Tin thủy sản Nông dân ĐBSCL tất bật khôi phục thả tôm

Nông dân ĐBSCL tất bật khôi phục thả tôm

Tác giả Nhóm PV ĐBSCL, ngày đăng 27/05/2016

Tái thả tôm nuôi

Dọc theo các xã chuyên nuôi tôm - lúa ở ven biển thuộc các huyện vùng U Minh Thượng, Kiên Giang, nông dân đang tất bật cải tạo lại vuông nuôi sau những tháng thất bát do nắng hạn và độ mặn tăng cao.

Ông Trần Văn Tính, xã Thuận Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang), có hơn 2 ha làm theo mô hình tôm - lúa cho biết: “Nắng hạn gay gắt nhiều tháng liền đã làm độ mặn tăng lên tới trên 40%o khiến tôm nuôi chết sạch. Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay, nhờ có mưa lớn nên độ mặn đã giảm nhiều, nông dân bắt đầu tái thả giống hy vọng sẽ có thu hoạch từ đợt thả nuôi cuối vụ này”.

Các hộ lân cận nhà ông Tính cũng đang tạt vôi xử lý nguồn nước, chờ thời điểm thích hợp xuống giống.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Cương, Tổ Kinh tế Kỹ thuật xã Thuận Hòa cho biết, toàn xã có 5.242 ha tôm - lúa thì đợt nắng hạn vừa qua đã có 1.937 ha bị thiệt hại.

Nguyên nhân chủ yếu là tôm nuôi bị sốc môi trường do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm quá lớn và độ mặn tăng cao, có thời điểm đo được lên đến 42%o, vượt xa ngưỡng chịu đựng của tôm nước lợ.

“Đối với diện tích bị thiệt hại, nông dân nên cải tạo sẵn lại vuông, chờ khi có mưa nhiều, độ mặn giảm dưới 25%o là có thể thả giống nuôi lại”, bà Cương khuyến cáo.

Tại khu vực chợ tôm giống tự phát gần cầu Thứ Bảy (huyện An Biên, Kiên Giang), đã nhộn nhịp hơn nhiều so với tháng nắng hạn. Trung bình mỗi ngày có cả chục xe tải chở tôm giống từ các tỉnh miền Trung về phục vụ nhu cầu thả nuôi.

Theo anh Nguyễn Thanh Toàn, chủ một cơ sở chuyên vèo tôm giống cung cấp cho nông dân vùng U Minh Thượng thì từ khi có mưa, nhu cầu tôm giống tăng trở lại.

“Cứ treo bảng “đang có tôm giống” là nông dân đến mua sạch. Tôm vèo không kịp nông dân đặt hàng. Hút nhất là loại tôm vèo hầm đất, vì đã được thuần dưỡng, trọng lượng từ 1.000 - 1.200 con/kg. Nông dân chỉ cần thả nuôi thêm từ 1,5 - 2 tháng là đã có thu hoạch”, anh Toàn chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, tính đến giữa tháng 5, toàn tỉnh đã thả nuôi được 102.686 ha tôm nước lợ, tăng 7,28% so với cùng kỳ.

Trong đó, tôm nuôi công nghiệp 861 ha (chủ yếu là thẻ chân trắng), tôm - lúa 81.618 ha, còn lại là quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, thời tiết nắng hạn đã làm cho trên 10.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chủ yếu là mô hình tôm - lúa và quảng canh do tôm bị sốc môi trường.

Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, thời gian qua nhờ có mưa nên độ mặn ở những vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều, từ nay đến đầu tháng 6, những diện tích bị thiệt hại nông dân có thể xuống giống, tái sản xuất trở lại.

Đứng trên bờ bao vuông tôm nhìn cơ giới đang hoạt động san ủi ao tôm, anh Tư Thanh ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết: Mưa đến rồi, chỉ chờ đều hạt bà con địa phương sẽ xuống giống để tránh biến động nhiều về môi trường ảnh hưởng tôm nuôi. Gia đình tôi đang thuê máy cải tạo lại 3 ao để nuôi công nghiệp, dự tính khoảng 1 tháng nữa xuống giống tôm thẻ chân trắng là ổn.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Lam, ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau) cũng đang ráo riết gia cố lại bờ bao hơn 2 ha nuôi quảng canh cải tiến.

Theo ông, đợt nắng hạn vừa qua, tôm nuôi của gia đình thất thu, số tôm sống sót thì cũng bị cứng vỏ, không phát triển. Ông gia cố lại để hứng nước mưa xuống hòa loãng bớt độ mặn hơn 40 phần ngàn mà mấy con tôm đang co mình chống chịu.

“Mưa đầu mùa còn chưa ổn định, nên thả nuôi bây giờ thì chưa chắc ăn, sợ nhất nắng lại thời gian dài tôm con sẽ bị sốc và chết hàng loạt. Tôi đang gia cố lại bờ bao và vệ sinh ao đầm, nếu thời gian tới mưa nhiều hơn độ mặn hạ xuống khoảng 20 phần ngàn là đã có thể thả tôm được”, ông Lam nói.

TS Nguyễn Văn Năm, Tổng GĐ Cty Công nghệ Hóa sinh Việt Nam (Cty Hóa Sinh) cho biết: Thời gian vừa qua tình hình hạn mặn đã ảnh hưởng khủng khiếp tới lĩnh vực thủy sản, nhiều người treo ao không dám nuôi, những người tiến hành nuôi đa phần thiệt hại. Hiện tại đã vào vụ, bên cạnh bộ phận bà con máu lửa thả nuôi trở lại, có một số hộ còn e dè và còn một phần người dân đã không còn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, TS Năm vẫn tin tưởng từ bây giờ trở đi tình hình sẽ khả quan hơn. Hiện việc bán hàng khá khởi sắc, giá tôm cao.

“Nắm bắt nhu cầu thực tế từ thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính, phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn, chúng tôi đã nghiên cứu ra các sản phẩm thảo dược, chế phẩm sinh học để hoàn thành “Quy trình nuôi tôm sạch và bền vững”. Sử dụng bộ sản phẩm của công ty có ưu điểm tuyệt đối là tạo ra tôm sạch không nhiễm kháng sinh”, TS Nguyễn Văn Năm nói.

Cá tôm nước ngọt cũng vào vụ thả

An Giang, Đồng Tháp là 2 tỉnh có diện tích nuôi tôm càng xanh mùa lũ khá lớn, năm nay lịch thời vụ thả muộn hơn so với mọi năm gần 2 tháng, lý do thời tiết nắng hạn kéo dài. Hơn 2 tuần qua ĐBSCL đã có mưa cũng là lúc các trại SX tôm giống càng xanh khẩn trương cung ứng giống còn nông dân tất bật cải tạo ao chuẩn bị thả nuôi.


Nông dân thả tôm giống tái sản xuất sau khi đã có mưa chuyển mùa, độ mặn giảm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, GĐ Trung tâm Giống thủy sản An Giang cho biết: Đã vào mùa mưa các huyện bắt đầu triển khai thả tôm cá đón mùa lũ về. Trong khi các loại giống cá đồng dồi dào thì nguồn cung giống tôm càng xanh tại địa phương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các cơ sở chủ yếu trung chuyển tôm giống tỉnh ngoài. Các mô hình nuôi tôm càng xanh, cá lóc đồng, lươn, hiện thời An Giang có khoảng 500 ha vào vụ thả nuôi… Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đang phối hợp trường ĐH Cần Thơ SX các loại giống chất lượng cao, đồng thời tiến tới áp dụng công nghệ nuôi năng suất cao.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Trưởng trạm thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết: Mấy ngày qua có mưa nông dân bắt đầu cải tạo ao, xuống giống thả được hơn 25ha/250ha diện tích toàn huyện.

Năm nay do thời tiết bất lợi, việc thả tôm tuy có muộn hơn 1,5 tháng so với các năm trước nhưng vụ tôm này vẫn hứa hẹn đem lại năng suất cao.

Theo ông Khánh, tôm càng xanh xuống giống từ tháng 6, đến cuối tháng 11 sẽ thu hoạch, ước đạt năng suất 1,5 tấn/ha, trừ chi phí lãi từ 40-50 triệu đồng/ha.

Hiện đã vào đầu mùa mưa nhiều người dân tại TP Cần Thơ mới tập trung mua các loại cá giống phục vụ nuôi trong ruộng, ao, mương... Ông Trần Văn Hai, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Gần đây, giá cả đầu ra nhiều loại thủy sản rất tốt nên tôi có ý định không sản xuất lúa vụ 3 mà để lúa chét nuôi vịt và thả các loại cá trắng. Tôi đã thu hoạch lúa hè thu 2016 và đã mua vịt về. Gia đình tôi có 1,5 ha đất lúa, xung quanh có mương làm đê bao đảm bảo nguồn nước, tôi quyết định thả 25kg cá giống các loại gồm: mè, chép, hường… kiếm thêm thu nhập".

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho biết, phong trào nuôi cá mùa lũ ở các huyện trên đang phát triển rất mạnh với trên 16.000 ha, tăng 10-15% so với năm rồi. Mô hình này được áp dụng 2 lúa + 1 cá hoặc 3 lúa + 1 cá; chỉ tập trung nuôi cá chép, mè hoa, rô phi…

Người dân chỉ đầu tư con giống ban đầu, giảm được chi phí về thức ăn, không tốn công chăm sóc mà cá vẫn lớn bình thường do ăn rơm rạ sẵn có trong ruộng, chỉ sau 3-4 tháng là thu hoạch. Năng suất trung bình từ 900 kg - 1,2 tấn/ha. Trừ các khoản chi phí, lãi từ 8-10 triệu đ/ha/vụ. Sau thu hoạch, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng cho vụ lúa kế tiếp, giảm chi phí về phân bón.


Có thể bạn quan tâm

thuong-vien-my-bat-den-xanh-cho-ca-tra-viet-nam Thượng viện Mỹ bật đèn… dua-ca-ro-phi-thanh-mat-hang-thuy-san-xuat-khau-chu-luc Đưa cá rô phi thành…