Cá rô phi Những mối lo ngại về đa dạng sinh học cá rô phi

Những mối lo ngại về đa dạng sinh học cá rô phi

Tác giả 2LUA.VN biên dịch, ngày đăng 24/12/2020

Một nghiên cứu mới đã tiết lộ quy mô lai tạo giữa cá rô phi bản địa và cá rô phi du nhập ở Tanzania.

Cá rô phi sông Nin trốn thoát được lai tạo với các giống địa phương, gây ra mối đe dọa về đa dạng sinh học và tốc độ tăng trưởng của cá nuôi. Ảnh: GS Martin Genner

Theo các tác giả, việc lai tạo giữa cá rô phi nuôi trốn thoát và họ hàng hoang dã của chúng đang có những tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học và sản lượng nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, các chuyên gia cho biết rằng việc lai tạo đang đe dọa đến tình trạng của một quần thể cá rô phi bản địa độc nhất, đồng thời có nguy cơ dẫn đến tình trạng chậm phát triển ở các quần thể cá rô phi nuôi.

Họ lưu ý rằng việc lai chéo có thể gây hại cho cả đa dạng sinh học và năng suất của các trang trại cá, đây là một nguồn thực phẩm quan trọng và mang lại sự ổn định nền kinh tế. Các nhà nghiên cứu (đến từ Đại học Bristol, Đại học Roehampton, Đại học Bangor, Viện Nghiên cứu Thủy sản Tanzania (TAFIRI) và Viện Earlham) hiện đang phát triển nguồn gen để nhanh chóng xác định vấn đề trong quần thể cá để có thể thực hiện hành động.

Cá rô phi sông Nin (Oreochromis niloticus) được nuôi ở nhiều vùng nhiệt đới nhờ vào tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và khả năng chống chịu cao với nhiều điều kiện môi trường của chúng, nhưng những đặc điểm này cũng có nghĩa là chúng có thể vượt trội hơn so với các loài bản địa ở những nơi chúng được du nhập vào. Các giống cá rô phi địa phương (chẳng hạn như Oreochromis korogwe) được biết đến là loài sống ở phía bắc của Tanzania (nhưng gần đây mới được xác định trong các hồ ở phía nam của đất nước này) hiện đang bị đe dọa.

Các tài liệu gần đây của cùng một nhóm nghiên cứu cho thấy rằng cá rô phi sông Nin xâm lấn đã lai với các loài bản địa khác ở Tanzania. Việc bắt được các mẫu vật của loài O. korogwe dường như có chung các đặc điểm của cả cá rô phi bản địa và cá rô phi nuôi đã xác nhận những mối lo ngại này và dấy lên hồi chuông cảnh báo giữa các nhà nghiên cứu.

Tiến sĩ Adam Ciezarek của Nhóm nghiên cứu Haerty tại Viện Earlham cho biết: “Bởi vì chúng tôi đã biết rằng cá rô phi sông Nin có khả năng lai tạo với các loài bản địa nên chúng tôi tự hỏi liệu điều này có thể sản sinh ra vấn đề gì hay không.” “Cá bản địa thường có thể thích nghi với nhiều điều kiện môi trường địa phương riêng biệt, sự thích nghi có thể bị phá vỡ thông qua quá trình lai tạo với cá rô phi xâm lấn.”

Một bảng phân tích di truyền học được thực hiện bằng cách sử dụng tế bào vi mô cho thấy rằng những con cá này thực sự là con lai, nhưng việc giải trình tự toàn bộ bộ gen của các quần thể cá rô phi O. korogwe ở phía bắc và phía nam của Tanzania cho thấy một kết quả khá bất ngờ.

Ciezarek cho biết: “Ngoài việc xem xét các loài cá lai gần đây thì chúng tôi còn muốn xem xét bộ gen của các loài cá khác." “Chúng tôi thấy rằng tất cả những con cá rô phi O. korogwe mà chúng tôi đã điều tra nghiên cứu từ các hồ ở phía nam Tanzania (ngay cả những con trông không giống như cá lai) đều có một số DNA của cá rô phi sông Nin trong bộ gen của chúng.”

Điều thú vị là bằng chứng về sự pha trộn vật chất di truyền này không có ở cá rô phi O. korogwe phương Bắc Tanzania.

Ciezarek cho biết: “Bạn sẽ mong đợi hai quần thể các rô phi O. korogwe trở thành hai quần thể giống nhau nhất." "Nhưng có những đoạn khá dài trong bộ gen mà tại đó cho thấy cá rô phi O. korogwe phương nam và cá rô phi sông Nin là hai loài có mối quan hệ gần gũi với nhau nhất, điều này cho thấy rõ ràng rằng gần đây đã có dòng gen giữa chúng. Đây là những đoạn DNA khá dài, khoảng một nửa nhiễm sắc thể dường như đã được đưa từ cá rô phi sông Nin vào cá rô phi O. korogwe phương nam.”

Một trong những hồ đã được tiến hành lấy mẫu. Ảnh: GS Martin Genner

Tanzania là quê nhà của 13 loài cá rô phi độc nhất (bao gồm cả cá rô phi O. korogwe). Sự khác biệt giữa cá rô phi O. korogwe phương bắc và phương nam Tanzania làm nổi bật lên một trong những điểm đáng bận tâm đối với sự đa dạng sinh học địa phương, theo đó các quần thể cá độc nhất chỉ mới được phát hiện đã bị đe dọa.

Tiến sĩ Antonia Ford thuộc trường Đại học Roehampton cho biết: “Chúng tôi đã xác định được các quần thể cá độc nhất khác biệt với các quần thể khác." “Ngay khi chúng tôi đang mô tả về sự đa dạng sinh học mới đó thì chúng tôi nhận thấy chúng đang lai tạo với các loài đã du nhập. Như thể một loài mới đã bị mất đi thậm chí trước khi chúng tôi biết được chúng đã ở đó."

Quá trình lai tạo cũng có thể có tác động tiêu cực đến các trang trại cá địa phương. Cá lai được du nhập tình cờ có thể lai tạo với các giống cá trong trang trại được lai tạo đặc biệt qua nhiều thế hệ dẫn đến chậm phát triển và giảm năng suất. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng tình trạng này có thể khiến các ao cá mất khả năng mang lại lợi tức như hoạch định.

Do đó, điều quan trọng đối với cả những người nông dân và đa dạng sinh học là phát hiện và ngăn chặn các trường hợp lai tạo như vậy, các nhà nghiên cứu cho biết. Và nhóm nghiên cứu hiện đang phát triển các nguồn gen để giúp các nhà lai tạo và các nhà bảo tồn phát hiện sự lai tạp (ngay cả ở những con cá con mặc dù những con cá lai con thì khó xác định hơn so với những con cá lớn).

“Về lâu về dài, chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu của mình sẽ giúp đưa ra thông tin về việc bảo tồn và quản lý các loài cá rô phi bản địa ở châu Phi, thông qua các biện pháp can thiệp có lợi cho cả môi trường tự nhiên và con người,” Giáo sư Martin Genner thuộc trường Đại học Bristol cho biết.

“Bước quan trọng tiếp theo sẽ là xây dựng sự hiểu biết đầy đủ hơn về hệ sinh thái kết hợp,các yếu tố xã hội và kinh tế làm nền tảng cho sự tác động của các loài xâm lấn và điều này sẽ cho phép người nông dân tính toán để xác định và thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh lương thực một cách đồng đều.”


Có thể bạn quan tâm

ca-ro-phi-dinh-duong-than-thien-voi-moi-truong Cá rô phi - Dinh… cai-thien-mo-hinh-nuoi-ca-ro-phi-ao-dat-bang-zeolit Cải thiện mô hình nuôi…