Mô hình kinh tế Ninh Bình Đẩy Mạnh Nuôi, Trồng Thủy Sản Nước Ngọt

Ninh Bình Đẩy Mạnh Nuôi, Trồng Thủy Sản Nước Ngọt

Ngày đăng 25/04/2014

Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt nói riêng. Những kết quả đạt được về nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần tích cực vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ninh Bình có hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt. Ngoài việc khuyến khích nông dân tận dụng tối đa diện tích mặt nước sẵn có, tỉnh ta còn vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ những chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng trồng thủy sản hoặc xây dựng mô hình kết hợp lúa - cá.

Nhờ đó, những năm qua nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt của tỉnh ta phát triển khá nhanh về diện tích, sản lượng, giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ sản tỉnh, năm 2013 tỉnh ta có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản là trên 10.200 ha, trong đó diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt trên 7.500 ha/tăng 246 ha so với năm 2012. Tổng sản lượng nuôi vùng nước ngọt ước đạt trên 19.000 tấn tăng 2.000 tấn so với năm 2012.

Các đối tượng nuôi đã đa dạng hơn, ngoài đối tượng chính là những con nuôi truyền thống có hiệu quả kinh tế, ít đòi hỏi về mặt kỹ thuật nuôi, rủi ro thấp và có thị trường tiêu thụ ổn định như cá trắm, chép, mè, trôi… thì những năm gần đây qua việc xây dựng mô hình, tỉnh ta đã khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích một số đối tượng mới có hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các đối tượng truyền thống góp phần tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản nước ngọt, như: cá lóc bông, cá trắm đen, cá chép lai…

Nhiều địa phương đã xây dựng được những vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha như ở xã Khánh Thành (Yên Khánh), xã Yên Thắng (Yên Mô), Gia Xuân (Gia Viễn),…

Để chủ động về nguồn giống cung cấp cho các hộ nuôi, tỉnh ta còn chú trọng đầu tư phát triển sản xuất giống thủy sản nước ngọt. Năm 2013, Trung tâm Giống thuỷ sản nước ngọt tỉnh đã sản xuất được trên 7,7 triệu con cá bột các loại (cá rô đầu vuông, cá rô tổng trường, cá chuối, cá chép lai).

Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản tỉnh còn triển khai một số dự án sản xuất giống như: Dự án hỗ trợ sản xuất giống cá chép tại Gia Viễn sản xuất được 20,2 triệu con cá bột và ương nuôi thành công 3,2 triệu cá chép hương chất lượng cao cung cấp nhu cầu con giống của nhân dân sản xuất thuỷ sản trong vùng.

Mặc dù nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt của tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích, sản lượng, giá trị đều tăng nhưng hình thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến và bán thâm canh, còn thâm canh vẫn ở quy mô nhỏ; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất còn rất hạn chế, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, thiếu kiểm soát nên việc đầu tư vốn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các loại truyền thống nên sản lượng và giá trị sản xuất không cao, còn các đối tượng mới đòi hỏi người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật nên việc nhân rộng diện tích còn gặp khó khăn.

Việc xây dựng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt có hiệu quả cao đã thành công nhưng chậm được nhân rộng, các vùng nuôi tập trung đã hình thành nhưng phát triển chậm. Sản xuất giống tại chỗ đã được quan tâm nhưng chậm phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương, đặc biệt là các giống thuỷ sản chủ lực. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản nước ngọt còn thiếu, đặc biệt là các vùng sản xuất trọng điểm thiếu cán bộ có chuyên môn kỹ thuật.

Để thuỷ sản nước ngọt phát triển bền vững, thời gian tới ngành thuỷ sản tỉnh cần đánh giá cụ thể về tiềm năng, thế mạnh, thực trạng của nuôi thuỷ sản nước ngọt, từ đó có những tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch cụ thể, chi tiết cho từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng nuôi, đồng thời có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nuôi kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh đầu tư sản xuất giống thuỷ sản nước ngọt tại địa phương để chủ động nguồn giống, đảm bảo chất lượng và giá thành.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư như: Tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho ngư dân; tuyên truyền về nội dung, thời gian, mùa vụ; khuyến khích áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn VietGap trong nuôi trồng thuỷ sản và công nghệ nuôi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường...


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ca-long-tren-long-ho-thuy-dien Nuôi Cá Lồng Trên Lòng… binh-dinh-ho-tro-ngu-dan-danh-bat-ca-ngu-dai-duong Bình Định Hỗ Trợ Ngư…