Mô hình kinh tế Nông Dân Cần Cẩn Trọng Khi Dùng Thuốc Diệt Cỏ

Nông Dân Cần Cẩn Trọng Khi Dùng Thuốc Diệt Cỏ

Ngày đăng 01/11/2013

Chuẩn bị bước vào vụ đông xuân, thay vì cách làm truyền thống phát dọn cỏ trước khi gieo sạ, không ít nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh lựa chọn cách dùng thuốc để diệt cỏ. Việc lạm dụng quá mức thuốc diệt cỏ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà cả sức khỏe con người.

Phương thức diệt cỏ "hữu hiệu"!

Thời điểm này, khi dọc theo những cánh đồng ở xã Phổ Cường (Đức Phổ - Quảng Ngãi) không khó để người đi đường bắt gặp hình ảnh những đám cỏ trên ruộng cháy khô bởi thuốc diệt cỏ. Để diệt cỏ trên diện tích ruộng vụ trước hầu hết bà con nông dân ở đây đều sử dụng thuốc diệt cỏ.

Đang phun thuốc diệt cỏ trên diện tích 2 sào lúa của gia đình, ông Huỳnh Văn Mỹ ở xã Phổ Cường cho biết: Vụ mùa trước hạn hán, gia đình không gieo sạ được, nên cỏ mọc nhiều, tôi phải phun thuốc để diệt cỏ mới diệt nổi, chứ làm theo phương thức thủ công như cày, xới đất không hiệu quả.

Theo tính toán của ông Mỹ: Nếu bỏ công lao động ra làm cỏ thì phải mất 4 - 5 ngày, nhưng nếu dùng thuốc thì chỉ cần bỏ ra vài ba chục nghìn mua thuốc diệt cỏ và thực hiện công đoạn phun thuốc. Sau vài ngày phun thuốc, cỏ sẽ bị cháy khô, có thể đốt và bắt tay vào gieo sạ vụ mới, vừa tiện lợi, rẻ tiền, ít tốn công sức mà hiệu quả lại cao.

Chính tâm lý đó, qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều diện tích ruộng ở xã Phổ Cường, Phổ Khánh (Đức Phổ) nông dân đã sử dụng thuốc diệt cỏ một cách tràn lan. Nhiều cửa hàng, đại lý bán sỉ và lẻ các loại thuốc trừ cỏ vào thời điểm này rất hút hàng.

"Người ta phun thuốc diệt cỏ khắp nơi. Mỗi khi đi qua những cánh đồng đúng thời điểm nông dân phun thuốc diệt cỏ, mùi thuốc xộc thẳng vào mũi rất khó chịu. Đặc biệt, những người chăn thả trâu bò trên đồng cũng rất lo lắng và luôn canh chừng, sợ trâu bò ăn phải cỏ đã phun thuốc"- bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Phổ Cường cho hay.

Không riêng gì xã Phổ Cường, Phổ Khánh mà tại nhiều địa phương khác tình trạng bà con nông dân dùng thuốc để diệt cỏ, đặc biệt trên những diện tích khô hạn mùa vụ trước, trước khi gieo sạ diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là không ít người lạm dụng thuốc quá mức và sử dụng thuốc không đúng cách dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc hại cho sức khỏe người dân, gia súc và môi trường.

Con dao 2 lưỡi

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, hầu hết nông dân đều sử dụng các loại thuốc trừ cỏ để hạn chế tối đa sự phát triển của cỏ dại trên đồng ruộng, giúp giảm cơ bản công làm cỏ và hạn chế sự cạnh tranh về dinh dưỡng trong đồng ruộng, giúp các loại cây trồng hấp thu tối đa lượng dinh dưỡng trong đất… Hơn nữa cỏ dại bị tiêu diệt sớm giúp nông dân dễ dàng làm đất tơi xốp, hạn chế được một số loại bệnh gây hại cho lúa về sau, nhất là bệnh nghẹt rễ, vàng lá…

Tuy nhiên, thuốc trừ cỏ là loại thuốc có tính độc cao, nó như con dao 2 lưỡi, nếu người dân sử dụng thuốc, thực hiện không đầy đủ theo quy trình “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách) thì không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người phun thuốc, mà dư lượng thuốc còn gây tác hại đến môi trường sống của cộng đồng dân cư và ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.

Ông Phạm Bá- Chi cục phó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để giúp các cơ quan chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh lựa chọn và sử dụng thuốc diệt cỏ, Chi cục đã có định hướng sử dụng một số loại thuốc trừ cỏ có hiệu quả. Theo đó, nếu dùng thuốc lưu dẫn để diệt cả mầm và gốc cỏ thì nông dân nên dùng một trong các loại thuốc như: Roundup 480SC, Vibphosate 480DD, Niphosate 480SC, Dream 480SC, Bravo 480SC... các loại thuốc này phải phun trước khi sạ ít nhất 15-20 ngày.

Cùng với đó, nếu nông dân dùng thuốc gây cháy trực tiếp như: Gramoxone 20SL hoặc Agamoxone 267SL... thuốc này gây cháy lá sau phun 1-2 giờ nhưng không diệt được thân và mầm cỏ, do đó phải sử dụng trước khi làm đất gieo sạ từ 5-7 ngày.

Để phát huy tốt mặt tích cực của các loại thuốc trừ cỏ, đồng thời hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu của chúng, ông Phạm Bá- Phó Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Ruộng phun thuốc cỏ phải tháo cạn nước, hạn chế nước đọng vũng; cỏ, lúa chét phải xanh tốt và không dính bùn trên lá; phun thuốc phải ướt đẫm lá, có thể phun cả cỏ bờ; phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát và sau khi phun ít nhất 4 giờ trời không mưa thì thuốc mới có hiệu quả.

Trước những tác hại của thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng và tình trạng dùng thuốc tràn lan của nông dân, thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, tránh việc sử dụng thuốc tràn lan, đặc biệt là mua, sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc, để tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-thu-lai-hon-10-trieu-dong-sao-ca-chua-ghep-tren-goc-ca-tim Nông Dân Thu Lãi Hơn… thanh-giam-doc-tu-50-con-ga Thành Giám Đốc Từ 50…