Mô hình kinh tế Những Mô Hình Liên Kết Manh Nha

Những Mô Hình Liên Kết Manh Nha

Ngày đăng 18/11/2014

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Tháp có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, chính quyền các địa phương và nông dân cũng đã năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hình thành được chuỗi khép kín thông qua mối liên kết “4 nhà”.

Tiêu biểu là mô hình liên kết và tiêu thụ đậu bắp Nhật tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung. Ông Nguyễn Viết Dều (cán bộ nông nghiệp xã Tân Hòa, Lai vung) kể, cách đây gần 10 năm, trong một lần đưa con đi học, ngang qua Hợp tác xã (HTX) Tân Thành Lợi (Vĩnh Long), tình cờ thấy người dân chở nông sản tới bán và được công ty thu mua ngay. Thấy cung cách mua bán chặt chẽ, ông lân la hỏi thăm và mời gọi HTX mở rộng diện tích sang xã Tân Hòa.

Thời gian đầu, mỗi đợt thu hoạch, bà con phải chuyển sản phẩm xuống HTX, sau đó HTX gom hàng ký kết với Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu. Về sau ông trực tiếp liên hệ trực tiếp với Công ty Thủy sản Bạc Liêu đề nghị về địa phương ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu đầu ra.

Qua thời gian thực hiện, nhận thấy hiệu quả khá cao và ổn định nên hiện nay ngoài Tân Hòa, các xã lân cận như Vĩnh Thới, Tân Thành cũng mở rộng diện tích trồng đậu bắp Nhật lên hơn 70ha và được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Với việc kết nối thành công mô hình liên kết tiêu thụ đậu bắp Nhật, ông Dều góp phần giải quyết đầu ra cây đậu bắp cho bà con trên địa bàn huyện.

Mô hình liên kết tiêu thụ lúa tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông do UBND huyện Tam Nông mời gọi Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà triển khai gần 3 năm trở lại đây cũng được đánh giá cao về tính hiệu quả.

Ông Võ Văn Đào - Giám đốc HTX Tân Tiến cho biết, hoạt động liên kết tiêu thụ với công ty bắt đầu từ vụ hè thu năm 2012 với diện tích 400ha. Công ty đến tận ruộng mua lúa tươi cho nông dân và hỗ trợ mỗi kg lúa 200 đồng. Đến nay, qua 6 vụ liên kết, số lượng lúa 3 HTX của Phú Đức bán cho công ty lên đến 30.000 tấn.

Từ đó, nông dân Phú Đức được hưởng thêm 6 tỷ đồng từ hỗ trợ của doanh nghiệp. Điều đáng ghi nhận từ mô hình liên kết này là nông dân thay đổi được tập quán sản xuất, không “chạy theo đuôi thị trường” mà thực hiện theo cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp, sản xuất tập trung và theo quy trình.

Không chỉ các địa phương, nông dân tìm đến thị trường, ở Đồng Tháp bước đầu đã có những doanh nghiệp chủ động xây dựng mối liên kết với người nông dân. Sản phẩm dưa lê ở xã Tân Hòa là một ví dụ. Thấy ông Nguyễn Viết Dều là người có uy tín trong việc thực hiện mô hình trồng đậu bắp Nhật, sau đó là dưa lê và cho hiệu quả cao nên Công ty Hoàng Vinh (TP.HCM) đến đặt vấn đề liên kết tiêu thụ.

6 năm đầu thực hiện liên kết với công ty, diện tích trồng dưa lê tại xã không tăng, do công ty bó buộc chỉ những hộ trồng trước đây mới có thể mở rộng diện tích. Thấy vậy ông Dều tiếp tục mời gọi thêm Công ty Hồng Quế (Tiền Giang) về mở rộng diện tích và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Do công ty yêu cầu không quá khắc khe, sức tiêu thụ mạnh nên hiện nay trong tổng số hơn 40ha diện tích dưa lê trên địa bàn xã, Công ty Hồng Quế thu mua 70% diện tích. Theo ông Dều, việc 2 công ty bao tiêu sản phẩm cho người dân cùng trên địa bàn sẽ có sự cạnh tranh giữa 2 công ty về giá cả thu mua, từ đó người dân sẽ được hưởng lợi...

Bên cạnh lúa, đậu bắp Nhật, dưa lê... tìm được đầu mối tiêu thụ theo mô hình khép kín, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh cũng thực hiện vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với các địa phương, hộ nông dân.

Nhất là chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa Đồng Tháp với TP.Hồ Chí Minh thời gian gần đây góp phần kết nối được các doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh và doanh nghiệp HTX trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, một số sản phẩm của tỉnh tìm được đầu mối liên kết ổn định, cụ thể: HTX nuôi heo Phú Bình (Châu Thành) ký kết hợp đồng cung cấp 20 ngàn con heo cho Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan); một số sản phẩm của Công ty Bích Chi, Sa Giang và Công ty du lịch Đồng Tháp đã xuất hiện ở hệ thống phân phối của Công ty thương mại Sài Gòn (SATRA), hệ thống siêu thị Saigon Co.op...

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đến nay có 27 doanh nghiệp của TP.Hồ Chí Minh trực tiếp đầu tư với các ngành như: thủy sản, da giày, gạo, phân phối hàng hóa...

Một trong những chương trình góp phần đẩy mạnh mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với thị trường ở Đồng Tháp trong thời gian qua là việc khởi động của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ việc xác định liên kết tiêu thụ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo, tham quan học hỏi kinh nghiệm cho nông dân tại các tỉnh và các nước trong khu vực.

Từ đó, góp phần chuyển biến nhận thức và đổi mới cách làm của bà con nông dân theo xu thế sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần. Qua đây, xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp trong việc liên kết nông dân để tổ chức sản xuất.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, số lượng HTX được kí đầu ra chưa nhiều, các HTX nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xoay sở tìm đầu ra cho nông sản và luôn phải đối mặt với sự bấp bênh, bất ổn của thị trường; ngay cả các sản phẩm đạt chứng nhận an toàn vẫn phải chấp nhận bán trôi nổi ra thị trường vì các HTX vẫn chưa tổ chức được đầu ra cho sản phẩm...

Nguồn bài viết: http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187BAD/Nhung_mo_hinh_lien_ket_manh_nha.aspx


Có thể bạn quan tâm

nam-2014-nong-nghiep-quang-ngai-gianh-nhieu-thang-loi Năm 2014, Nông Nghiệp Quảng… chuyen-doi-dat-lua-co-de Chuyển Đổi Đất Lúa Có…