Nông dân đầu tư nuôi bò sữa
Đến xóm 3, xã Nghĩa Hợp, chúng tôi vào nhà anh Nguyễn Hùng Sơn, là người đi đầu chăn nuôi bò sữa theo mô hình gia đình trên đất Tân Kỳ. Một ngôi nhà ở được xây dựng kiên cố, khang trang, cạnh bên là khu chuồng trại chăn nuôi, với 10 con bò sữa (giống bò Úc).
Trang trại nuôi bò sữa quy mô 50 con của anh Nguyễn Thu Ngoạn, xóm Cồn Chùa, xã Nghĩa Đồng đang được xây dựng.
Chị Lê Thị Lương (vợ anh Sơn) đang vệ sinh chuồng trại, cho biết: Trước đây nuôi bò thịt không tốn nhiều chi phí mua con giống và mua thức ăn hàng ngày, chăm sóc đơn giản, không mất nhiều công sức dọn vệ sinh thế này. Khi mới chuyển sang nuôi bò sữa, chị khá lúng túng khâu kỹ thuật chăm sóc, nhưng được cán bộ của Công ty sữa Vinamilk hướng dẫn nên chị đã áp dụng thành công từ khâu chăm sóc đến vắt sữa.
Giống bò sữa thích nghi với nhiệt độ thoáng mát, vì thế chuồng bò phải làm nơi khô ráo, sạch sẽ, chuồng phải chia ra từng ngăn để nhốt riêng từng con, thuận tiện trong việc vắt sữa và đảm bảo vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi.
Nuôi bò sữa đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng và thời gian cho ăn hàng ngày, bởi có cán bộ của Công ty sữa Vinamilk trực tiếp kiểm tra chấm điểm các khâu chăm sóc, từ vệ sinh môi trường chuồng trại, thức ăn… trong từng ngày.
Chị Lương cho biết: Tháng 8/2014, gia đình đầu tư 240 triệu đồng, mua 4 con bò sữa đã trưởng thành, trong đó 2 con đang mang thai, cùng với xây dựng chuồng trại khoảng 200 triệu đồng. Sau 11 tháng chăn nuôi, 4 con bò đã sinh sản được 4 con me. 4 con bò trưởng thành, mỗi ngày vắt sữa 2 lần vào buổi sáng và cuối chiều, 1 con bò vắt được từ 30 - 40 lít sữa, sản phẩm sữa nhập cho Công ty sữa Vinamilk. Với 4 con bò, mỗi ngày gia đình thu được từ 1,2 - 1,6 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi khoảng 50%.
Cái được lớn hơn là 4 con bò đã sinh sản được 4 con me, mỗi con hiện có giá 40 triệu đồng, khách hàng đến mua nhưng gia đình không bán, vì anh chị đang hướng mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới.
Nói về hiệu quả kinh tế, chị Lương, bộc bạch: Từ khi lập gia đình đến nay, vợ chồng tôi cũng bảo nhau chăm chỉ làm ăn, tích cực nhận thêm ruộng sản xuất, cùng với chăn nuôi bò, lợn, gà nhưng kinh tế gia đình không dư dật được mấy. Từ khi chăn nuôi bò sữa đến nay, tuy thời gian ngắn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt.
Từ mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Nguyễn Hùng Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số gia đình khác trong xóm 3, xã Nghĩa Hợp mạnh dạn đầu tư mua bò sữa về nuôi, như gia đình các anh Nguyễn Văn Mạnh, Trần Duy Cường, Chu Văn Loan… Tuy nhiên, vì nguồn vốn có hạn nên mỗi gia đình kể trên bước đầu mua về 2 con bò, phương châm là nhân dần đàn bò sữa tại chỗ.
Đặc biệt, có gia đình anh Nguyễn Thu Ngoạn, ở xóm Cồn Chùa, xã Nghĩa Đồng, đang đầu tư trên 5 tỷ đồng, xây dựng trang trại có quy mô nuôi được một lúc 50 con bò sữa.
Trang trại của anh Ngoạn xây dựng trên một bãi đất màu cao cưỡng gần mép sông Con, cách xa khu dân cư, trại được lợp ngói, nền lát bê tông, có đầy đủ hệ thống làm mát, hệ thống bơm tiêu vệ sinh hợp lý.
Anh Ngoạn, cho biết: Đối với bò sữa được nhập từ Úc về, ưa khí hậu lạnh mát, nên chuồng trại bắt buộc phải thiết kế đảm bảo thoáng mát về mùa hè, xung quanh không được xây tường bao, kết hợp với hệ thống phun sương, để bò chịu đựng được mùa hè nắng nóng. Mới rồi, anh đã mua về 5 con bò, trị giá 300 triệu đồng, qua theo dõi cho thấy, bò ăn uống bình thường, phát triển tốt.
Tới đây anh sẽ chuyển về 20 con bò nữa, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động tại chỗ. Trang trại của anh Ngoạn rộng tới 5 ha, có được diện tích lớn như vậy là nhờ chủ trương tích tụ ruộng đất của xã. Trong đó, anh dành 1 ha xây dựng chuồng trại, còn lại 4 ha trồng cỏ voi, đảm bảo đủ thức ăn thô cho đàn bò trong tương lai.
Trại bò sữa của gia đình chị Lê Thị Lương ở xã Nghĩa Hợp cho thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng từ tiền bán sữa.
Ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ, cho biết: Đổi mới trong chăn nuôi là hướng đi phù hợp và cần thiết đối với nông dân hiện nay. Việc 5 hộ dân ở Nghĩa Hợp và Nghĩa Đồng đầu tư nuôi bò sữa là hướng đi mới, phù hợp với điều kiện về vị trí địa lý và tiềm năng đất đai cần được khuyến khích và nhân rộng. Đất sản xuất của những địa phương này chủ yếu là đất pha cát, rất thuận lợi cho trồng cỏ voi, có điều kiện giao thông thuận lợi, đó là tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua.
Tuy nhiên, thời gian qua, phía Công ty sữa Vinamilk mới ký hợp đồng với gia đình, chưa có sự hợp tác với chính quyền cấp huyện, do vậy để người nông dân yên tâm sản xuất, chăn nuôi, huyện đã chủ động gặp gỡ phía công ty để hợp tác, phối hợp giữa “3 nhà” để có sự liên kết chặt chẽ hơn.
Khi các hộ chăn nuôi ổn định, phòng Nông nghiệp sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo địa phương thành lập HTX chăn nuôi bò sữa, sau đó xây dựng đề án phát triển bò sữa theo mô hình gia đình, hướng đến mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ