Mô hình kinh tế Nông Dân Cà Mau Bất An Trước Vụ Mía Mới

Nông Dân Cà Mau Bất An Trước Vụ Mía Mới

Ngày đăng 22/09/2014

Vài tháng nữa, vùng mía nguyên liệu trên 1.800ha ở Cà Mau sẽ vào mùa thu hoạch, nhưng tâm trạng người trồng mía rối như “tơ vò” vì chẳng biết bán mía cho ai…

* Lo lắng!

Cả tuần nay, ông Phan Công Định (ấp 11, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) đứng ngồi chẳng yên, lâu lâu lại lấy điện thoại hỏi người cháu đang công tác tại TP Cà Mau coi có thương lái nào quen thân chuyên thu mua mía ở miệt Cần Thơ, Hậu Giang mai mối giúp.

Gần cả chục năm gắn bó với cây mía nhưng đây có lẽ là vụ mía mà ông Định thấy bất an nhất. “Hổng lo sao được bởi ruộng mía xanh rì hơn 5ha sau nhà đang tốt tươi, chừng hơn 2 tháng nữa sẽ thu hoạch, nhưng chưa biết bán cho ai, giá cả ra sao!

Vụ mía năm ngoái chỉ huề vốn vì thương lái thu mua giá thấp. Đặt nhiều hy vọng gỡ gạc vào vụ mía 2014 này nhưng nghe nói tới đây nhà máy đường Thới Bình sẽ đóng cửa, kỳ vọng ấy càng mong manh...” - ông Định than vãn. Ông cũng chia sẻ thêm: “Ở Cà Mau chỉ có mỗi nhà máy đường Thới Bình, thu mua sản phẩm của nông dân. Họ ngừng hoạt động thì những người trồng mía như tôi biết bán cho ai bây giờ”.

Anh Võ Minh Thắng, có ruộng mía hơn 2ha ở ấp 9 (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình), cho hay nếu thương lái từ tỉnh khác xuống mua mía, thế nào giá mía cũng xuống rất thấp vì phải tốn chi phí chuyên chở đường dài. “Trên đó diện tích mía lớn lắm, họ mua còn không hết chạy xuống tận đây chi cho mắc công. Kỳ này chắc đốn mía chuyển sang cây trồng khác quá…” - ông Thắng nói.

Ngày 28-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tạm đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với Nhà máy đường Thới Bình (Nhà máy đường duy nhất của Cà Mau) vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Anh Lê Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bằng (huyện Thới Bình), cho biết: “Nhà nông địa phương đang rất lo vì chuyện bán mía. Xã đã liên hệ một số nhà máy mía đường ở những tỉnh khác nhưng phần lớn đều từ chối thu mua vì đường vận chuyển quá xa”.

Mới đây (ngày 4-9), trong một cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết vùng nguyên liệu mía của huyện đang bị thu hẹp trước sức ép của giá cả thị trường, lợi nhuận thấp. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, trong tổng số khoảng 1.700ha mía (theo quy hoạch) đã có 200ha người dân tự phát chuyển qua cây trồng, vật nuôi khác mà chủ yếu chuyển qua nuôi tôm.

* Kiến nghị gỡ khó

Vùng mía nguyên liệu Cà Mau trên 1.830ha với hơn 1.700 hộ canh tác, tập trung chủ yếu ở huyện Thới Bình (khoảng 1.500ha), còn lại là U Minh và Trần Văn Thời. Phần lớn sản phẩm cung ứng cho Công ty Cổ phần Mía đường Tây Nam, trụ sở chính tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Công ty này quản lý 2 nhà máy mía đường Thới Bình và Kiên Giang, bình quân mỗi năm thu mua khoảng 120.000 tấn mía nguyên liệu của hơn 1.700 hộ trồng mía Cà Mau và khoảng 2.000 hộ dân trồng mía các huyện lân cận của tỉnh Kiên Giang.

Ông Vưu Văn Út, Giám đốc Nhà máy đường Thới Bình thừa nhận, Nhà máy đường Thới Bình chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải đúng với Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thống nhất yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải xây dựng hố bê tông chứa nước thải xử lý trước khi thải ra môi trường thay cho việc đắp bờ bao như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Út hiện đang vào cao điểm mùa mưa nên việc khắc phục và thi công gặp rất nhiều trở ngại. “Từ lý do đó, lãnh đạo đơn vị kiến nghị xin được tiến hành xây dựng vào cuối tháng 1-2015. Chúng tôi cũng có tờ trình gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xin điều chỉnh đánh giá tác động môi trường theo đúng với thực tế sản xuất của nhà máy, thay vì công suất hệ thống xử lý nước được phê duyệt 1.000m3/ngày đêm giảm xuống còn 180m3/ngày đêm” – ông Út, đề xuất.

Chia sẻ khó khăn với người trồng mía địa phương, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho Nhà máy đường Thới Bình gia hạn thời gian hoạt động đến ngày 30-6-2015 vì vụ thu hoạch mía đang rất gần, nếu đình chỉ hoạt động nông dân khó tìm nơi tiêu thụ mía với giá tốt nhất.

“Dân bán không được mía sẽ kéo theo nhiều bất ổn về kinh tế, xã hội. Nếu đề xuất được chấp thuận, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc Nhà máy đường Thới Bình khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định và quản lý chặt trong quá trình gia hạn” – ông Dương Tiến Dũng nói.

Canh tác mía lợi nhuận thấp nên nhiều hộ gắn bó lâu đời đã phá bỏ cây mía để chuyển qua nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa. Diện tích chuyển dịch tự phát ấy có khả năng tăng lên nhiều hơn nếu đầu mối thu mua mía quan trọng nhất của Cà Mau tạm ngừng hoạt động.


Có thể bạn quan tâm

phu-yen-xuat-hien-rep-sap-bot-hong-hai-san Phú Yên Xuất Hiện Rệp… gia-bap-su-tim-cao-ky-luc Giá Bắp Sú Tim Cao…