Mô hình kinh tế Những Mô Hình Chăn Nuôi Tổng Hợp Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Những Mô Hình Chăn Nuôi Tổng Hợp Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Ngày đăng 07/07/2014

Những năm gần đây, trên địa bàn xã Quang Lịch (Kiến Xương - Thái Bình) có nhiều gia đình lựa chọn mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp để phát triển kinh tế. Ði đầu trong phong trào phát triển kinh tế này là ông Nguyễn Hữu Mạnh, thôn Luật Trung.

Nhờ mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, đã giúp gia đình ông thoát nghèo, có điều kiện nuôi con cái học hành và trở thành hộ có điều kiện kinh tế khá giả trong xã. Hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông đang cho thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.

Trước đây, gia đình ông Mạnh là một trong những gia đình nghèo trong xã, thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng nên kinh tế rất khó khăn. Với suy nghĩ, quyết tâm thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc ông không ngừng suy nghĩ và tìm tòi những hướng đi mới nhằm phát triển kinh tế.

Vốn có kinh nghiệm trong việc làm giống gia cầm từ trước nên đến năm 2013, ông Mạnh đã bàn bạc cùng với gia đình chuyển đổi thêm hơn 1.000m2 đất cấy lúa kém hiệu quả sang mở rộng diện tích chăn nuôi. Khi mới bắt tay vào làm kinh tế, vì vốn ít nên ông Mạnh thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm.

Trong quá trình làm kinh tế, ông cũng như nhiều người chăn nuôi khác trên địa bàn đã gặp không ít khó khăn do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ðể có kinh nghiệm chăn nuôi, ông tự dành thời gian để tìm hiểu các tài liệu, sách báo về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó ông còn tích cực tham quan các mô hình chăn nuôi có hiệu quả trong và ngoài xã, tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh.

Do nắm vững kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi của gia đình ông luôn sinh trưởng phát triển tốt, lứa sau luôn cho thu hoạch ổn định và cao hơn lứa trước. Hiện nay mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông thường xuyên duy trì nuôi trên 3.000 con gà ri lai, 350 con vịt đẻ, 800 con vịt thịt, ngoài ra ông còn dành gần 500m2 đào ao nuôi các loại cá truyền thống. Hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông cho thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.

Khi được hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Mạnh không ngần ngại chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như nhiều người chăn nuôi khác phải thường xuyên tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay, tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, đồng thời rút kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm.

Ðể đàn vật nuôi phát triển tốt thì khâu chọn giống là quan trọng nhất, con giống phải chuẩn, sạch bệnh và chất lượng; thứ hai, phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ, thường xuyên tiêu độc, sát trùng vệ sinh chuồng trại...”.

Nhờ thực hiện nghiêm việc tiêm phòng định kỳ nên đàn gia cầm của gia đình ông luôn phát triển tốt. Không những làm kinh tế giỏi, ông Mạnh còn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với những người chăn nuôi trong và ngoài xã.

Hiện nay có rất nhiều người chăn nuôi đến gia trại của ông để tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Trong nhiều năm liền, ông liên tục được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; được Hội Nông dân huyện tặng nhiều giấy khen về sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ðể có thể tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi, trong thời gian tới, ông rất mong muốn Nhà nước cần có chính sách quan tâm nhiều hơn nữa, phù hợp hơn đến người nông dân; có các nguồn vốn hỗ trợ vốn đầu tư, giống có chất lượng, ổn định giá thức ăn, thuốc thú y và đầu ra sản phẩm cho các hộ gia đình chăn nuôi; xây dựng các trung tâm giết mổ để ổn định đầu ra cho sản phẩm và kiểm soát dịch bệnh; thành lập và có cơ chế hỗ trợ cho các câu lạc bộ để người chăn nuôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phương pháp làm ăn có hiệu quả.

Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại, tăng dần số lượng đàn gia cầm; lựa chọn, đưa một số con vật nuôi mới vào nuôi thử nghiệm để phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông còn bố trí quy hoạch lại khu vực chuồng trại chăn nuôi để bảo đảm phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Theo ông Nguyễn Công Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lịch cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn xã xuất hiện một số hộ gia đình đã mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Hiện nay, toàn xã có khoảng 70 gia đình tham gia xây dựng mô hình trang trại, gia trại, mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.

Ðể hỗ trợ kinh nghiệm cho người nông dân trong việc chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục có kế hoạch mở lớp tập huấn với sự hướng dẫn của các bác sĩ thú y nhằm giúp người nông dân có kiến thức chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, Hội sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND xã có các chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân đấu thầu đất dài hạn để người chăn nuôi trong xã có thể yên tâm chú trọng phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.


Có thể bạn quan tâm

mua-trai-chin Mùa Trái Chín lao-cai-nhan-rong-mo-hinh-nuoi-ca-hoi-van Lào Cai Nhân Rộng Mô…