng vô tính mà ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo như đánh bồn, bón phân đúng lúc và bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, trồng cây che bóng… chỉ sau ghép 24 tháng vườn cà phê của gia đình ông Định đã có năng suất 4 tấn nhân/ha/năm, sau 36 tháng năng suất này đã lên tới 6 tấn nhân/ha/năm. Tính toán của ông Đào Duy Phi thì ở thời điểm này, vườn cà phê được ghép sau 3 năm của gia đình ông đã đạt năng suất 5 tấn nhân/ha cho thu hoạch 200 triệu đồng, lợi nhuận (sau khi trừ các chi phí đầu tư và công lao động) trên 100 triệu đồng/ha.

Hiện tại nhiều hộ nông dân trong xã đã tới tham quan vườn cà phê ghép của gia đình ông Phi, đồng thời xin chồi cà phê để thực hiện kỹ thuật ghép cải tạo cà phê vối bằng các dòng cà phê vô tính.

Lộc Ngãi là xã có đông đồng bào DTTS đang sinh sống bằng sản xuất cây cà phê, cây chè và ghép cải tạo vườn cà phê vối bằng các dòng cà phê vô tính hiện đang được Đảng bộ và chính quyền xã vận động nhân dân thực hiện gắn với công tác xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê của UBND xã thì Lộc Ngãi hiện có 4.233 ha cà phê (chủ yếu là cà phê vối - cà phê robusta) đang canh tác với năng suất bình quân 2 tấn nhân/ha/năm) và đã có trên 1.125 ha được cải tạo bằng phương pháp ghép chồi, ghép cành. Với lợi nhuận thu được trên 100 triệu đồng/ha/năm từ vườn cà phê ghép, đã có 450 hộ thoát được nghèo, 400 hộ xây được nhà mới khang trang.

Nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, UBND xã Lộc Ngãi đang vận động và hỗ trợ nông dân- nhất là hộ đồng bào DTTS - thực hiện ghép cải tạo vườn cà phê vối đã có trên 30 năm tuổi bằng biện pháp đào bỏ những cây có bộ rễ quá yếu, trồng dặm thay thế bằng giống cà phê mít để tiến hành ghép chồi hoặc ghép cành; cưa đốn những cây cà phê đã cao từ 5-6m và ghép chồi cải tạo và ghép bổ sung dưới tán để “trẻ hóa” vườn cà phê đang kinh doanh nhưng năng suất thấp.

Rõ ràng với một địa phương có diện tích cà phê vối lớn và đông dân cư là đồng bào DTTS như huyện Bảo Lâm thì việc ghép cải tạo vườn cà phê bằng các dòng cà phê vô tính với hiệu quả đã được khẳng định sẽ là định hướng đúng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nó cho phép địa phương sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới về tăng thu nhập và hạ tỷ lệ hộ nghèo.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-thap-thom-voi-gia-rau Nông Dân Thấp Thỏm Với… mot-nong-dan-che-tao-thanh-cong-may-ap-trung-ga Một Nông Dân Chế Tạo…